Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Tâm trạng nhớ nhung quê nhà và phong tục thờ thần của người Hàn Quốc

#Âm điệu ngàn xưa l 2022-09-08

Âm điệu ngàn xưa

Tâm trạng nhớ nhung quê nhà và phong tục thờ thần của người Hàn Quốc

Tâm trạng nhớ quê dịp thu sang trong âm nhạc truyền thống Hàn Quốc

Hôm nay là tiết bạch lộ, một trong 24 tiết khí trong năm. Bắt đầu từ ngày mai 9/9, người dân Hàn Quốc sẽ được tận hưởng kỳ nghỉ phép nhân dịp Tết Trung thu. Mấy năm nay, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, không khí Tết Trung thu ở Hàn Quốc chẳng còn được náo nức như xưa, nhưng có lẽ tới dịp này, kiều bào Hàn Quốc ở nước ngoài lại đau đáu nhớ về quê cha đất mẹ. Trong trường ca hát kể chuyện Pansori Simcheongga (Người con gái hiếu thảo Sim Cheong) có trích đoạn Chuwolmanjeong (Thu nguyệt mãn đình). Đây là khúc ca nàng Sim Cheong hát lúc nhìn thấy đàn ngỗng trời nối đuôi nhau bay trong một đêm thu sau khi đã trở thành hoàng hậu vì nhớ thương cha già nơi quê nhà. Trăng thu sáng vằng vặc, tỏa sáng khắp sân rồi len lỏi cả vào trong khán phòng, tiếng kêu tỉ tê của dế mèn càng làm đêm thu thêm đượm buồn. Thấy đàn ngỗng bay ngang qua, Sim Cheong chợt nghĩ rằng: “Có lẽ đàn ngỗng trời kia sẽ bay tới quê ta, nơi có người cha già mù lòa không nơi nương tựa”, nên nhắn với đàn ngỗng trời rằng: “Hãy đợi ta một lát, ta sẽ viết một lá thư, làm ơn hãy đưa thư của ta tới cho cha ta”. Nàng Sim Cheong vừa viết thư cho cha vừa khóc. Những giọt nước mắt của Sim Cheong làm nhòe đi hàng chữ khiến lá thư trông như một bức tranh thủy mặc. Nàng gấp vội lá thư rồi chạy ra sân nhưng trên bầu trời đêm chỉ có một vầng trăng sáng. 

Mặc dù đã trở thành mẫu nghi thiên hạ nhưng có lẽ người con gái hiếu thảo Sim Cheong không ngớt thương nhớ người cha già mù lòa, ngày ngày khóc đỏ mắt vì thương con và nghĩ rằng con gái đã chết. 


Xưa kia ở Hàn Quốc, thơ chữ Hán được ngâm theo nhạc điệu được gọi là Sichang, tức “thi xướng”. Trong dòng nhạc này của Hàn Quốc, khúc ca Gwansanyungma (Quan Sơn nhung mã) là tiêu biểu nhất. Đây là khúc Sichang được phổ nhạc trên thơ của văn sĩ Shin Kwang-su (1712-1775) sống vào thời vua Yeongjo (Anh Tổ) của triều đại Joseon thế kỷ XVIII. Lúc ở độ tuổi xế chiều, Đỗ Phủ, một trong những nhà thơ vĩ đại nhất của Trung Quốc dưới thời nhà Đường, đã lên lầu Nhạc Dương, sáng tác áng thơ “Đăng Nhạc Dương lâu” (Lên lầu Nhạc Dương) khi nhìn xuống hồ Đông Đình mênh mang thơ mộng mà lo lắng về quê nhà. 


Không một cánh thư từ bà con bạn hữu

Thân già yếu lênh đênh trên con thuyền cô quạnh

Quê nhà vẫn đang loạn binh đao

Tựa hiên, ròng ròng nước mắt tuôn


Văn sĩ Shin Kwang-su của Hàn Quốc đã đưa áng thơ này của Đỗ Phủ vào khúc hát Gwansanyungma (Quan Sơn nhung mã). Khúc ca được bắt đầu bằng câu:


Sông thu phẳng lặng, cá lạnh băng
 Người hóng gió Tây trên lầu gác Jungseon
 Khúc hoa mai của vạn quốc, thường nghe thấy tiếng sáo lúc hoàng hôn
 Chống gậy, đuổi chó trắng trong quãng đời còn lại


Phong tục thờ thần của người dân Hàn Quốc

Ở Hàn Quốc thời xưa, làng nào cũng có một nơi gọi là Dangsan, âm Hán là “đường sơn”, là nơi cúng bái thần thủ hộ làng. Dangsan có thể là một ngọn núi hoặc một cây cổ thụ lớn. Và họ gọi thần thủ hộ làng Dangsan là Dangsan Harabeoji hoặc Dangsan Halmeoni, tức ông/bà Dangsan. Người dân trong làng thường tới đây cúng vái thần làng hoặc tổ chức chiếu đồng vào dịp lễ tết hay những dịp làng có sự kiện gì lớn. Khi các nghi thức cúng tế kết thúc, đoàn người chơi nông nhạc sẽ gõ trống khua chiêng để tụ họp dân làng. Khúc hát thường được người dân trong làng hát vào những dịp này là Dangsanpuri (Khúc hát thần làng Dangsan). Xưa kia, người Hàn tin rằng có khá nhiều vị thần bảo hộ lăng phủ, ví như thần bảo vệ nhà Teojusin, thần bếp Jowangsin, thần cửa Munsin, thậm chí có cả thần cai quản nhà vệ sinh Cheuksin. Thần thủ hộ làng Dangsin cũng không phải chỉ có một vị thần. Người dân trong làng hát khúc Dangsanpuri (Khúc hát thần làng Dangsan) để cầu mong các vị thần làng xua đuổi mọi bệnh tật tai ương, bảo vệ sức khỏe và sự bình an cho dân làng. 


* Khúc hát Chuwolmanjeong (Thu nguyệt mãn đình) trong trường ca hát kể chuyện Pansori Simcheongga / Seong Chang- sun 

* Khúc thi xướng Gwansanyungma (Quan Sơn nhung mã) / Lee Hyeon-ah (dàn chính nhạc đoàn nghệ thuật truyền thống những người khiếm thị)

* Khúc hát Dangsanpuri (Khúc hát thần làng Dangsan) / Cho Sang-yong 

Lựa chọn của ban biên tập