Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Nhạc phẩm Yeongsanhoesang trong âm nhạc truyền thống Hàn Quốc

#Âm điệu ngàn xưa l 2022-11-24

Âm điệu ngàn xưa

Nhạc phẩm Yeongsanhoesang trong âm nhạc truyền thống Hàn Quốc

Vài nét về chính nhạc Jeongak và nhạc dân gian Minsokak

Âm nhạc truyền thống của Hàn Quốc có thể chia thành hai thể loại là chính nhạc Jeongak và nhạc dân gian Minsokak. Nếu như nhạc dân gian Minsokak là thể loại âm nhạc dành cho bách tính, thì chính nhạc Jeongak là âm nhạc được tấu trong các nghi lễ cung đình và là thể loại âm nhạc dành cho giới quý tộc có cuộc sống vương giả nhàn hạ. Do đó, nhịp điệu tiết tấu của chính nhạc Jeongak chậm hơn nhạc dân gian Minsokak, không có sự dao động lớn, giúp người nghe kiềm chế cảm xúc của bản thân. Trong dòng chính nhạc Jeongak, nhạc phẩm Yeongsanhoesang (Linh sơn hội tương) chiếm một vị trí khá quan trọng. Yeongsanhoesang (Linh sơn hội tương) vốn gồm 9 tiểu nhạc phẩm từ Sangryeongsan (Thượng linh sơn) tới Gunak (Quân nhạc), và được biến tấu khá đa dạng. Ví như, nhạc phẩm “Hyeonak Yeongsanhoesang” (Linh sơn hội tương cho đàn huyền cầm) nhằm làm nổi bật âm thanh của nhạc cụ dây được diễn tấu trong thư phòng như đàn tranh 6 dây Geomungo và đàn tranh 12 dây Gayageum. Còn Yuchosinjigok (Liễu sơ tân chi khúc) hay Pyojeongmanbangjigok (Biểu chính vạn phương chi khúc) lại là âm nhạc được diễn tấu trong các buổi yến tiệc tại cung đình. Pyojeongmanbangjigok có ý nghĩa là “nền chính trị chính trực sẽ lan tỏa sang vạn phương”. Nhạc phẩm còn được gọi là Gwanak Yeongsanhoesang (Linh sơn hội tương cho các nhạc khí ống), tức trừ đàn tranh 6 dây Geomungo và đàn tranh 12 dây Gayageum, nhạc phẩm được tấu chỉ bằng các loại nhạc khí làm bằng ống,. Sự khác biệt ở đây không chỉ đơn thuần là số nhạc cụ được sử dụng nhiều hay ít, mà còn là sự bố trí dàn nhạc và kết cấu của bản nhạc. 


Giai điệu Yeongsanhoesang trong âm nhạc truyền thống Hàn Quốc

Hyeonak Yeongsanhoesang là nhạc phẩm thường được tấu tại các khán phòng Pungryubang còn Pyojeongmanbangjigok là nhạc phẩm được tấu tại các buổi yến tiệc trong triều đình hoặc tấu đệm cho các vũ khúc cung đình. Yeongsanhoesang (Linh sơn hội tương) vốn là ngôn từ được sử dụng trong Phật giáo. Ở đây Yeongsan (Linh Sơn) là từ chỉ ngọn núi Linh Thứu (tiếng Hàn là Yeongchwi) của Ấn Độ, nơi Đức Phật Thích Ca thường thuyết pháp cho các đệ tử, và có cả sự góp mặt của các Bồ Tát. Buổi thuyết pháp này được diễn ra tại núi Yeongsan nên được gọi là Yeongsanhoesang, trong âm nhạc của Phật giáo cũng có ca từ “Yeongsanhoesangbulbosal” (Linh Sơn hội tương Phật Bồ Tát), và Yeongsanghoesang cũng được bắt đầu từ chính khúc hát này.

Yeongsanjae (Linh Sơn Trai) là một nghi thức Phật giáo truyền thống của Hàn Quốc, cầu nguyện cho hương hồn của người đã khuất đến được với cõi cực lạc. Yeongsanjae đã được Tổ chức Giáo dục khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) bình chọn là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại năm 2009. Theo quan niệm của Phật giáo, linh hồn người chết sẽ được đầu thai sang kiếp khác sau 49 ngày. Nên trong ngày thứ 49, tùy theo từng hoàn cảnh, sẽ có nhiều các nghi thức cúng lễ cầu siêu, trong đó Yeongsanjae là nghi thức tráng lệ nhất. 

Khi cử hành nghi thức Yeongsanjae (Linh Sơn Trai), một bức họa Yeongsanhoesangdo (Linh Sơn hội tương đồ) lớn được treo ở sân chùa, các vị tăng ni sẽ tấu âm nhạc Beompae (Phạm Bái) và múa vũ điệu Phật giáo Jakbeopmu (Tác pháp vũ) cùng nhiều nghi thức khác để cầu nguyện cho hương hồn của người đã khuất được siêu thoát. 


Trong đoản ca Danga của Hàn Quốc cũng có dòng nhạc Yeongsan (Linh Sơn). Danga là các khúc hát ngắn được các nghệ sĩ âm nhạc hát kể chuyện Pansori hát trước buổi công diễn, vừa để tạo bầu không khí cho buổi công diễn vừa để hắng giọng. So với thể loại âm nhạc hát kể chuyện Pansori sử dụng đa dạng nhịp điệu và tiết tấu để thể hiện các cung bậc cảm xúc, thì đoản ca Danga có tiết tấu không nhanh cũng không chậm, duy trì ở một tiết tấu tương tự như nhịp điệu Jungmori để miêu tả cảnh trí thiên nhiên hoặc các đấng anh hùng trong lịch sử. Không rõ là vì sao xưa kia ở Hàn Quốc người ta lại gọi đoản ca Danga là Yeongsan (Linh Sơn). Trong những năm 1800, có một áng thơ tên là Yeongsanseonseong (Linh Sơn Tiên Thanh). Ở đây “Seonseong” có nghĩa là “bài hát được hát trước”, tức “khúc hát được hát trước các khúc hát kể chuyện Pansori”. Áng thơ mô tả sân khấu hát kể chuyện Pansori một cách dí dỏm, rằng:


Các đấng tiên vương và vô số các hào kiệt

Lời giáo huấn như nước chảy khắp chốn danh sơn

Tiếng trống Buk vang vọng rồi ngừng lại

Bắt đầu bằng giọng trầm rồi ngân lên vút cao


Giờ đây, thay vì ca tụng anh hùng hào kiệt, các khúc đoản ca Danga thường có nội dung kể về đời sống thường nhật của con người. 


* Trích đoạn Seryeongsan (Tế linh sơn) trong nhạc phẩm Pyojeongmanbangjigok / dàn chính nhạc Trung tâm âm nhạc truyền thống quốc gia Hàn Quốc 

* Trích đoạn Jiokge (Địa ngục khế) trong nhạc phẩm “Yeongsanjae Beompae” (Linh Sơn Trai Phạm Bái) / sư cô Donghui 

* Khúc đoản ca Sacheolga (Tứ tiết ca) / Jo Sang-hyeon

Lựa chọn của ban biên tập