Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Hàn Quốc ra mắt chiến đấu cơ tự phát triển đầu tiên

2021-04-17

Tin tức

ⓒYONHAP News

Chiến đấu cơ đầu tiên do Hàn Quốc tự phát triển được đặt tên là “KF-21 Boramae” đã được hoàn thiện và ra mắt vào ngày 9/4, tròn 20 năm kể từ sau khi cựu Tổng thống Kim Dae-jung tuyên bố sẽ hoàn tất phát triển cho tới năm 2015.

 

KF-21 Boramae

KF-21 có chiều dài 16,9m, chiều cao 4,7m, rộng 11,2m, lớn hơn một chút so với chiến đấu cơ F-16 và tương tự F-18 của Mỹ. Lực đẩy tối đa của máy bay là 44.000 pound, trọng lượng cất cánh tối đa là 25.600 kg, có thể chở tối đa 7.700 kg, vận tốc tối đa đạt 2.200 km/giờ, quãng đường bay là 2.900 km. Máy bay này có thể chở tên lửa không đối không METEOR của châu Âu, tên lửa không đối không AIM-2000 của công ty Diehl Defence (Đức), và đang được phát triển tên lửa dẫn đường phóng từ trên không nhằm nâng cao khả năng vũ trang.

KF-21 Boramae được phân loại là máy bay chiến đấu thế hệ 4,5, do có năng lực và tính năng tiên tiến hơn so với máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4, nhưng tính năng tàng hình chỉ được áp dụng một phần. Máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 chỉ những máy bay siêu thanh tiên tiến được cải thiện vượt bậc về điện tử hàng không và năng lực radar, còn thế hệ thứ 5 là máy bay chiến đấu đặt trên nền tảng là tính năng tàng hình. Điểm đáng tự hào của KF-21 Boramae đó là radar công nghệ quét mảng pha điện tử (AESA) do Hàn Quốc tự phát triển. Radar AESA có tốc độ xử lý thông tin nhanh gấp 1.000 lần so với thông thường, có thể truy dấu nhiều mục tiêu cùng một lúc, giúp tấn công chính xác vào mục tiêu trên không, trên mặt đất và trên biển.

 

Quá trình phát triển nhiều thăng trầm

Về tên gọi “KF-21”, quân đội giải thích chữ cái “K” là viết tắt của “Korea” (Hàn Quốc), “F” là viết tắt của “Fighter” (chiến đấu cơ), số 21 nghĩa là thế kỷ XXI. Tên gọi này mang ý nghĩa đây là chiến đấu cơ đầu tiên do Hàn Quốc sản xuất, sẽ đi tiên phong trên chiến trường thế kỷ XXI. Ngoài ra, “Boramae” là tên gọi thông dụng, trong tiếng Hàn nghĩa là “chim ưng non” dưới một năm tuổi, lấy từ biểu tượng “chim ưng” dũng mãnh của Không quân Hàn Quốc.

Tháng 3/2001, Hàn Quốc tuyên bố tự phát triển máy bay chiến đấu, sau đó chính thức khởi động dự án từ năm 2002 với tên gọi là “KF-X”. Tuy nhiên, quá trình triển khai dự án gặp nhiều khó khăn, như về tính khả thi, Mỹ từ chối chuyển giao công nghệ. Tới cuối năm 2010, Chính phủ Hàn Quốc phân bổ 44,1 tỷ won (39,4 triệu USD) ngân sách năm tiếp theo để triển khai dự án, tiếp thêm động lực cho dự án này. Nhưng sau đó, dự án lại rơi vào bế tắc, phải tới năm 2015 mới được triển khai tiếp. Tháng 9/2019, Hàn Quốc bắt tay vào sản xuất máy bay thử nghiệm đầu tiên, và cuối cùng chiếc máy bay KF-21 đầu tiên đã được ra mắt vào 9/4.

 

Ý nghĩa và kế hoạch tiếp theo

Hàn Quốc trở thành nước thứ 8 trên thế giới tự phát triển được chiến đấu cơ siêu thanh tiên tiến thế hệ thứ 4 trở lên. Nếu bao gồm cả các máy bay chiến đấu dưới thế hệ thứ 4 thì Hàn Quốc là nước thứ 13. Đặc biệt, Hàn Quốc đã nội địa hóa một phần hoặc tự phát triển hoàn toàn từ khâu thiết kế tới sản xuất trang thiết bị chính, đặc biệt là radar AESA mà Mỹ từ chối chuyển giao công nghệ, đạt bước nhảy vọt lớn về công nghệ hàng không. Ngoài ra, sự tham gia đồng phát triển một phần của Indonesia vào dự án này đã góp phần đẩy mạnh hợp tác quốc phòng giữa hai nước. Tuy nhiên, việc ra mắt máy bay thử nghiệm mới chỉ là bước khởi đầu. Trong vòng một năm tới, KF-21 sẽ được thử nghiệm trên mặt đất trước, rồi mới cất cánh lần đầu tiên vào tháng 7/2022. Hàn Quốc sẽ sản xuất tổng cộng 6 máy bay thử nghiệm, tiến hành bay thử nghiệm tổng cộng hơn 2.200 lượt trong vòng 4 năm, hoàn thiện năng lực chiến đấu không đối không và các tính năng bay cơ bản vào tháng 6/2026, rồi sau đó triển khai thực chiến 40 chiếc cho tới năm 2028, và tổng cộng 120 chiếc cho tới năm 2032.

Lựa chọn của ban biên tập