Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Âm nhạc múa hát lên đồng Gut trong đời sống tinh thần của người dân Hàn Quốc

#Âm điệu ngàn xưa l 2022-11-17

Âm điệu ngàn xưa

Âm nhạc múa hát lên đồng Gut trong đời sống tinh thần của người dân Hàn Quốc

Chiếu đồng và người nghệ sĩ múa hát lên đồng

Những người cao tuổi ở Hàn Quốc vẫn thường nói là “Gut Handa” hay “Gut Boreo Ganda” nghĩa là “Lên đồng” và “Đi xem lên đồng” khi có đám hội gì đáng xem. Gut, tức “Lên đồng” vốn là một nghi thức tôn giáo bản địa. Trên chiếu đồng, sau nghi thức cúng vái các vị thần, ông đồng bà đồng sẽ chuyển lời cầu nguyện của con người tới các vị thần rồi tiễn các vị thần hồi dinh. Vì theo quan niệm của người xưa thì thần thánh cũng giống như người trần nên họ thành tâm chuẩn bị rượu quý, mâm cơm cúng thịnh soạn cùng câu ca điệu múa để dâng lên các vị thần. Khổ công rèn giũa tập luyện nên điệu múa, câu hát, khúc nhạc của ông đồng bà đồng và các nhạc gia đạt đến tầm nghệ thuật cao và được truyền bá rộng rãi. Giờ đây múa hát lên đồng đã được lưu truyền như một loại hình nghệ thuật truyền thống. 


Nhiều nhạc phẩm truyền thống Hàn Quốc có nguồn gốc từ âm nhạc múa hát lên đồng

Trong các giai điệu dân ca Minyo của Hàn Quốc có khá nhiều khúc hát lên đồng, ví như khúc Changbutaryeong và Noraegarak của dân ca Gyeonggi, hay Seongjupuri (Lễ tạ thần thổ địa) của dân ca Namdo (tức các tỉnh Jeolla). Hoặc có cả những màn lên đồng được sân khấu hóa như Daegamnori (Trò chơi đại thánh Daegam) hay màn gây cười bằng lối chế giễu kẻ mượn chiếu đồng để lừa gạt tiền của người dân trong “Baebaengi Gut” của vùng Seodo (tức các tỉnh Pyeongan và Hwanghae nay thuộc Bắc Triều Tiên). Được bình chọn là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia của Hàn Quốc, Salpuri vốn là vũ điệu được ông đồng bà đồng múa trên chiếu đồng khi làm lễ hóa giải vận hạn, nghiệp chướng và xua đuổi tà ma ác quỷ. Chiếu đồng thường được mở khi gia đình có hỷ sự, có người đau ốm, có ân oán hay lúc làng có việc. Ví như ở những vùng ven biển, các xóm chài thường mở chiếu đồng cầu nguyện cho một mùa đánh bắt hải sản bội thu, vùng nông thôn thì mở chiếu đồng để cầu nguyện được mùa lớn. Nghi thức lên đồng, các bài hát và vũ điệu lên đồng ở mỗi vùng miền đều khác nhau. Nên đây giống như một kho báu tiềm năng dành cho giới nghệ sĩ ngày nay tìm tòi nghiên cứu. 

Khúc hát “Eheori Ssunggeoya” được biến tấu từ khúc hát lên đồng “Ssunggeo Taryeong” của vùng duyên hải phía Tây ở Hàn Quốc do ban nhạc Chudahye Chagis trình diễn có những ca từ mà ai nghe cũng thấy ấm lòng hả dạ:


Ăn no vẫn dư, dùng xong vẫn còn

Thần Thất Tịch bảo hộ vận mệnh

Thần Đế Thích bảo hộ phúc đức


Hwadu là nhạc phẩm theo thể loại vũ điệu múa hát lên đồng Muga thuộc khu vực vùng duyên hải biển Đông Hàn Quốc. Chuyện kể rằng, một vị thần trong vóc dáng nhà sư có nhân duyên với Danggeumaegi. Những người con trai của Danggeumaegi sau này trở thành các vị thần Jeseok (Đế Thích) cai quản vận mệnh, phúc đức của loài người. Nhạc phẩm Hwadu kể về cảnh vị sư này đeo chuỗi tràng hạt ở cổ và tay khi tìm gặp Danggeumaegi. Danh nhân Kim Dae-myeong, người chuyên hát khúc ca này xuất thân từ gia đình có truyền thống làm ông đồng bà đồng qua nhiều thế hệ nên từ nhỏ đã lớn lên cùng câu hát và điệu múa lên đồng. Ngoài ra, đàn tranh dây sắt Cheolhyeongeum thường được dùng để tấu đệm cho nhạc phẩm này. Đàn tranh dây sắt Cheolhyeongeum không phải là nhạc cụ truyền thống của Hàn Quốc. Cây đàn này xuất hiện ở Hàn Quốc năm 1940, là sự kết hợp giữa đàn ghi ta của phương Tây và lối chơi đàn tranh 6 dây Geomungo của Hàn Quốc. Âm sắc ngân dài của dây đàn kim loại phù hợp với câu ca điệu múa mời gọi các vị thần tạo cho người nghe cảm giác huyền bí khó tả. 


* Khúc dân ca “Seouje Sori” của đảo Jeju / nhóm nhạc truyền thống Arisu 

* Khúc hát “Eheori Ssunggeoya” được biến tấu từ khúc hát lên đồng “Ssunggeo Taryeong” của vùng duyên hải phía Tây ở Hàn Quốc / ban nhạc Chudahye Chagis

* Nhạc phẩm Hwadu / Kim Myeong-dae (hát và múa), Yoo Gyeong-hwa (đàn tranh dây sắt Cheolhyeongeum)

Lựa chọn của ban biên tập