Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Hàn Quốc xuất xưởng tàu FLNG khai thác mỏ khí tại Mozambique

2021-11-20

Tin tức

ⓒYONHAP News

Ngày 16/11, tàu khai thác khí thiên nhiên hóa lỏng (FLNG) cỡ lớn mang tên “Coral Sul” do doanh nghiệp Hàn Quốc đóng, đã rời cảng lên đường tới vùng biển Mozambique. Tàu Coral Sul dự kiến sẽ tới mỏ khí Coral của Mozambique vào đầu tháng 1 năm sau, chính thức bắt đầu khai thác khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG).

 

Tàu FLNG Coral Sul

Tàu khai thác khí thiên nhiên hóa lỏng là một giàn khoan trên biển, đi tới các mỏ khí ở ngoài khơi để khai thác, lọc khí thiên nhiên tại đó, rồi sản xuất và trữ thành khí thiên nhiên hóa lỏng, nên còn được gọi là "trạm sản xuất LNG trên biển". So với giàn khoan trên đất liền, tàu FLNG có ưu điểm là không cần lắp đặt các thiết bị hóa lỏng, trữ khí hay đường ống ngoài khơi, nên rất ưu việt về khía cạnh bảo vệ môi trường, lại có thể di chuyển. Coral Sul là tàu FLNG cỡ lớn thứ 4 được đóng trên thế giới tính tới thời điểm hiện tại, và là tàu FLNG đầu tiên mà Mozambique sở hữu. Tàu có chiều dài 432m, rộng 66m, cao 39m, kích thước lớn thứ hai trên thế giới. Công ty công nghiệp nặng Samsung đã trúng thầu dự án đóng chiếc tàu này với trị giá 2,5 tỷ USD vào tháng 6/2017. Tàu được đóng tại nhà máy của hãng ở thành phố Geoje (tỉnh Nam Gyeongsang), hoàn toàn bằng công nghệ trong nước.

Trước đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Tổng thống Mozambique Filipe Nyusi ngày 15/11 đã tham dự lễ đặt tên cho tàu Coral Sul được tổ chức tại nhà máy của Công ty công nghiệp nặng Samsung.

 

Mỏ khí Coral

Tàu Coral Sul sẽ tới khai thác khí thiên nhiên tại mỏ Coral thuộc khu vực khai thác số 4 ngoài khơi Mozambique. Đây là mỏ khí thiên nhiên quy mô lớn nhất thế giới trong thế kỷ XXI, với trữ lượng khí thiên nhiên đủ dùng trong khoảng 30 năm. Tổng công ty khí gas Hàn Quốc (KOGAS) đã tham gia dự án này ngay từ quá trình thăm dò mỏ khí, với 10% cổ phần trong dự án. Bắt đầu từ năm sau, tàu Coral Sul sẽ chính thức bước vào sản xuất khí thiên nhiên hóa lỏng, sản lượng mỗi năm ước đạt khoảng 3,4 triệu tấn, tương đương 8,5% lượng tiêu thụ LNG một năm tại Hàn Quốc.

 

Ý nghĩa và triển vọng

Tàu FLNG là một mặt hàng có giá trị gia tăng cao trong ngành đóng tàu và giàn khoan trên biển. Cả 4 con tàu loại này trên thế giới đều do doanh nghiệp Hàn Quốc đóng. Trong đó, Công ty công nghiệp nặng Samsung đóng ba tàu, Công ty đóng tàu và hải dương Daewoo đóng một tàu. Đây là một minh chứng rõ ràng cho thấy Seoul đang sở hữu trình độ công nghệ và năng lực cạnh tranh hàng đầu ở lĩnh vực này. Với thế mạnh đó, dự báo doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ tiếp tục trúng thầu thêm nhiều dự án đóng tàu FLNG khác trong tương lai. Hiện tại, Công ty vận tải biển Golar LNG của Na Uy được cho là đang chuẩn bị đặt hàng tàu FLNG từ Hàn Quốc. Ngoài ra, do sản lượng khí thiên nhiên hóa lỏng trên thị trường sẽ gia tăng từ dự án khai thác mỏ khí Coral của Mozambique, các đơn hàng đóng tàu chở khí thiên nhiên hóa lỏng được dự báo cũng sẽ tăng theo. Tính tới tháng 10 vừa qua, trong tổng số 55 đơn hàng đóng tàu chở LNG trên toàn thế giới, doanh nghiệp Hàn Quốc trúng thầu tới 50 chiếc, chiếm 91% tổng đơn hàng. Trong năm ngoái, doanh nghiệp Hàn Quốc trúng thầu 17 tàu chở khí thiên nhiên hóa lỏng tại Mozambique. Không chỉ các doanh nghiệp đóng tàu, các doanh nghiệp khác trong nước với năng lực cạnh tranh cao cũng đang kỳ vọng về cơ hội tham gia vào các đơn hàng giàn khoan trên biển và trên đất liền, tàu tuần tra trên biển cần thiết cho quá trình khai thác mỏ khí. Phủ Tổng thống Hàn Quốc đánh giá thương vụ tàu FLNG lần này sẽ góp phần đẩy mạnh hợp tác giữa Hàn Quốc với Mozambique ở lĩnh vực đóng tàu và giàn khoan trên biển, mở rộng cơ hội cho doanh nghiệp trong nước xúc tiến vào mỏ khí phía Bắc quốc gia Đông Phi này.

Lựa chọn của ban biên tập