Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Lo ngại về cú sốc chuỗi cung ứng toàn cầu

2021-10-09

Tin tức

ⓒYONHAP News

Chuỗi cung ứng toàn cầu đang đứng trước nguy cơ gặp phải một cú sốc lớn do Trung Quốc thiếu điện trầm trọng, gặp trở ngại về sản xuất, giá nguyên vật liệu leo thang. Kèm theo đó là giá vận tải biển tăng vọt, khiến giới doanh nghiệp lâm vào khó khăn chồng chất.

 

Trung Quốc và Ấn Độ thiếu điện trầm trọng

Trung Quốc đang đối mặt với tình trạng thiếu điện nghiêm trọng. Mỗi địa phương nước này đang thực hiện nhiều biện pháp đa dạng để tiết kiệm điện năng, như hủy các buổi trình diễn ánh sáng vào ngày Quốc khánh, hạn chế thời gian hoạt động của các nhà máy, cơ sở thương mại, nâng 25% giá điện vào giờ cao điểm. Nhiều địa phương Trung Quốc xảy ra tình trạng mất điện đột ngột không báo trước, khiến người dân gặp nhiều bất tiện trong sinh hoạt. Thông thường, khi thiếu điện, giới chức Trung Quốc sẽ ưu tiên cắt điện ở lĩnh vực công nghiệp, hạn chế tối đa ảnh hưởng tới đời sống dân sinh. Việc cắt điện sinh hoạt đột ngột cho thấy tình trạng thiếu điện ở nước này đang rất nghiêm trọng.

 

Thực trạng thiếu điện được phân tích là bởi Trung Quốc thiếu than đá dùng cho các nhà máy nhiệt điện, giá năng lượng tăng, chính sách trung hoà carbon cứng nhắc. Tình trạng thiếu điện tương tự cũng đang diễn ra tại Ấn Độ. Kho dự trữ than dùng cho nhiệt điện của Trung Quốc và Ấn Độ đều đã cạn kiệt. Mùa đông tới gần, nhu cầu sưởi ấm tăng cao, tình trạng thiếu điện tại hai quốc gia đông dân nhất thế giới dự kiến sẽ càng trầm trọng hơn. Giới doanh nghiệp cho biết giá than nhiên liệu dùng cho nhiệt điện đã tăng 155,4% so với đầu năm nay, giá than nhiên liệu dùng cho sản xuất thép cũng ghi nhận mức tăng cao tương tự.

 

Giá nguyên vật liệu và cước vận tải biển tăng vọt

Tình trạng thiếu điện dẫn tới giá nguyên vật liệu như cobalt, mangan tăng. Thiếu điện khiến tỷ lệ vận hành các nhà máy ở Trung Quốc giảm mạnh, gây ra trở ngại lớn tới nguồn cung nguyên vật liệu. Không chỉ vậy, cước vận tải biển đang trên đà tăng phi mã. Theo giới doanh nghiệp vận tải biển, Chỉ số cước xuất khẩu container Thượng Hải phản ánh mức cước vận tải biển(Shanghai Containerized Freight Index - SCFI)tính đến ngày 1/10 vừa qua đạt 4.614,1 điểm, tăng gấp gần 4 lần so với năm ngoái. Giá nguyên vật liệu, giá cước vận tải biển đều tăng đồng loạt, khiến cho các doanh nghiệp chế tạo, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu rơi vào tình trạng khó khăn chồng chất, khó trụ vững.

 

Xu hướng ngành công nghiệp Hàn Quốc

Trong số các ngành công nghiệp, các doanh nghiệp sản xuất pin đang trong tình trạng căng thẳng nhất. Giới doanh nghiệp này đang có kế hoạch mở rộng kinh doanh, chuẩn bị cho sự gia tăng nguồn cung xe ô tô điện trên toàn thế giới. Thêm vào đó, các doanh nghiệp pin lại phụ thuộc lớn vào Trung Quốc. Giá thành các nguyên liệu chính trong sản xuất pin là mangan, cobalt đều đang tăng vọt, thậm chí gặp trở ngại về nguồn cung. Đại diện một doanh nghiệp cho biết điện năng chiếm tỷ trọng nhỏ trong giá thành pin hơn thép. Các hãng pin thường ký hợp đồng mua nguyên vật liệu dài hạn, nên tạm thời vấn đề giá thành nguyên liệu tăng chưa ảnh hưởng ngay. Tuy nhiên, nếu trình trạng thiếu điện kéo dài nghiêm trọng sẽ có thể dẫn tới bất ổn cung cầu nguyên vật liệu. Các doanh nghiệp đang lo lắng về việc lập đối sách, như chuyển đổi sang sản xuất trong nước các nguyên vật liệu có mức độ phụ thuộc cao vào Trung Quốc. Giới doanh nghiệp thép cũng trong trạng thái bất an. Trong tháng 8 vừa qua, cả sản xuất, tiêu thụ và đầu tư lĩnh vực thép đồng loạt quay đầu giảm. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu thép tháng 9 đạt mức cao kỷ lục trong vòng 65 năm, nhưng nếu như tình trạng hiện nay kéo dài, giá năng lượng, nguyên vật liệu tiếp tục leo thang, các nhà máy tại Trung Quốc liên tục tạm ngừng đóng cửa, thì cả ngành thép cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng. Mặc dù mỗi ngành công nghiệp sẽ có mức độ ảnh hưởng khác nhau, nhưng tâm lý lo sợ khủng hoảng đang bao trùm toàn bộ ngành công nghiệp Hàn Quốc.

Lựa chọn của ban biên tập