Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Mỹ yêu cầu các doanh nghiệp chíp bán dẫn nộp tài liệu

2021-11-13

Tin tức

ⓒKBS News

Hãng điện tử Samsung và SK Hynix của Hàn Quốc ngày 8/11 đã nộp tài liệu về chuỗi cung ứng chíp bán dẫn theo đề nghị của Chính phủ Mỹ, ngoại trừ các tài liệu nội bộ nhạy cảm.

 

Nộp tài liệu chíp bán dẫn

Cuối tháng 9 vừa qua, nhằm giải tỏa tình trạng khan hiếm nguồn cung chíp bán dẫn, Chính phủ Mỹ đã yêu cầu các doanh nghiệp chíp bán dẫn trên toàn thế giới nộp tài liệu khảo sát gồm 26 hạng mục cho tới hết ngày 8/11. Bản khảo sát này bao gồm các câu hỏi thông thường về doanh nghiệp, cho tới cả các thông tin nhạy cảm như lượng tồn kho và đơn hàng chíp bán dẫn, thông tin khách hàng. Tuy nhiên, sau khi nhiều doanh nghiệp nêu ý kiến lo ngại rằng bản khảo sát có thể làm rò rỉ bí mật kinh doanh, Chính phủ Washington đã có sự điều chỉnh, chỉ yêu cầu doanh nghiệp đưa ra câu trả lời theo từng lĩnh vực như ô tô, điện thoại di động, máy tính, không cần nêu cụ thể như tên khách hàng.

Được biết, sau khi thảo luận với Bộ Thương mại Mỹ, hãng điện tử Samsung đã không trả lời nội dung về thông tin khách hàng, lượng tồn kho, hay thông tin nội bộ nhạy cảm khác. Hãng ghi chú tài liệu trình lên Chính phủ Mỹ là “tuyệt mật”, không được phép tiết lộ ra ngoài. Hãng SK Hynix cũng không nộp tài liệu nhạy cảm như thông tin khách hàng, ghi chú một số thông tin là “tuyệt mật”, và trả lời câu hỏi về lượng tồn kho không theo tên mặt hàng cụ thể, mà theo ngành công nghiệp, như chíp bán dẫn dùng cho máy tính.

Theo trang chủ của chính quyền liên bang Mỹ, cho tới hết thời hạn mà Washington đưa ra ngày là 8/11, đã có 189 doanh nghiệp nộp tài liệu cho Bộ Thương mại Mỹ.

 

Bối cảnh và lo ngại

Việc Mỹ yêu cầu các doanh nghiệp chíp bán dẫn nộp tài liệu là nhằm mục đích tái cơ cấu chuỗi cung ứng chíp bán dẫn toàn cầu mà Washington đang theo đuổi. Qua đây, Mỹ muốn củng cố lại chuỗi cung ứng bị đứt đoạn do dịch COVID-19, giảm mức độ phụ thuộc và kìm hãm Trung Quốc. Ban đầu, tình trạng khan hiếm chíp bán dẫn xảy ra chủ yếu ở lĩnh vực chíp bán dẫn dành cho xe ô tô. Dịch COVID-19 khiến nhiều nhà máy chíp bán dẫn ở Trung Quốc phải dừng hoạt động, gây trở ngại tới nguồn cung. Sau đó, tình trạng tương tự lan ra các ngành khác, như chíp bán dẫn dùng cho thiết bị điện tử gia dụng, viễn thông, máy chơi game, thiết bị y tế. Nhiều ý kiến lo ngại rằng tình trạng thiếu nguồn cung chíp bán dẫn sẽ có thể kéo dài một đến hai năm tới.

Có nhiều tranh cãi và lo ngại xoay quanh việc Mỹ đơn phương yêu cầu các doanh nghiệp chíp bán dẫn nộp tài liệu, trong đó bao gồm cả các bí mật kinh doanh. Hiện tại, các tài liệu của doanh nghiệp đã được đăng tải trên trang chủ của Bộ Thương mại Mỹ; trong đó, những tài liệu “công khai” phần lớn là những nội dung đã được biết đến trước đó, tài liệu ghi chú là “tuyệt mật” thì chỉ có Chính phủ Mỹ mới có thể tiếp cận.

 

Triển vọng

Bộ Thương mại Mỹ đang đặt mục tiêu nắm bắt rõ nguyên nhân dẫn tới hiện tượng “nút thắt cổ chai” trong chuỗi cung ứng chíp bán dẫn, để lập đối sách. Tuy nhiên, dù nhận tài liệu từ các doanh nghiệp, song Washington được cho là vẫn sẽ khó đưa ra được đối sách hiệu quả, cũng như không có phương tiện nào khả thi để có thể ép buộc các doanh nghiệp. Do đó, trong ngắn hạn, có thể Mỹ sẽ tiếp tục kêu gọi hợp tác của các doanh nghiệp nước ngoài để tăng sản lượng chíp bán dẫn nội địa, hoặc quan tâm hơn tới lượng còn thiếu của doanh nghiệp Mỹ. Tình hình của Mỹ đang trở thành gánh nặng đối với Hàn Quốc, nhưng các chuyên gia cho rằng Seoul có thể tận dụng tình hình hiện nay theo hướng có lợi. Ngoài ra, mặt hàng chủ lực của điện tử Samsung và SK Hynix là chíp nhớ, ít bị khan hiếm nguồn cung hơn, nên dự kiến hai nhà sản xuất Hàn Quốc sẽ ít bị ảnh hưởng hơn so với các doanh nghiệp chíp bán dẫn khác từ chính sách của Bộ Thương mại Mỹ.

Lựa chọn của ban biên tập