Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Kế hoạch tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Nhật bị phá sản

2021-07-24

Tin tức

ⓒYONHAP News

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã quyết định không thăm Nhật Bản trong thời gian diễn ra Thế vận hội mùa hè Tokyo 2020. Như vậy, kế hoạch tổ chức Hội nghị thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên giữa Tổng thống Moon với Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã bị sụp đổ.

 

Kế hoạch thăm Nhật Bản phá sản

Cố vấn phụ trách đối thoại với người dân thuộc Phủ Tổng thống Park Soo-hyun ngày 19/7 giải thích hai nước đã “thảo luận ý nghĩa” trong thời gian qua, nhưng kết quả thảo luận chưa đủ để tiến tới tổ chức hội nghị thượng đỉnh. Ngoài ra, Tổng thống cũng đã cân nhắc tổng hợp tới một số “tình hình khác” để quyết định không thăm Tokyo. “Tình hình khác” mà Cố vấn Park nhắc tới trong phát biểu trên được cho là bao gồm vấn đề phát ngôn không phù hợp của Công sứ Đại sứ quán Nhật Bản tại Seoul Soma Hirohisa gần đây, và việc Nhật Bản lặp lại lập trường sai lệch đối với chủ quyền đảo Dokdo của Hàn Quốc. Kể từ sau khi Thủ tướng Suga nhậm chức vào tháng 9 năm ngoái, Tổng thống Moon từng nhiều lần trao đổi với lãnh đạo Nhật Bản thông qua điện đàm, cũng như gặp mặt tại các hội nghị đa phương trực tuyến. Tuy nhiên, hai nhà lãnh đạo chưa từng họp trực tiếp để thảo luận về các vấn đề nổi cộm song phương. Vào tháng 6 vừa qua, lãnh đạo hai nước từng gặt mặt trực tiếp nhân tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) tổ chức tại Anh, nhưng chỉ chào hỏi xã giao ngắn gọn. Trong thời gian qua, Tổng thống Moon Jae-in đã nhiều lần thể hiện quyết tâm đối thoại với Tokyo để cải thiện quan hệ Hàn-Nhật. Dư luận đã kỳ vọng rằng hai bên sẽ có thể tìm kiếm được điểm khởi đầu để cải thiện quan hệ song phương nhân hội nghị thượng đỉnh tổ chức vào thời gian diễn ra Thế vận hội Tokyo, vậy nhưng hội nghị sẽ không thể diễn ra.

 

Bối cảnh

Kế hoạch thăm Nhật Bản và Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Nhật bị phá sản có nguyên nhân lớn nhất là do hai bên có sự khác biệt lập trường lớn về hội đàm, thêm vào đó là thái độ không thiện chí của Tokyo trong vụ phát ngôn của Công sứ Soma. Vào ngày 16/7, Công sứ Nhật Bản đã sử dụng cụm từ không phù hợp để hạ thấp những nỗ lực cải thiện quan hệ Hàn-Nhật của Tổng thống Moon Jae-in là “độc đoán”, không liên quan tới ý định của Nhật Bản. Về điều này, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã triệu mời Công sứ Soma để bày tỏ lập trường phản đối. Sau đó, Đại sứ Nhật Bản tại Hàn Quốc, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản cũng liên tục bày tỏ lập trường lấy làm tiếc về phát ngôn này. Tuy nhiên, cho tới nay, Nhật Bản vẫn chưa có bước đi có trách nhiệm hơn, như bãi nhiệm ông Soma. Ngoài ra, một nguyên do khác là quá trình thảo luận giữa hai bên đã không đạt được thành quả như mong đợi. Được biết, phía Nhật Bản đã không chấp nhận điều kiện mà Hàn Quốc đưa ra, đó là “tổ chức hội nghị thượng đỉnh và đạt được thành quả thực chất”. Seoul hy vọng tại hội nghị, hai nước sẽ trao đổi về các vấn đề nổi cộm nhất, đạt được tiến triển thực chất để cải thiện quan hệ song phương, nhưng Tokyo lại chỉ muốn tổ chức hội nghị mang tính “hình thức”. Thậm chí, Chính phủ Nhật Bản còn làm rò rỉ thông tin về hội nghị thượng đỉnh, để truyền thông nước này đưa tin như thể hai nước đã nhất trí tổ chức hội nghị.

 

Dự báo quan hệ Hàn-Nhật

Theo đó, khó có thể kỳ vọng về một tiến triển thực chất giúp cải thiện quan hệ Hàn-Nhật, bởi để có được cơ hội tốt như Thế vận hội Tokyo trong thời gian tới là không mấy dễ dàng. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là Nhật Bản hoàn toàn không có sự chuyển biến thái độ một cách tích cực về việc cải thiện quan hệ song phương. Về việc Công sứ Soma đã có một phát ngôn tuyệt đối không thể chấp nhận trên cương vị là một nhà ngoại giao, Nhật Bản chỉ lấy làm tiếc, chứ không có hành động trên thực tế, cho thấy những tính toán của nước này không hề thay đổi. Trên thực tế, trong “Sách trắng Quốc phòng năm 2021” mới công bố, Nhật Bản đã lặp lại lập trường khiêu khích rằng đảo Dokdo thuộc chủ quyền lãnh thổ của nước này. Trong hội đàm Thứ trưởng Ngoại giao Hàn-Nhật diễn ra vào ngày 20/7 tại Tokyo, giới chức Nhật Bản cũng không đưa ra lập trường nào tiến triển hơn.

Lựa chọn của ban biên tập