Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Đàn tranh Ajaeng của Hàn Quốc xưa và nay

#Âm điệu ngàn xưa l 2022-08-25

Âm điệu ngàn xưa

Đàn tranh Ajaeng của Hàn Quốc xưa và nay

Nhạc công Kim Un-lan và tài năng tấu đàn tranh Ajaeng

Dưới thời Joseon (thế kỷ XIV-XIX) trên bán đảo Hàn Quốc, có một nhạc công đàn tranh Ajaeng tên là Kim Un-lan. Ông vốn xuất thân từ gia đình dòng dõi quý tộc, khoa cử đỗ đạt tiến sĩ và đã từng vào học trường Seonggyungwan, cơ sở giáo dục hàng đầu ở Hàn Quốc thời bấy giờ. Nhưng rồi căn bệnh đau mắt đã làm Kim Un-lan mất hoàn toàn thị lực. Bị mù, Kim Un-lan không thể tiếp tục học chữ và thế là ước mơ lập thân dương danh cũng tan biến. Đây ắt hẳn là một biến cố quá lớn đối với một chàng thanh niên mà tương lai tưởng chừng đang mở rộng trước mắt. Nhưng cây đàn tranh Ajaeng đã phần nào giúp Kim Un-lan xoa dịu nỗi niềm tủi hận này. Và tủi hận có vẻ như đã giúp Kim Un-lan chìm đắm vào việc tấu đàn Ajaeng, nên chẳng mấy chốc mà tiếng tăm của ông đã lừng lẫy khắp chốn kinh thành. Chuyện kể rằng, một lần vác đàn đi ngang qua một ngôi miếu hoang, Kim Un-lan dừng chân nghỉ ngơi rồi lấy đàn ra tấu một bản nhạc. Đang chơi đàn, bỗng dưng Kim Un-lan nghe thấy đâu đó trong ngôi miếu vọng ra tiếng khóc rưng rức. Tiếng khóc ai oán thảm thiết trong ngôi miếu hoang, nơi dường như chẳng ai đặt chân đến liệu có phải là tiếng người không nhỉ? 


Đàn tranh Ajaeng của Hàn Quốc xưa và nay

Thoạt nhìn, đàn tranh Ajaeng trông giống như đàn tranh 12 dây Gayageum và đàn tranh 6 dây Geomungo, nhưng nó có kích cỡ lớn hơn nhiều. Đàn tranh Ajaeng có bầu đàn được làm bằng gỗ cây ngô đồng, trên bầu đàn có mắc từ 7 đến 10 dây đàn khá dày, người nghệ sĩ dùng cung vĩ được vót bằng cành cây hoa xuân vàng Gaenari cọ sát vào dây đàn để tạo âm thanh. Đàn tranh Ajaeng có thể tạo được âm thanh trầm và thấp nên được so sánh với cây đàn Cello (trung hồ cầm) của châu Âu. Nhưng do dây đàn dày, cung vĩ có cần bằng gỗ nên không dễ tấu được những âm thanh du dương uyển chuyển và có tiết tấu nhanh. Thế nên, gần đây để tấu những khúc nhạc có tiết tấu nhanh và nhiều cung bậc âm thanh như Sanjo hoặc Sinawi người ta thường dùng đàn tranh Ajaeng được cải tiến gọi là Ajaeng Sanjo. Thông thường, các nhạc cụ truyền thống của Hàn Quốc dùng dây đàn bện bằng tơ nhưng từ sau khi có đàn Ajaeng Sanjo thì đàn tranh Ajaeng sử dụng dây đàn bằng sắt nên được gọi là Cheolajaeng. Thay vì sử dụng cung vĩ, đàn tranh Ajaeng dây sắt Cheolajaeng được tạo âm thanh bằng cách dùng ngón tay búng gẩy nhấn nhá dây đàn như đàn tranh 12 dây Gayageum. 


Ở Hàn Quốc, thơ phổ nhạc Gagok là thể loại âm nhạc được thưởng thức ở trong nhà với số lượng thính giả rất hạn chế. Đàn tranh Ajaeng vốn phát ra âm thanh lớn, tiếng trầm thấp nên thường đảm trách phần âm trầm trong những tiết mục diễn tấu quy mô lớn chứ không được dùng để tấu đệm cho âm nhạc Gagok. Nhưng hôm nay, chúng ta sẽ cùng thưởng thức âm thanh của cây đàn tranh Ajaeng qua khúc thơ phổ nhạc Gagok mang tên Ilgaki (Một khắc) dành cho giọng nữ. Khúc hát có ca từ rằng “Một khắc bằng tam thu, vậy 10 ngày bằng bao nhiêu tam thu nhỉ…”, hàm ý rằng “Chàng đang vui đâu có nghĩ đến nỗi tủi hờn của người khác. Chia tay chàng, thiếp không sao chợp mắt được”.  

Theo quan niệm thời đó thì một khắc bằng khoảng 15 phút. Còn “tam thu” có nghĩa là ba mùa thu, tức là ba năm. Tâm trạng của người thương khi ly biệt thì 15 phút chẳng khác nào ba năm. Vậy thì 10 ngày đó sẽ còn dài biết nhường nào. 


* Trích đoạn Jungmori thuộc thể loại Ajaeng Sanjo dòng Park Jong-seon / Kim Yeong-gil 

* Nhạc phẩm Dongsanpuri và Hwimori thuộc thể loại Cheolajaeng Sanjo dòng Shin Hyeon-sik / Shin Hyeon-sik (diễn tấu trên âm nhạc của danh nhân Yun Yun-seok)

* Nhạc phẩm “Ilgaki Samchura Hani” (Một khắc bằng ba năm) / Park Jin-hee (hát), Jin Min-jin (đàn tranh Ajaeng)

Lựa chọn của ban biên tập