Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Tâm tình người học giả khi xuân sang và trong chính nhạc Jeongga

#Âm điệu ngàn xưa l 2023-04-06

Âm điệu ngàn xưa

Tâm tình người học giả khi xuân sang và trong chính nhạc Jeongga

Tâm tình người học giả khi xuân sang

Sang xuân, khá nhiều người cảm thấy mệt mỏi, uể oải và buồn ngủ. Người Hàn Quốc gọi hiện tượng này là Chungonjeung, tức “bệnh mệt mỏi mùa xuân”. Vì sang xuân, Mặt trời mọc sớm và lặn muộn, cơ thể chúng ta chưa thích ứng ngay được với những chuyển biến của thời tiết. Do đó thời gian nghỉ ngơi thì ngắn lại mà thời gian hoạt động lại nhiều hơn, trong khi cơ thể đòi hỏi chất dinh dưỡng đủ cho năng lượng tiêu hao nhưng vì không hấp thụ ngay được nên khiến chúng ta dễ cảm thấy mệt mỏi và buồn ngủ. Lúc bận làm việc mà cứ buồn ngủ rũ rượi ra thì quả là vấn đề, những lúc như thế này mà được chợp mắt một chút thì chẳng còn gì bằng đúng không ạ? “Chunmyeongok” (Xuân miên khúc) là khúc chính ca Gasa miêu tả cảm nhận của một người học giả bừng tỉnh sau giấc ngủ trưa giữa tiết xuân. Khúc hát được mở đầu bằng đoạn:


Nắng xuân ấm nhoài mình rời chỗ

Kẽo kẹt cổng tre hé mở dòm

Hoa ngoài hiên chợt bừng nở rộ

Nhẹ nhàng cánh bướm lượn vòng quanh

Liễu ven sông đung đưa theo gió

Tỏa hương thơm nhè nhẹ cùng nắng xuân


Nắng xuân làm người học giả trong khúc hát thức tỉnh, anh ta mở hé cửa nhòm ra ngoài thì thấy hoa xuân đua nở đẹp lung linh như đang níu kéo những cánh bướm. Hàng liễu ven sông cũng đung đưa theo gió xuân tỏa hương thơm nhè nhẹ. 


Vài nét đặc trưng của chính nhạc Jeongga

Trong âm nhạc truyền thống Hàn Quốc, Gasa và Gagok đều thuộc dòng chính ca Jeongga, một thể loại âm nhạc được giới thượng lưu trong thời Joseon ở bán đảo Hàn Quốc yêu thích. Khác với sắc thái bộc bạch tâm tư tình cảm của âm nhạc dân gian Minyo, chính ca Jeongga có nhịp điệu chậm, cốt cách tinh túy. Chính ca Jeongga được chia thành ba dòng là thơ phổ nhạc Gagok, Sijo và Gasa. Trong đó, Gasa có ca từ dài hơn hai dòng Gagok và Sijo. Tới nay, dòng chính ca thơ phổ nhạc Gasa vẫn còn lưu truyền được 12 khúc ca lột tả khao khát rời bỏ thế tục đa đoan để tận hưởng cuộc sống an nhiên tự tại giữa vòng tay thiên nhiên của giới học giả. Khúc hát “Chunmyeongok” (Xuân miên khúc) mà chúng ta vừa nghe là phần mở đầu liên khúc. Tiếp nối “Chunmyeongok” là những ca từ mô tả việc người học giả ăn vận bảnh bao đi du xuân với nữ nhi xinh đẹp. Có lẽ đây là tâm tình và ao ước của đấng mày râu giữa bốn bề nắng xuân, hoa xuân và hương xuân thoang thoảng. Mặt khác, tạp ca Jukjisa (Trúc chi từ), một trong 12 khúc tạp ca Sibigasa, có đoạn:


Trời đất không già, trăng luôn mọc

Sông núi phẳng lặng, người trăm tuổi rồi


Câu ca có ý rằng trời đất không có tuổi tác, vầng trăng luôn còn đó, cớ sao đời người chỉ ngắn ngủi có trăm năm giữa bạt ngàn sông núi. Đây vốn là lời trải lòng của người học giả bị lưu đày một cách oan uổng, không dám oán thán quân vương mà chỉ nuốt đắng tự trấn an bản thân. 


Chính ca Gagok là những nhạc phẩm thường được đệm bằng các loại nhạc cụ truyền thống của Hàn Quốc như đàn tranh 12 dây Gayageum, đàn tranh 6 dây Geomungo, đàn nhị Haegeum, sáo trúc ngang lớn Daegeum, sáo trúc dọc Piri, trống phong yêu Janggu. Người thưởng nhạc Gagok cũng thường là những người có học vấn, thân phận quyền quý, kinh tế khá giả và có nhiều thời gian. Trong khi đó thơ phổ nhạc Sijo hay chính ca Gasa chỉ cần một vài nhạc khí thổi như sáo trúc ngang lớn Daegeum, sáo trúc dọc Piri hay sáo ngắn Danso phụ họa, và mang tính đại chúng cao. Trước khi khép lại chuyên mục phát thanh hôm nay, chúng ta hãy cùng lắng nghe nhóm chính nhạc Modern Gagok trình diễn khúc hát “Sangsabyeolgok” (Tương tư biệt khúc) mang hơi thở thời đại. Tiếng đàn tranh Ajaeng và sáo trúc dọc Piri như càng làm cho nỗi niềm thương nhớ của những người yêu nhau khi ly biệt trong khúc hát “Tương tư biệt khúc” thêm buồn da diết. Khúc hát có đoạn rằng “Trong vạn sự ở đời, con người không quen với chia tay ly biệt và cô đơn. Không có gì mệt mỏi rầu rĩ hơn việc nhớ thương người mà không được gặp người.”


* Khúc chính ca Gasa “Chunmyeongok” (Xuân miên khúc) / OST trong phim “Vụ scandal – Joseon nam nữ tương duyệt chi tử” (Nỗi ô nhục họ Cho)

* Khúc hát “Nakwonga” (Lạc viên ca) cải biên từ tạp ca Jukjisa / Park Jin-hee 

* Khúc hát “Sangsabyeolgok”(Tương tư biệt khúc) / nhóm chính nhạc Modern Gagok

Lựa chọn của ban biên tập