Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Lo ngại “rủi ro Trung Quốc”

2021-07-31

Tin tức

ⓒGetty Images Bank

Gần đây, Chính phủ Trung Quốc áp đặt một loạt biện pháp siết chặt quy chế siêu quyết liệt với khối doanh nghiệp tư nhân nước này, làm dư luận dấy lên lo ngại về “rủi ro Trung Quốc” đang lớn dần. Giới chuyên gia kinh tế nhận định “rủi ro Trung Quốc” sẽ gây ra gánh nặng lớn với kinh tế Hàn Quốc, trong bối cảnh Bắc Kinh vẫn đang duy trì các biện pháp trả đũa Seoul về vụ triển khai tổ hợp tên lửa đánh chặn tầm trung cao (THAAD).

 

“Rủi ro Trung Quốc”

Mức độ siết chặt quy chế của Bắc Kinh với khối kinh tế tư nhân lần này khác xa với quá khứ. Có thể tóm tắt đường lối “thuần hóa doanh nghiệp” của Trung Quốc bằng các nội dung sau: chủ nghĩa ưu tiên doanh nghiệp nội địa, phục tùng tuyệt đối đảng Cộng sản ở tất cả các lĩnh vực kinh tế tự nhân, chống lại sức ép từ Mỹ.

Phát pháo hiệu đầu tiên về “rủi ro Trung Quốc” là việc đảng Cộng sản nước này trừng phạt Mã Vân, nhà sáng lập hãng Alibaba vì đã công khai chỉ trích Chính phủ. Tuy nhiên, khi đó, động thái này của chính quyền Bắc Kinh mới ở mức độ “xử phạt” với một doanh nhân dám thách thức tới quyền uy của đảng. Kể từ sau đó, Chính phủ Trung Quốc ngày càng kiểm soát và gây sức ép một cách quyết liệt hơn nhiều đối với khối kinh tế tư nhân, “vung chùy” với bất cứ hành vi nào đi chệch khỏi đường lối lãnh đạo của đảng Cộng sản, không quan tâm tới phản ứng từ thị trường hay thiệt hại về kinh tế. Một động thái gần đây nhất của chính quyền Trung Quốc đó là việc nước này ban lệnh cấm các doanh nghiệp giáo dục tư nhân phát hành cổ phiếu để huy động vốn. Biện pháp này không khác nào cấm hẳn toàn bộ hoạt động giáo dục tư nhân. Trước đó, Trung Quốc đã ra lệnh cấm gã khổng lồ công nghệ Tencel độc quyền dịch vụ phát nhạc trực tuyến. Nước này còn ban lệnh cấm hoạt động đào tiền ảo, và nhiều biện pháp siêu quyết liệt khác ở lĩnh vực bất động sản. Các biện pháp này của Trung Quốc bị phân tích là đã phá vỡ mô hình phát triển cân bằng giữa đảng Cộng sản và khối tư nhân kể từ sau thời kỳ mở cửa đổi mới, mang tính chất hợp thức hóa, củng cố sự chi phối của đảng Cộng sản.

 

Các doanh nghiệp Mỹ rút khỏi Trung Quốc

Các biện pháp này của Chính phủ Bắc Kinh được phân tích là nhằm đối phó với sức ép từ Mỹ. Ngay từ thời Chính phủ cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, Washington tuyên bố không chấp nhận âm mưu bá quyền của Bắc Kinh, “giáng đòn” mạnh vào Trung Quốc. Tới thời Chính phủ Joe Biden, các biện pháp gây sức ép của Washington ngày càng quyết liệt hơn. Đặc biệt, nhân vụ việc chuỗi cung ứng công nghiệp toàn cầu bị lung lay do dịch COVID-19, Mỹ đã đứng ra thiết lập một chuỗi cung ứng mới đặt trọng tâm vào Mỹ, loại Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp Mỹ đang dần rút khỏi Trung Quốc. Doanh thu từ Trung Quốc chỉ chiếm chưa đầy 2% trên tổng doanh thu của các doanh nghiệp thuộc chỉ số S&P 500 (top 500 doanh nghiệp có giá trị vốn hóa hàng đầu thị trường chứng khoán Mỹ). Việc chính quyền Trung Quốc đặt trọng tâm vào doanh nghiệp nội địa lại càng khiến cho chỗ đứng của các doanh nghiệp nước ngoài tại đại lục bị thu hẹp.

 

“Rủi ro Trung Quốc” tới kinh tế Hàn Quốc

Trung Quốc hiện là đối tác lớn nhất của Hàn Quốc, chiếm 24% kim ngạch xuất khẩu, đặc biệt là 40% kim ngạch xuất khẩu chíp bán dẫn của Hàn Quốc. Thêm vào đó, Bắc Kinh vẫn đang duy trì các biện pháp cấm vận “vô hình” để trả đũa vụ Seoul triển khai tổ hợp tên lửa đánh chặn tầm trung cao (THAAD). Trong thời gian qua, giữa ba nước Đông Bắc Á hình thành một mối quan hệ hợp tác về sản xuất, xuất khẩu hàng hóa. Hàn Quốc nhập vật liệu, linh kiện từ Nhật Bản, sản xuất ra hàng hóa trung gian, rồi xuất sang Trung Quốc. Trung Quốc sẽ dùng số hàng hóa này để sản xuất và xuất khẩu ra thành phẩm. Tuy nhiên, sự tăng trưởng cao độ của Trung Quốc đang dẫn tới nhiều thay đổi trong quỹ đạo này. Giới chuyên gia kinh tế cho rằng rủi ro Trung Quốc là hệ quả từ nhiều yếu tố phức tạp, là một sự thay đổi về “quan hệ dịch tễ kinh tế” căn bản, không phải nhất thời.

Nếu như trước đây, thị trường đông dân nhất thế giới này thu hút các doanh nghiệp quốc tế nhờ giá nhân công rẻ, thì giờ đây sức hút này đang biến mất. Các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng đang dần rút khỏi Trung Quốc. Trên thực tế, đầu tư vào Trung Quốc của các doanh nghiệp Hàn Quốc từng lên tới đỉnh điểm là 7,2 tỷ USD vào năm 2013, tới năm ngoái giảm còn 4,3 tỷ USD. Giới chuyên gia đều đồng tình rằng Chính phủ Seoul cần đối phó một cách chặt chẽ và hỗ trợ phù hợp cho doanh nghiệp, đối phó với “rủi ro Trung Quốc”.

Lựa chọn của ban biên tập