Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Tâm trạng khấp khởi của lòng người khi sang xuân

#Âm điệu ngàn xưa l 2023-03-16

Âm điệu ngàn xưa

Tâm trạng khấp khởi của lòng người khi sang xuân

Thú vui truyền thống của người Hàn Quốc xưa khi sang xuân

Dưới thời vua Sejong của triều đại Joseon (thế kỷ XIV-XIX) ở Hàn Quốc, có một vị tể tướng nổi tiếng tên là Maeng Sa-seong, hiệu Gobul (Cổ Phật). Ông vô cùng thanh liêm, giản dị và không màng chi đến của cải tiền bạc. Ông sống trong một túp lều tranh đơn sơ, không ngồi kiệu mà thường cưỡi trâu cưỡi bò như người nông dân bình dị. Tể tướng Maeng Sa-seong yêu âm nhạc và đóng góp đáng kể cho việc tạo dựng nên nền âm nhạc truyền thống Hàn Quốc trong thời kỳ đầu của vương triều Joseon Hàn Quốc. Trong đó, “Ganghosasiga” (Giang hồ tứ thời ca) là một áng thơ để đời của Tể tướng Maeng Sa-seong. “Gangho” (Giang hồ) có nghĩa gốc là sông và hồ, ở đây chỉ phong cảnh tự nhiên, còn “Sasiga” có nghĩa là “Những câu hát ca tụng bốn mùa xuân hạ thu đông”. Trích đoạn “Chunsa” (Khúc hát mùa xuân) trong áng thơ “Ganghosasiga” của Tể tướng Maeng Sa-seong qua giọng ca của nghệ sĩ Gu Min-ji. Câu hát có đoạn:


Hương xuân thấm đẫm giang sơn rộng

Niềm vui bất tận tự dâng trào

Bát rượu bên suối, đồ nhắm cá

Ân đức quân vương nhàn thật nhàn


Thứ Ba tuần sau, ngày 21 tháng 3, là tiết xuân phân, tức là hôm có thời gian ban ngày và ban đêm dài như nhau. Người Hàn Quốc có câu “Nóng hay lạnh cũng là từ tiết xuân phân đến tiết thu phân”, ý muốn nói rằng từ sau tiết xuân phân, thời tiết sẽ hết lạnh và hơi ấm mùa xuân sẽ bao phủ khắp đất trời. Thời xưa, cứ tới dịp này là người dân Hàn Quốc bắt đầu tất bật sửa chữa cổng rào và cày bừa, gieo cấy. Trước khi bắt tay vào công việc, chủ nhà thường làm bánh gạo Tteok rồi đem chia cho người ăn kẻ ở và các tiểu nông, thành tâm nhờ vả họ để được một vụ mùa bội thu. Nắng xuân rộn ràng, người thì thưởng xuân bằng cách đi ngắm hoa. Người lại hái hoa đỗ quyên Jindallae về làm bánh rán lá hoa Hwajeon, còn được gọi là “Hwajeon Nori”. 


Tâm trạng mong ngóng xuân được khắc hoạ trong thơ cổ

Nói tới du xuân và hoa xuân thì có thể nhắc tới khúc hát “Tamchun” (Thám xuân) được phổ nhạc theo thơ của thi sĩ Đới Ích thời nhà Tống Trung Quốc. Áng thơ có đoạn: 


Suốt ngày tìm xuân chẳng thấy xuân

Hài rơm gậy gỗ bốn phương trời

Trở về, chợt thấy mai hé nở

Xuân ơi, xuân đã đậu nhành mai


Ý thơ ám chỉ lòng người vội vàng đi khắp bốn phương trời để tìm xuân nhưng chẳng thấy xuân đâu. Khi quay về thì ngỡ ngàng thấy rằng xuân đã về trên nhành mai gầy guộc bên nhà tự bao giờ. 

Xuân chợt đến rồi vội vàng ra đi. Do hiện tượng nóng lên của Trái đất, mùa xuân dường như đang ngày càng ngắn lại. Thế nên gần đây có câu nói “Đông vừa qua là hè đến”. Hy vọng quý vị và các bạn sẽ tận hưởng hương xuân, hoa xuân và niềm vui hạnh phúc khi xuân về. 


* Trích đoạn “Chunsa” (Khúc hát mùa xuân) trong áng thơ “Ganghosasiga” của Tể tướng Maeng Sa-seong / Gu Min-ji

* Khúc hát“Nollyang”/ban nhạc Yegyeol 

* Khúc hát “Tamchun” (Thám xuân) / nhóm nhạc nữ Souljigi

Lựa chọn của ban biên tập