Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Phân tích nguyên nhân số ca nhiễm corona-19 tại Hàn Quốc tăng đột biến

2020-02-21

Tin tức

Phân tích nguyên nhân số ca nhiễm corona-19 tại Hàn Quốc tăng đột biến

Trong những ngày qua, Hàn Quốc ghi nhận thêm hàng chục ca nhiễm corona-19 mới, phần lớn có liên quan đến nhà thờ Shincheonji ở thành phố Daegu, nơi bệnh nhân thứ 31 từng lui tới. Số ca nhiễm tăng đột biến được phân tích là do hình thức cầu nguyện của các tín đồ tại nhà thờ Shincheonji.


Giáo phái Shincheonji – “siêu ổ dịch” corona-19

Shincheonji (Tạm dịch là “Tân thiên địa”) là một giáo phái thành lập năm 1984, bị các tôn giáo truyền thống như Công giáo hay Tin lành trong nước quy kết là “dị giáo”. Khác với các nhà thờ thông thường, nhà thờ Shincheonji ở thành phố Daegu không có ghế ngồi, toàn bộ các tín đồ ngồi cạnh nhau dưới sàn nhà. Ngoài thành phố Daegu, Hàn Quốc còn ghi nhận một số lượng lớn ca nhiễm tại huyện Cheongdo (tỉnh Bắc Gyeongsang). Đây là quê hương của người sáng lập giáo phái này, nên có thể coi là “nơi khởi nguồn” của giáo phái Shincheonji. Theo đó, nhiều giới chức và tín đồ của dị giáo này thường xuyên lui tới huyện Cheongdo để sinh hoạt. Hiện tại, phần lớn ca nhiễm corona-19 tại Hàn Quốc đều là những người có liên quan tới giáo phái Shincheonji, từng ghé thăm thành phố Daegu và huyện Cheongdo. Mặc dù vẫn chưa rõ về con đường lây nhiễm ban đầu, nhưng hiện có thể khẳng định giáo phái Shincheonji đang trở thành “siêu ổ dịch” corona-19 tại Hàn Quốc. Đặc biệt, Hàn Quốc đã ghi nhận ca tử vong đầu tiên ở bệnh viện Daenam, huyện Cheongdo, cùng một số ca lây nhiễm là các nhân viên y tế ở bệnh viện này. Cơ quan phòng dịch cho biết tính tới ngày 20/2, trong số 15 ca nhiễm ghi nhận ở bệnh viện Daenam, có 5 người là y tá. Do đó, Chính phủ đã đóng cửa bệnh viện này, cấm đội ngũ nhân viên y tế của bệnh viện di chuyển sang khu vực khác. Bệnh viện Daenam nằm cạnh nhiều cơ sở y tế, phúc lợi của huyện Cheongdo, như trung tâm y tế huyện, viện dưỡng lão. Các cơ sở này được kết nối với nhau bằng một lối đi chung, tạo thành một khu hạ tầng y tế, phúc lợi phức hợp. Sự bố trí như vậy có lợi trong quá trình điều trị cho các bệnh nhân, nhưng lại là lỗ hổng rất lớn nếu phát sinh bệnh truyền nhiễm. Do đó, nhiều ý kiến lo ngại sẽ xuất hiện thêm các ca nhiễm khác ở những đối tượng có khả năng miễn dịch suy giảm, như bệnh nhân đã nhập viện trong thời gian dài, người cao tuổi.


Hàn Quốc có thể kiểm soát dịch bệnh

Tuy nhiên, cơ quan phòng dịch khẳng định có thể kiểm soát được dịch bệnh. Bộ trưởng Y tế và phúc lợi kiêm Chủ tịch Ủy ban khắc phục sự cố trung ương Park Neung-hoo nhấn mạnh sự lây lan trong cộng đồng khu vực mới ở giai đoạn đầu. Nguyên nhân lây nhiễm đã rõ, và phạm vi lây nhiễm tập trung ở một nhóm đối tượng nhất định. Do vậy, cơ quan chức năng có thể kiểm soát được dịch bệnh bằng các công tác phòng dịch, điều tra dịch tễ tích cực.

Hiện tại, đã xác định rõ các ca nhiễm mới ghi nhận trên toàn quốc đều có liên quan tới nhà thờ Shincheonji, đặc biệt là liên quan tới bệnh nhân thứ 31, cũng là một tín đồ của giáo phái này. Bệnh nhân từng tới nhà thờ Shincheonji để cầu nguyện, sau đó ghé thăm nhiều nơi khác. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là con đường lây nhiễm của bệnh nhân thứ 31 vẫn chưa rõ ràng. Tức là có khả năng bệnh nhân thứ 31 bị lây từ một “bệnh nhân siêu lây nhiễm” khác. Ngoài ra, một số ít bệnh nhân ở khu vực Seoul cũng chưa xác định được con đường lây nhiễm.


Duy trì cảnh báo nguy cơ bệnh truyền nhiễm ở mức “cảnh giác”

Chính phủ Hàn Quốc vẫn duy trì cảnh báo nguy cơ bệnh truyền nhiễm ở mức “cảnh giác” sau khi xem xét số lượng ca nhiễm, tình hình lây lan tập trung ở một nhóm đối tượng nhất định. Thang cảnh báo nguy cơ bệnh truyền nhiễm của Hàn Quốc gồm 4 mức là “quan tâm”, “chú ý”, “cảnh giác” và “nghiêm trọng”. Mức cao nhất “nghiêm trọng” được ban bố khi dịch bệnh lây lan mạnh ở cộng đồng khu vực và trên phạm vi toàn quốc. Mức độ “cảnh giác” áp dụng khi dịch bệnh vẫn lây lan ở phạm vi hạn chế. Chính phủ Hàn Quốc từng nâng cảnh báo từ mức “quan tâm” lên “chú ý” sau khi ghi nhận ca nhiễm corona-19 đầu tiên vào ngày 20/1. Một tuần sau, khi số ca nhiễm tăng lên 4 người, Chính phủ nâng tiếp lên mức “cảnh giác” và vẫn đang duy trì tới hiện tại. Đây là lần đầu tiên Hàn Quốc ban cảnh báo nguy cơ bệnh truyền nhiễm ở mức “cảnh giác” sau lần bùng phát dịch cúm H1N1 năm 2009.

Lựa chọn của ban biên tập