Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Nghệ thuật biểu diễn của gánh diễn Namsadang

#Âm điệu ngàn xưa l 2023-04-20

Âm điệu ngàn xưa

Nghệ thuật biểu diễn của gánh diễn Namsadang

Nghệ nhân Baudeogi và gánh diễn nghệ thuật lưu động Namsadang

Namsadang là một gánh diễn lưu động nay đây mai đó ở thời hậu Joseon trên bán đảo Hàn Quốc. Gánh diễn Namsadang có khoảng vài chục nghệ sĩ và thủ lĩnh của gánh diễn được gọi là Ggokdusoe. Họ đi biểu diễn ở khắp các vùng miền trên cả nước với các tiết mục biểu diễn chính sử dụng các loại nhạc cụ gõ Pungmulnori thường để bắt đầu buổi biểu diễn ở một nơi có không gian rộng. Sau đó đến các tiết mục như trò xoay đĩa trên que Beona Dolligi, trò nhào lộn biểu diễn Salpan, trò biểu diễn trên dây Jultagi, trò biểu diễn mặt nạ Deotboegi và trò diễn kịch rối gỗ Ggokdugaksi. Đa phần các thành viên của gánh diễn Namsadang đều là nam giới. Nhưng nhân vật nổi tiếng nhất trong lịch sử hoạt động của gánh diễn lại là một nữ nghệ sĩ có tên là Baudeogi. Baudeogi hoạt động trong gánh diễn Namsadang từ lúc 5 tuổi. Đến năm 15 tuổi, trình độ nghệ thuật của cô đạt tới đỉnh cao khiến người ta còn gọi gánh diễn Namsadang là gánh diễn Baudeogi. Và tiết mục nổi bật nhất thời đó là màn trình diễn trên dây Jultagi của cô. Truyền rằng nhà chính trị gia Heungseon Daewongun (Hưng Tuyên Đại Viện Quân, 1820-1898), cha thân sinh của vua Gojong (Cao Tông) đời thứ 26 trong triều đại Joseon, trong quá trình trùng tu cung Gyeongbok (Cảnh Phúc), để giúp đội ngũ xây dựng tại đây thêm hứng khởi trong công việc, ông đã cho gọi Baudeogi đến biểu diễn. Quả nhiên, buổi diễn của Baudeogi cùng gánh diễn Namsadang đã là nguồn động viên rất lớn đối với những người lao động tại đây. Để thưởng công và tỏ lòng ngưỡng mộ tài chơi trống nhỏ Sogo và hát Seonsori của Baudeogi, Heungseon Daewongun đã ban tặng cho cô chiếc Okgwanja (Ngọc quán tử), tức chiếc vòng ngọc đeo trên đai của mũ bịt đầu mà chỉ có các quan từ tam phẩm trở lên mới được sử dụng. 


Là một gánh diễn nghệ thuật lưu động nhưng Namsadang vốn trực thuộc một ngôi chùa nên họ thường biểu diễn để kêu gọi sự quyên góp của người dân xây dựng chùa và còn bán cả các lá bùa do sư thầy trong chùa viết. Một phần thu nhập của gánh diễn được đem quyên góp cho nhà chùa. Cũng có người nói rằng gánh diễn của Baudeogi trực thuộc chùa Cheongryong (Thanh Long) ở vùng Anseong tỉnh Gyeonggi. Lúc sinh thời, Baudeogi nổi tiếng tới mức người ta còn làm cả bài hát về cô, rằng:


Baudeogi ở chùa Cheongryong vùng Anseong

Chỉ cần khua trống nhỏ Sogo là tiền bạc tuôn ra

Chỉ cần lên dây biểu diễn là tiền rơi xối xả

Nếu gặp gió là theo gió bay đi


Tuổi trẻ tài cao nhưng thật đáng tiếc là Baudeogi đã từ giã cõi đời khi mới đôi mươi. Để tưởng nhớ Baudeogi, người ta đã chôn cô ở gần chùa Cheongryong và dựng một miếu thờ tại đó. 


Nghệ thuật biểu diễn trên dây Jultagi của Hàn Quốc

Vở diễn trên dây Jultagi của gánh diễn lưu động Namsadang còn được gọi là Eoreum, tức “Băng đá” và người nghệ sĩ hài Gwangdae trình diễn tiết mục này được gọi là Eoreumsani, tức “Người băng” vì đi trên dây trông giống như đang đi trên tảng băng. Dây trong nghệ thuật biểu diễn trên dây Jultagi truyền thống của Hàn Quốc chỉ cao khoảng 3m, thấp hơn nhiều so với ở châu Âu, nhưng rất trùng nên người nghệ sĩ đi trên dây phải nhún nhảy, múa hát và làm trò cùng độ rung lắc rất lớn của sợi dây. Khi biểu diễn, người nghệ sĩ sẽ khéo léo dẫn dắt câu chuyện một cách hài hước và giới thiệu những kỹ nghệ trên dây bằng cách nói chuyện với cậu hề bé Maehossi. Dàn nhạc đệm sẽ ngồi tấu đàn phía dưới để làm tăng thêm không khí nhộn nhịp cho buổi diễn. Trong giới nghệ sĩ trẻ của nghệ thuật biểu diễn trên dây Jultagi, có thể kể đến nghệ sĩ Nam Chang-dong. Anh đã bắt đầu nhập môn nghệ thuật này từ khi 8 tuổi và thường xuyên biểu diễn trên sân khấu cùng bố là nghệ sĩ Nam Hae-ung, người vốn chuyên biểu diễn hát kể chuyện Pansori nên rất hợp với vai hài Gwangdae. Hai cha con Nam Hae-ung và Nam Chang-dong đã thành lập nhóm nhạc truyền thống mang tên Ajae (Nhã tài) và biểu diễn rất ăn khớp với nhau. 


* Nhạc phẩm “Jultagi” (Trò biểu diễn trên dây) / Kim Ju-ri 

* Khúc hát mở đầu vở rối “Tteiru” và trích đoạn “ông Bak tham gia vào chuyến đi săn chim ưng của quan Giám sự vùng Bình Nhưỡng” trong tiết mục múa rối gỗ Deolmi của gánh diễn Namsadang / Nam Gi-mun

* Khúc hát “Walja Taryeong” / nhóm nhạc truyền thống Ajae (Nhã tài)

Lựa chọn của ban biên tập