Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Hàn Quốc mở rộng phạm vi khái niệm “gia đình”

2021-05-01

Tin tức

ⓒYONHAP News

Bộ Phụ nữ và gia đình Hàn Quốc ngày 27/4 công bố “Kế hoạch cơ bản về gia đình lành mạnh lần 4”, trong đó bao gồm phương án công nhận nhiều hình thái gia đình đa dạng và cho phép bố mẹ tự thảo luận và quyết định họ cho con. Kế hoạch này sẽ được thực thi từ năm 2021 đến năm 2025.

 

Kế hoạch cơ bản về gia đình lành mạnh

Căn cứ theo Luật cơ bản về gia đình lành mạnh, Bộ trưởng Phụ nữ và gia đình phải lập “Kế hoạch cơ bản về gia đình lành mạnh” mỗi 5 năm một lần. Luật định nghĩa “gia đình lành mạnh” là một gia đình thỏa mãn yêu cầu của mọi thành viên và bảo đảm một cuộc sống thực sự của con người. Các thành viên phải cùng tham gia vào cuộc sống gia đình, như cùng làm việc nhà, chăm sóc giáo dục con cái, tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau. Từ “gia đình lành mạnh” trong kế hoạch cơ bản được lấy theo định nghĩa này trong luật.

Kế hoạch cơ bản bao quát nhiều phương án hỗ trợ về mặt chế độ, như đối sách nâng cao tính tự lập của gia đình, để các gia đình có thể duy trì một lối sống lành mạnh. Sau khi “Kế hoạch cơ bản về gia đình lành mạnh” được thông qua, lãnh đạo các cơ quan hữu quan, lãnh đạo các tỉnh, thành phố sẽ phải lập kế hoạch thực thi theo kế hoạch cơ bản và triển khai thực hiện.

 

Nội dung chính trong Kế hoạch cơ bản về gia đình lành mạnh lần 4

Đặc điểm lớn trong kế hoạch lần này là sửa đổi chế độ pháp lý và lập đối sách để phù hợp với sự thay đổi về hình thái và cấu trúc gia đình hiện nay. Trước tiên, các cặp đôi chỉ sống chung không kết hôn, “gia đình ủy thác” (gia đình được cơ quan chức năng giao phó nuôi dưỡng trẻ em bị bạo hành) cũng được công nhận là gia đình về mặt pháp lý. Ngoài ra, Bộ Phụ nữ và gia đình cũng xem xét phương án để các gia đình dù không cùng huyết thống hoặc không có quan hệ hôn nhân theo pháp luật nhưng có sự chăm sóc lẫn nhau trên thực tế, cũng có thể được hưởng các khoản trợ cấp, bồi thường liên quan tới gia quyến. Ngoài ra, Bộ Phụ nữ và gia đình sẽ chính thức xem xét về chính sách liên quan tới những phụ nữ không kết hôn nhưng tự sinh con bằng công nghệ hỗ trợ sinh sản. Kế hoạch còn bao gồm nội dung lập điều luật mới cấm phát ngôn hiềm khích với các gia đình đa văn hóa.

 

Ý nghĩa

Kế hoạch lần này mang ý nghĩa lớn, thể hiện được nỗ lực của Chính phủ trong việc sửa đổi chế độ pháp lý phù hợp với sự thay đổi nhanh chóng về quan hệ gia đình, xã hội. Hiện tại, tỷ lệ gia đình truyền thống, gồm vợ chồng và con cái chưa kết hôn, đã rơi xuống dưới 30%. Hộ gia đình một thành viên chiếm tỷ lệ trên 30%. Có nghĩa là hộ gia đình từ hai thành viên trở xuống chiếm gần 60%, trở thành hình thái gia đình chủ yếu. Những thay đổi này đặt ra yêu cầu với Chính phủ về việc sửa đổi một cách toàn diện chế độ pháp lý, cũng như chế độ phúc lợi về quan hệ gia đình, vốn từ trước tới nay chỉ đặt trọng tâm vào hình thái gia đình truyền thống. Ngoài ra, Chính phủ cũng phải sửa đổi luật hiện chỉ công nhận các gia đình có quan hệ hôn nhân, huyết thống hay nhận nuôi là gia đình. Nhiều ý kiến cho rằng phải bao gồm nhiều hình thái gia đình đa dạng hơn, như cặp đôi chỉ sống chung, cặp đôi xác lập quan hệ vợ chồng trên thực tế nhưng chưa đăng ký kết hôn theo pháp luật, cặp vợ chồng già sống chung chăm sóc lẫn nhau, các gia đình được ủy thác nuôi trẻ bị bạo hành.

Phần lớn ý kiến đánh giá phương hướng kế hoạch cơ bản lần này đã đi đúng hướng, nhằm theo kịp sự thay đổi của thời đại. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến lo ngại những thay đổi này sẽ kích động tan vỡ gia đình. Do đó, cần sự thảo luận đầy đủ trong xã hội về những nội dung trên trong thời gian tới.

Lựa chọn của ban biên tập