Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Hàn Quốc phóng “thành công một nửa” tên lửa đẩy vũ trụ tự phát triển

2021-10-23

Tin tức

ⓒYONHAP News

Lúc 5 giờ chiều ngày 21/10, Hàn Quốc đã phóng tên lửa Nuri, tên lửa đẩy vũ trụ tự phát triển bằng công nghệ trong nước, tại Trung tâm vũ trụ Naro ở huyện Goheung, tỉnh Nam Jeolla. Tên lửa đã hoàn tất mọi quy trình bay một cách thuận lợi nhưng lại thất bại trong việc đưa vệ tinh mô phỏng ổn định ở quỹ đạo cuối cùng, có thể nói là đã “thành công một nửa”.

 

Vụ phóng tên lửa Nuri

Vào lúc 2 giờ 35 phút chiều cùng ngày, tên lửa Nuri hoàn tất khâu nạp nhiên liệu. Tới 4 giờ 5 phút, khâu nạp chất ôxy hóa được hoàn tất. Sau đó, vào lúc 4 giờ 24 phút, các trang thiết bị dựng quanh tên lửa được tháo dỡ xong. Trong vòng 10 phút từ 4 giờ 50 phút, tên lửa được chuyển sang chế độ vận hành tự động và được tự động phóng vào lúc 5 giờ đúng. 127 giây sau khi phóng, tức vào lúc 6 giờ 2 phút, tên lửa Nuri đã tách tầng một ở độ cao 59km. 2 phút sau, tên lửa tách tiếp phần nắp bảo vệ của vệ tinh mô phỏng. Cùng lúc đó, động cơ ở tầng hai dừng hoạt động, động cơ tầng ba được kích hoạt. Vào phút thứ 6 sau khi phóng, tên lửa bay được trên 500 km, và đạt trên 600 km vào phút thứ 8. Tới 5 giờ 12 phút, động cơ tầng ba tên lửa dừng hoạt động và 5 giờ 15 phút, vệ tinh được tách ra khỏi tên lửa một cách bình thường. Như vậy, toàn bộ các quy trình bay của tên lửa đã diễn ra một cách thành công. Tuy nhiên, đáng tiếc là tên lửa lại không đưa được vệ tinh mô phỏng 1,5 tấn ổn định trên quỹ đạo cuối cùng. Mặc dù vậy, tên lửa đã đưa được vệ tinh lên tới độ cao 700 km, giúp kiểm chứng được năng lực vận chuyển vệ tinh một cách độc lập.

 

Tên lửa Nuri

Tên lửa Nuri có chiều cao 47,2m, đường kính 3m, tổng trọng lượng 200 tấn, lực đẩy đạt 300 tấn, là tên lửa đẩy ba tầng có thể đưa được vệ tinh ứng dụng loại 1,5 tấn lên quỹ đạo thấp cách Trái đất từ 600-800 km. Tầng một của tên lửa lắp 4 động cơ 75 tấn, tầng hai một động cơ 75 tấn, tầng ba có một động cơ 7 tấn. Mỗi tầng lại có một bể chứa ôxy lỏng và dầu hỏa, cung cấp nhiên liệu cho động cơ hoạt động.

 

Hàn Quốc từng phóng thành công tên lửa đẩy Naro vào năm 2013. Tuy nhiên, Naro là loại tên lửa hai tầng, do Hàn Quốc đồng phát triển với Nga. Động cơ sử dụng nhiên liệu lỏng ở tầng một được nhập từ Nga, chỉ có động cơ sử dụng nhiên liệu rắn “Kick Motor” ở tầng hai là được chế tạo trong nước, nên đây không phải là tên lửa do Hàn Quốc hoàn toàn tự phát triển. Ngoài ra, tên lửa Naro chỉ có thể chở vệ tinh nặng 100 kg, có tổng chiều dài là 33,5m, độ cao mục tiêu là 300km, không thể so sánh với tên lửa Nuri lần này. Ngược lại, với tên lửa Nuri, Hàn Quốc tự phát triển động cơ cỡ lớn và trung bình, “trái tim” của tên lửa, và tự lập hoàn toàn về công nghệ trong mọi quá trình, từ thiết kế cho tới chế tạo, thử nghiệm, lắp ráp và chứng nhận.

 

Ý nghĩa và bài toán đặt ra

Dù chưa hoàn thành được mục tiêu cuối cùng là đưa được vệ tinh ổn định trên quỹ đạo, nhưng Hàn Quốc trên thực tế đã trở thành quốc gia thứ 7 trên thế giới có thể tự phóng vệ tinh ứng dụng, sau Nga, Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ. Israel, Iran hay Bắc Triều Tiên được phân loại là nước sở hữu năng lực tự phóng vệ tinh dưới 300 kg.

 

Ngay sau vụ phóng, Tổng thống Moon Jae-in đã đưa ra thông điệp với người dân, đánh giá vụ phóng vẫn chưa hoàn thành được mục tiêu một cách “hoàn hảo”, nhưng chỉ riêng việc tên lửa bay lên được độ cao 700 km cũng là một kết quả đáng khích lệ, đưa Hàn Quốc tiến gần hơn tới vũ trụ. Bài toán mà Seoul còn chưa hoàn thành đó là ổn định vệ tinh mô phỏng trên quỹ đạo vũ trụ.

 

Trong vòng 12 năm triển khai, dự án phát triển tên lửa đẩy vũ trụ Nuri được đầu tư tổng cộng 1.957,2 tỷ won (1,66 tỷ USD) ngân sách, với sự tham gia của hơn 500 nhân lực và công nghệ của hơn 300 doanh nghiệp trong nước. Dự án đã đưa Hàn Quốc tiến gần hơn tới việc tự phát triển không gian. Tên lửa Nuri sẽ được phóng lần hai vào tháng 5 năm sau.

Lựa chọn của ban biên tập