Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Hàn Quốc và Israel trao đổi vắc-xin COVID-19 của Pfizer

2021-07-10

Tin tức

ⓒGetty Images Bank

700.000 liều vắc-xin COVID-19 của hãng dược Pfizer (Mỹ)do Israel cung cấp cho Hàn Quốc theo thỏa thuận trao đổi vắc-xin, đã về tới Hàn Quốc vào ngày 7/7. Trước đó, Chính phủ Hàn Quốc và Israel đã ký kết thỏa thuận trao đổi vắc-xin COVID-19, theo đó Israel cung cấp cho Hàn Quốc 700.000 liều trước, rồi nhận lại lượng vắc-xin tương ứng từ Seoul tuần tự từ tháng 9 tới tháng 11.

 

Trao đổi vắc-xin

Chuyến bay chở lô vắc-xin mà Israel cung cấp cho Hàn Quốc đã về tới sân bay quốc tế Incheon vào sáng 7/7. Đây là lần đầu tiên Hàn Quốc ký kết thỏa thuận trao đổi vắc-xin COVID-19 với nước ngoài. Lô vắc-xin này được sản xuất tại Bỉ, có hạn sử dụng tới hết ngày 31/7. Vắc-xin của Pfizer sản xuất tại Bỉ đã được cơ quan chức năng Hàn Quốc cấp phép sử dụng, nên lô vắc-xin trên đã được hoàn tất thông quan, phê chuẩn sử dụng khẩn cấp để có thể tiêm chủng sớm cho người dân. Nhóm chuyên trách liên ngành Chính phủ về nhập vắc-xin COVID-19 khẳng định hạn sử dụng ghi trên vắc-xin chỉ thể hiện thời gian bảo quản tối thiểu và không hề ảnh hưởng tới hiệu quả của vắc-xin. Các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm cũng nhấn mạnh chỉ cần tiêm theo đúng thời hạn sử dụng là không có vấn đề gì, người dân hoàn toàn có thể an tâm tiêm phòng. Việc Israel quyết định trao đổi vắc-xin với Hàn Quốc là bởi xét thấy Seoul có đủ điều kiện để có thể tiêm hết lô vắc-xin này trong thời hạn sử dụng còn lại. Ban đầu, Hàn Quốc đã thỏa thuận với Israel về việc trao đổi 800.000 liều vắc-xin. Nhưng sau khi Chính phủ Israel công bố về hạn sử dụng của vắc-xin, nhiều người dân nước này đã đăng ký tiêm, nên Israel điều chỉnh giảm xuống còn 700.000 liều, để lấy vắc-xin tiêm cho nhóm đối tượng 12-17 tuổi.

 

Sử dụng vắc-xin

Cân nhắc tới tình hình dịch bệnh COVID-19 đang lây lan mạnh tại Seoul và các địa phương lân cận, Chính phủ Hàn Quốc quyết định phân bổ vắc-xin mà Israel cung cấp để tiêm cho 340.000 người dân ở hai địa phương là thủ đô Seoul và tỉnh Gyeonggi, để các địa phương này tự tổ chức tiêm chủng tập trung trong vòng hai tuần tới. Nhờ nguồn vắc-xin từ Israel mà một số nhóm đối tượng khác được đẩy sớm thời gian tiêm chủng. Trong số những người làm các công việc chăm sóc, giáo dục dự kiến được tiêm từ ngày 28/7, Chính phủ sẽ đẩy sớm thời gian tiêm cho 380.000 người là giáo viên tại các nhà trẻ, trường mẫu giáo, giáo viên lớp 1 và 2 bậc tiểu học từ ngày 13/7 tới.

 

Ngoài vắc-xin mà Israel cung cấp, trong tháng 7, Hàn Quốc sẽ nhập thêm 10 triệu liều vắc-xin (tương đương tiêm cho 5 triệu dân) từ ba hãng là Pfizer, Moderna (Mỹ) và AstraZeneca (Anh). Tính đến 0 giờ ngày 6/7, kho vắc-xin của Hàn Quốc còn lại khoảng 298.00 liều của hãng AstraZeneca, 1.222.000 liều của Pfizer và 75.000 liều của Moderna.

 

Ý nghĩa

Nhóm chuyên trách liên ngành Chính phủ đánh giá thỏa thuận trao đổi vắc-xin với Israel là một chiến lược “đôi bên cùng có lợi”, giúp Hàn Quốc được cung cấp vắc-xin sớm hơn lịch trình đề ra, góp phần đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng trong nước, trong khi đó Israel lại có thể sử dụng vắc-xin một cách hiệu quả. Thỏa thuận lần này là được đánh giá là một điển hình tốt về sự phối hợp quốc tế nhằm giải quyết tình trạng bất cân bằng cung cầu vắc-xin COVID-19. Đặc biệt, tính tới 0 giờ ngày 7/7, Hàn Quốc ghi nhận hơn 1.200 ca nhiễm mới COVID-19, cao thứ hai kể từ đầu dịch. Do vậy, lô vắc-xin mà Israel cung cấp trong thời điểm này lại càng ý nghĩa hơn. Giám đốc Cơ quan quản lý dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) Jeong Eun-kyeong cho biết sẽ cân nhắc tình hình cung cấp vắc-xin, tình hình tiêm chủng trong nước để tích cực xem xét trao đổi vắc-xin với quốc gia khác, góp phần để vắc-xin COVID-19 được cung cấp và sử dụng một cách hiệu quả trên toàn thế giới.

Lựa chọn của ban biên tập