Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Các khúc hát mang chủ đề về núi non ở Hàn Quốc xưa kia

#Âm điệu ngàn xưa l 2022-10-20

Âm điệu ngàn xưa

Các khúc hát mang chủ đề về núi non ở Hàn Quốc xưa kia

Lối hát tạp ca Jabga và hình ảnh các triền núi trong thơ ca truyền thống Hàn Quốc

Xưa kia ở Hàn Quốc, thể loại âm nhạc mà giới quý tộc và người dân thường trong xã hội ưa thích rất khác nhau. Chính nhạc Jeongak là âm nhạc được tấu trong các nghi lễ cung đình và là thể loại âm nhạc dành cho giới thượng lưu có cuộc sống vương giả nhàn hạ. Chính nhạc Jeongak có tiết tấu chậm, giúp người nghe kiềm chế cảm xúc của bản thân, trong đó phần ca hát được gọi là Jeongga (Chính ca). Còn thể loại âm nhạc dành cho bách tính là nhạc dân gian Minsokak lại có tiết tấu nhanh, biểu cảm trực tiếp và khuếch đại cảm xúc của người nghe. Do đó, dòng nhạc hát kể chuyện Pansori, dân ca Minyo được gọi là tạp ca Japga. Thuở xưa, tạp ca Japga không phải là thể loại âm nhạc được giới học giả đoái hoài tới nhưng giờ đây, khúc ca được thể hiện bởi các ca sĩ âm nhạc truyền thống chuyên nghiệp lại được gọi là tạp ca Japga. Tạp ca có thể loại ngồi hát một mình gọi là Jwachang (tọa xướng), và có thể loại vừa hát vừa nhảy múa gọi là Seonsori hay Ipchang (lập xướng). Trong chuyên mục phát thanh Âm điệu ngàn xưa hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về lối hát Seonsori của dòng tạp ca Japga. Thường thì lối hát Seonsori được gọi là “Seonsori Santaryeong” (Khúc ca núi non), vì có các khúc hát kể về núi như Nollyang, Apsantaryeong (Khúc hát núi trước), Dwitsantaryeong (Khúc hát núi sau), Jajinsantaryeong (Khúc ca núi non nhịp điệu nhanh). Đây là lối hát được người trưởng nhóm đeo trống phong yêu Janggu hát dẫn trước, sau đó các thành viên còn lại sẽ vừa hát vừa đánh trống nhỏ Sogo hoặc nhảy múa. 


Có lẽ vì Hàn Quốc có nhiều núi nên có khá nhiều khúc hát mang chủ đề về núi. Ví như khúc Santaryeong (Khúc ca núi non) của vùng Jeolla. Khúc hát này được kết thúc bằng điệp khúc Sanajiroguna nên còn được gọi là Sanajitaryeong. Xưa kia, người dân tỉnh Jeolla khi cùng nhau đi làm đồng hay lên núi đốn củi thường ngân nga khúc hát Sanajitaryeong. Khúc hát được bắt đầu bằng câu:


Đất trời bất lão, trăng trường tồn

Sông núi tĩnh lặng, nhân thế trăm năm


Câu ca ám chỉ rằng trời đất không già đi, vầng trăng luôn còn đó, cớ sao đời người chỉ ngắn ngủi có trăm năm giữa bạt ngàn sông núi. Khúc hát còn có đoạn:


Lạnh không! Nóng không! Hãy xà vào lòng ta

Gối cao! Gối thấp! Hãy gối đầu lên tay ta


Tập tục giẫm cầu Dapgyo của người Hàn Quốc trong đêm rằm tháng Giêng

Câu hát của các danh ca nam luôn tạo cho người nghe cảm giác cao trào hứng khởi. Vào cuối thời Joseon, lối hát “Seonsori Taryeong” đã từng nổi như cồn ở chốn kinh thành Hanyang (Hán Dương, tên gọi cũ của thủ đô Seoul) và đã có khá nhiều các phường nhạc nam hoạt động sôi nổi thời đó được lấy tên từ các địa danh, nơi họ thành lập như DDukseom, sông Hàn, Yongsan hay Gwacheon. Trong số các phong tục truyền thống của Hàn Quốc trong ngày Rằm tháng Giêng có tục Dapgyo (Giẫm cầu) dưới trăng. Người Hàn tin rằng nếu qua lại cây cầu 12 lượt trong đêm rằm tháng Giêng thì 12 tháng trong năm thì đôi chân sẽ cứng cáp, khỏe mạnh không bị ốm đau và xả được vận xui. Trong lòng  kinh đô Hán Dương thì chỉ có vài cây cầu bắc qua suối Cheonggye (Thanh Khê). Thế nên, truyền rằng, vào đêm Rằm tháng Giêng, các cây cầu ở Hàn Quốc đều chật ních người đi trẩy hội và các gánh hát truyền thống Noripae hay gánh hát đường phố Seonsoripae cũng không bỏ lỡ cơ hội này để làm hưng phấn hơn bầu không khí. Nollyang nghĩa là “Cùng vui chơi nào”, là khúc hát đầu tiên trong âm nhạc Santaryeong (Khúc ca núi non). Khúc hát được bắt đầu bằng câu ca ngợi cảnh quan núi non như:


Nào đi nào! Nào đi nào! Ơi hỡi ! Là lá la!

Lên núi phía Bắc trên con đường rợp bóng liễu thướt tha


Ca từ của câu hát có vẻ hợp với tâm trạng khấp khởi xao xuyến mong muốn được ra ngoài chơi cho thỏa của giới trẻ trong dịp này. 


* Khúc Apsantaryeong(Khúc hát núi trước) trong tạp ca “Seonsori Santaryeong” của vùng Gyeonggi/ nghệ sĩ Jeong Deuk-man cùng nhóm phụ họa 

* Khúc hát Nollyang / ban nhạc Yegyeol

* Khúc hát Santaryeong (Khúc hát núi non) của dân ca Minyo vùng Namdo (tức các tỉnh Jeolla) / Park Yang-deok và nhóm phụ họa

Lựa chọn của ban biên tập