Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Tòa án Hàn Quốc ra phán quyết trái ngược trong hai vụ kiện của các nạn nhân nô lệ tình dục thời chiến

2021-04-24

Tin tức

ⓒYONHAP News

Tòa án khu vực Trung Seoul ngày 21/4 đã bác đơn kiện thứ hai của 20 nạn nhân nô lệ tình dục thời chiến và gia quyến đòi Chính phủ Nhật Bản bồi thường thiệt hại. Đây là kết luận hoàn toàn đối ngược với vụ kiện thứ nhất của các nạn nhân, được Tòa án tuyên thắng kiện hồi tháng 1 năm nay, dự kiến sẽ đẩy Chính phủ Hàn Quốc rơi vào thế khó hơn nữa trong quá trình giải quyết mâu thuẫn Hàn-Nhật.

 

Ý nghĩa phán quyết của Tòa án

Bác đơn kiện là quyết định không tiến hành xét xử của Toà án do xét thấy bản án không đủ điều kiện. Tức Tòa án không chấp nhận yêu cầu của phía nguyên đơn, nên kết luận này không khác nào việc bị tuyên thua kiện. Tòa án khu vực Trung Seoul lấy căn cứ bác đơn kiện của các nạn nhân nô lệ tình dục thời chiến là quy tắc “miễn trừ tư pháp”, tức một quốc gia có chủ quyền không bị xét xử bởi bất kỳ tòa án nào, dù là quốc tế hay quốc gia khác, nếu không có sự đồng ý của quốc gia đó. Phía nguyên đơn lập luận rằng Chính phủ Nhật Bản đã cưỡng ép phụ nữ mua vui cho quân lính, là hành vi xâm hại nhân quyền cực kỳ nghiêm trọng, nên không thể công nhận quy tắc miễn trừ tư pháp trong vụ kiện này. Việc công nhận quy tắc miễn trừ tư pháp sẽ đi ngược lại với Hiến pháp về đảm bảo quyền lợi được xét xử của người dân. Về điều này, Hội đồng xét xử giải thích rằng tại Hàn Quốc chưa có điều luật quy định về phạm vi miễn trừ tư pháp, và Seoul cũng không ký kết thỏa ước nào liên quan tới vấn đề này với Tokyo, nên Tòa án phải đánh giá công nhận hay không dựa theo “thông lệ quốc tế”. Tòa án nêu ra ví dụ là các nạn nhân người châu Âu bị phát xít Đức cưỡng ép lao động hoặc sát hại trong chiến tranh đã kiện lên Tòa án nước mình đòi Chính phủ Đức bồi thường thiệt hại, nhưng Tòa án những nước này đã bác đơn kiện của họ với lý do là quy tắc miễn trừ tư pháp.

 

Hai phán quyết đối lập

Hội đồng xét xử cũng chỉ ra rằng Chính phủ Hàn Quốc còn thiếu nỗ lực trong việc khôi phục thiệt hại cho các nạn nhân. Chính phủ phải tiếp tục nỗ lực giải quyết vấn đề nô lệ tình dục thời chiến thông qua đàm phán ngoại giao. Ngoài ra, Tòa án đánh giá thỏa thuận Hàn-Nhật về vấn đề nô lệ tình dục thời chiến đạt được năm 2015 là phương tiện để khôi phục quyền lợi cho các nạn nhân thay cho việc kiện tụng. Thỏa thuận này có nội dung Chính phủ Nhật Bản góp 1 tỷ yên (9,2 triệu USD) vào Quỹ hòa giải, chữa lành vết thương cho nạn nhân nô lệ tình dục thời chiến do phía Hàn Quốc thành lập để chi trả tiền an ủi cho các nạn nhân.

 

Trong một vụ kiện khác của 12 nạn nhân nô lệ tình dục thời chiến, Tòa án khu vực Trung Seoul vào tháng 1 năm nay lại ra phán quyết phía nguyên đơn thắng kiện. Khi đó, Tòa án cho rằng không thể áp dụng quyền miễn trừ tư pháp với các hành vi phạm tội vô nhân đạo, yêu cầu Chính phủ Tokyo phải bồi thường cho mỗi nạn nhân 100 triệu won (89.500 USD). Như vậy, cùng một Tòa án nhưng lại đưa ra hai phán quyết đối lập nhau cho vụ kiện có tính chất tương tự nhau. Trong vụ kiện đầu tiên, Tòa án công nhận trách nhiệm bồi thường về mặt pháp lý của Tokyo, trong vụ kiện còn lại thì lại công nhận rằng thỏa thuận Hàn-Nhật năm 2015 là giải pháp ngoại giao cho vấn đề này.

 

Thế khó của Chính phủ Hàn Quốc và tương lai quan hệ Hàn-Nhật

Việc Tòa án đưa ra hai kết luận khác nhau trong hai vụ kiện của các nạn nhân bị cưỡng ép mua vui thời chiến khiến Chính phủ Hàn Quốc sẽ càng phải cân nhắc đau đầu hơn. Phán quyết thứ hai cho rằng không thể truy cứu trách nhiệm của Chính phủ Nhật Bản, nên điều này sẽ giảm bớt phần nào gánh nặng cho Chính phủ Hàn Quốc. Trước đó, phán quyết vụ kiện thứ nhất của Tòa án đã khiến phía Tokyo phản đối quyết liệt, đẩy quan hệ Hàn-Nhật xấu đi nhanh chóng, tưởng chừng sẽ khó cải thiện nếu Tòa án tiếp tục đưa ra phán quyết tương tự trong các vụ kiện tiếp theo. Mặc dù vậy, không phải quan hệ Hàn-Nhật sẽ tiến triển khả quan hơn sau phán quyết lần này của Tòa án. Hiện tại, giữa hai nước vẫn còn chồng chất nhiều vấn đề mâu thuẫn, như việc Tokyo siết chặt quy chế nhập khẩu với Seoul nhằm trả đũa phán quyết của Tòa án tối cao Hàn Quốc về việc bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng ép lao động thời chiến.

Lựa chọn của ban biên tập