Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Báo động về vật giá tại Hàn Quốc

2021-10-23

Tin tức

ⓒYONHAP News

Vật giá Hàn Quốc đang tăng cao ở mức đáng lo ngại do ảnh hưởng từ nhiều yếu tố, như giá nguyên vật liệu thế giới tăng, hỗn loạn ngành vận tải hàng hóa, đặc biệt là giá dầu quốc tế và tỷ giá won-USD leo thang.


Giá dầu

Giá xăng dầu đang tăng một cách chóng mặt. Tổng công ty dầu khí Hàn Quốc (KNOC) cho biết giá xăng bình quân trên toàn quốc trong ngày 14/10 vượt ngưỡng 1.700 won (1,46 USD)/lít, mức cao kỷ lục trong 7 năm trở lại đây. Tới ngày 18/10, giá xăng bình quân trên cả nước ghi nhận ở mức 1.726,66 won (1,47 USD)/lít, ở thủ đô Seoul là 1.800 won (1,53 USD)/lít. Chỉ trong vòng một tháng, giá dầu diesel trung bình trên toàn quốc cũng tăng 6,1%, lên 1.524,47 won (1,31 USD)/lít. Giá dầu được dự báo sẽ còn tăng hơn nữa trong bối cảnh khan hiếm năng lượng toàn cầu, nhu cầu dầu mỏ tăng cao và Mỹ dự báo cắt giảm sản xuất dầu thô. Trên thực tế, giá dầu thô Tây Texas (WTI) được dự báo sẽ lần đầu tiên vượt mốc 100 USD/thùng kể từ sau năm 2014. Thêm vào đó, đồng won của Hàn Quốc đang có chiều hướng giảm giá trị, khiến chi phí nhập khẩu bị đội lên, nhiều ý kiến lo ngại giá xăng bình quân trong nước sẽ vượt ngưỡng 2.000 won (1,7 USD)/lít trong năm nay. Theo công bố của Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK), chỉ số giá nhập khẩu tháng 9 tăng 2,4% so với tháng trước, mức tăng cao nhất trong vòng 7 năm 7 tháng. Điều này cũng được phân tích là do sự leo thang của giá dầu quốc tế và giá nguyên vật liệu.

 

Giá tiêu dùng

Theo kết quả so sánh, khảo sát giá 38 mặt hàng sinh hoạt thiết yếu trong quý III năm nay của Trung tâm giám sát vật giá thuộc Hội đồng tổ chức tiêu dùng Hàn Quốc, có 29 mặt hàng đã tăng giá so với năm ngoái, tỷ lệ tăng bình quân là 6,3%. Giá trứng, đậu phụ, thịt hun khói, dầu ăn tăng gần gấp đôi hoặc cao hơn nữa; giá gạo cũng tăng cao. Cảm nhận chung của người tiêu dùng là hầu như mặt hàng nào cũng tăng giá. Trong bối cảnh kinh tế đang lâm vào khó khăn do dịch COVID-19, tới giá cả cũng tăng cao chóng mặt khiến đời sống của người dân không tránh khỏi bị ảnh hưởng nặng nề. Theo đó, nhiều ý kiến chỉ ra rằng cơ quan quản lý vật giá cần đưa ra biện pháp đối phó nhanh nhạy và hiệu quả.

 

Nguyên nhân và đối phó

Nếu tỷ lệ tăng giá tiêu dùng tháng 10 đạt ở ngưỡng 3% thì đây sẽ là lần đầu tiên giá tiêu dùng ở Hàn Quốc tăng ở ngưỡng này kể từ sau mức tăng 3% tháng 2/2012. Vấn đề đặt ra là bất ổn vật giá gần đây bắt nguồn từ nhiều yếu tố bên ngoài, như giá nguyên vật liệu quốc tế tăng, hỗn loạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Chỉ số giá sản xuất tháng 9 của Trung Quốc tăng tới 10,7% so với một năm trước, cao nhất trong vòng 25 năm. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 của Mỹ cũng tăng 5,4%, cao nhất kể từ sau tháng 8/2008. Hỗn loạn ngành vận tải, giá cả nguyên vật liệu leo thang là các yếu tố chính dẫn tới tình trạng chung này ở hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới. Thêm vào đó, Trung Quốc còn đang trong tình trạng thiếu điện nghiêm trọng. Trong bối cảnh trên, các cơ quan chính sách Hàn Quốc sẽ khó có thể đối phó một cách dễ dàng với tình trạng vật giá leo thang, bởi sẽ không thể kiểm soát được các yếu tố bên ngoài. Mặc dù vậy, các cơ quan hữu quan vẫn không thể làm ngơ trước những dấu hiệu bất ổn vật giá hiện nay. Một phương án đang được nhắc tới đó là tạm thời hạ thuế xăng dầu để giảm gánh nặng giá tiêu dùng. Ngoài ra, có ý kiến cho rằng Chính phủ phải xem xét mọi phương án khả dụng, như nâng lãi suất.

Lựa chọn của ban biên tập