Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Múa mặt nạ Talchum là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại

#Âm điệu ngàn xưa l 2022-12-15

Âm điệu ngàn xưa

Múa mặt nạ Talchum là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại

Suy nghĩ của người dân về giới quý tộc

Ở Hàn Quốc, trong thời đại Joseon, giới quý tộc Yangban (âm Hán là Lưỡng ban) có ảnh hưởng rất lớn. Tiểu thuyết "Lưỡng ban truyện", có nghĩa là "Truyện về nhà quý tộc" của học giả Park Ji-won hiệu Yeonam (Yến Nham) kể về truyện một người giàu có muốn bước chân vào giới quý tộc Yangban. Trong truyện có đoạn: “Học giả nghèo sống dưới vùng quê có cách bạo ngược riêng, bắt trâu bò nhà người cày ruộng nhà mình trước, bắt nông dân làm cỏ ruộng nhà mình cũng chẳng ai dám cưỡng lại. Có dốc tro vào mũi, tóm giật chỏm tóc, vặt hết râu thì nhà ngươi cũng đâu dám oán thán”. Nghe vậy người nhà giàu nọ liền nói rằng “Có nghĩa là bảo ta trở thành kẻ cướp à?”. Và từ đó người này không còn muốn trở thành quý tộc nữa. 

Vì là tiểu thuyết nên có phần phóng đại nhưng qua đây chúng ta có thể phần nào đoán biết được suy nghĩ của người dân lúc đương thời về giới quý tộc. Hàng năm họ có đôi lần được thỏa thích chế giễu giới cường hào quý tộc cậy quyền cậy thế áp bức người dân nghèo. Trong số này có thể kể đến điệu múa mặt nạ Talchum trong ngày Rằm tháng Giêng. Trong vũ điệu múa mặt nạ Talchum thường xuất hiện nhân vật kẻ ăn người ở láu cá Maldduki hay chọc ghẹo giới quý tộc khờ khạo. Trong ngày này, giới quý tộc cũng cho người ăn kẻ ở trong nhà tiền bạc để vui chơi cho thỏa vì rằng họ chỉ cần nhún nhường và nhịn nhục một ngày thì cả năm ắt được việc. 


Những nét đặc trưng của múa mặt nạ Talchum ở Hàn Quốc

Nối tiếp nghi thức tế lễ Tông Miếu Jongmyojerye và âm nhạc tế lễ Tông Miếu Jongmyojeryeak, ngày 30 tháng 11 vừa qua, múa mặt nạ Talchum của Hàn Quốc cũng đã được Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Như vậy, Hàn Quốc đã sở hữu 22 di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại được công nhận. 

Múa mặt nạ Talchum của Hàn Quốc khá đa dạng, mỗi vùng miền đều có những nét độc đáo riêng. Vùng Hwanghae (nay thuộc địa phận của Bắc Triều Tiên) nổi tiếng với múa mặt nạ Bongsan Talchum, Gangnyeong Talchum, Eunyul Talchum. Vùng Bukcheong thuộc tỉnh Hamgyeong (cũng thuộc Bắc Triều Tiên) nổi tiếng với điệu múa mặt nạ Sajanori. Tỉnh Gangwon có màn kịch múa mặt nạ của những người nô bộc mang tên Gwannogamyeongeuk. Còn ở những nơi tấp nập người qua kẻ lại như chợ búa hay bến đò ở tỉnh Gyeonggi lại có các điệu múa mặt nạ Talchum như Songpa Sandaenori hay Yangju Byeolsandaenori. Ở quanh sông Nakdong tỉnh Nam Gyeongsang, phía Đông có múa mặt nạ Yaryu chủ yếu diễn ra trên đồng ruộng, phía Tây có múa mặt nạ Ogwangdae, vở diễn được chia ra làm 5 đoạn do 5 nghệ sĩ hài Gwangdae diễn xuất. Các vở diễn Ogwangdae tiêu biểu là Dongnaeyaryu, Suyeongyaryu, Goseongogwangdae, Tongyeongogwangdae. Ngoài ra, điệu múa mặt nạ Hahoebyeolsingut của vùng Andong được bình chọn là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại và mặt nạ Hahoe được sử dụng trong điệu múa cũng được chỉ định là di sản văn hóa cấp quốc gia của Hàn Quốc. Chắc hẳn những người yêu thích phim ảnh Hàn Quốc còn thấy mặt nạ Hahoe đóng vai trò một đạo cụ quan trọng trong bộ phim “Ngôi nhà giấy”, hay được biết đến với tên gọi “Phi vụ triệu đô” phiên bản Hàn Quốc được công chiếu vào tháng 6 năm 2022. 

Điểm đặc biệt của múa mặt nạ tại Hàn Quốc là bán đảo Hàn Quốc không phải là môi trường sinh sống thích hợp cho sư tử vậy mà trong các điệu múa mặt nạ của các vùng đa phần đều xuất hiện điệu múa mặt nạ sư tử Sajatal. Người Hàn Quốc từ xa xưa coi sư tử như một loài linh vật có sức mạnh siêu nhiên có thể xua đuổi được tà ma quỷ dữ. Như đã nói ở phần trên, trong loại hình nghệ thuật múa mặt nạ Talchum, có nội dung kẻ ăn người ở trong nhà giễu cợt người chủ quý tộc, cũng có nội dung hai vợ chồng chia tay nhau từ hồi còn trẻ, đến khi về già thì tình cờ gặp lại nhau. Trong suốt những ngày tháng xa nhau bà lão miệt mài đi tìm ông lão, vậy mà ông ta đã sớm vui vẻ điền viên và sinh con đẻ cái với người vợ kế trẻ trung. Khi gặp lại ông lão, bà lão ghen tuông với ông ta và cô vợ trẻ rồi chết tức tưởi vì bị hai người xúm vào mắng chửi. Ông lão không những không cảm thấy có lỗi với vợ cũ mà còn chóng vánh chôn cất bà rồi sống vui vẻ hạnh phúc bên người vợ mới trẻ trung. Trong xã hội phong kiến mà chế độ gia trưởng thống trị, các giai tầng bị phân hóa rõ rệt, việc kẻ ăn người làm chế giễu người chủ quý tộc hay việc vợ cả chết mà người chồng vẫn làm ngơ không phải là những việc dễ phát ngôn lúc đương thời nhưng được lột tả một cách dí dỏm hài hước theo lối trào phúng trong các điệu múa mặt nạ Talchum. Vốn nghiêm nghị và trọng thể diện như giới quý tộc không những cười vui trước các trò giễu cợt mình của kẻ ăn người ở trong nhà mà còn cho tiền bạc và hỗ trợ vật chất để họ vui chơi thỏa thích, giải tỏa mọi ấm ức, bức xúc bị dồn nén trong suốt một năm. 


* Khúc hát Yojeumyangban (Quý tộc thời nay) / Đoàn truyền thống điện tử lãng du (Gukjeondan)

* Nhạc phẩm Mask Dance (Múa mặt nạ) / nhóm nhạc Black String

* Nhạc phẩm Miyal / Kim Deok-su cùng nhóm phụ họa

Lựa chọn của ban biên tập