Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Ba công ước trọng tâm của ILO có hiệu lực tại Hàn Quốc từ 20/4

2022-04-23

Tin tức

ⓒYONHAP News

Ba công ước trọng tâm của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) chính thức có hiệu lực tương tự luật pháp Hàn Quốc từ ngày 20/4. Tuy nhiên, do luật pháp liên quan trong nước đã được sửa đổi và có hiệu lực từ tháng 7 năm ngoái, nên tạm thời sẽ chưa có thay đổi nào rõ rệt về mặt chế độ ngay lập tức.

 

Các công ước trọng tâm của ILO

“Công ước trọng tâm” là chỉ 8 công ước được Tổ chức Lao động quốc tế đưa ra trong “Tuyên bố của ILO về các nguyên tắc cơ bản và các quyền tại nơi làm việc và các bước tiếp theo” năm 1998. Trong số 189 công ước được ILO thông qua từ trước tới nay, các công ước trọng tâm là những công ước liên quan tới quyền tự do lập hội, cấm lao động cưỡng bức, bình đẳng trong lao động. Cụ thể, 8 công ước này gồm Công ước số 87 và 98 về việc bảo đảm hoạt động của công đoàn, Công ước số 29 và 105 về cấm lao động cưỡng bức, Công ước số 138 và 182 về cấm lao động trẻ em và Công ước số 100 và 111 về đối xử bình đẳng trong lao động.

Ba công ước có hiệu lực tại Hàn Quốc lần này là Công ước số 87 về “Tự do liên kết và bảo vệ quyền tổ chức”, Công ước số 98 về “Quyền tổ chức và thương lượng tập thể” và Công ước số 29 về “Xóa bỏ lao động cưỡng bức”. Trong đó, Công ước số 29 có nội dung cam kết xóa bỏ sớm việc sử dụng lao động cưỡng bức dưới mọi hình thức. Công ước số 87 quy định trao quyền tổ chức cho mọi lao động, bao gồm cả công chức. Công ước số 98 quy định về việc bảo hộ người lao động thực thi quyền tổ chức, xúc tiến thương lượng tập thể tự nguyện giữa người lao động và doanh nghiệp, đề ra nguyên tắc về thương lượng tập thể và quyền tổ chức.

 

Luật pháp trong nước và công ước của ILO

Hàn Quốc trở thành thành viên chính thức của ILO vào tháng 12/1991. Tuy nhiên cho tới tháng 1/2021, Seoul mới chỉ phê chuẩn 4 trong số 8 công ước trọng tâm của ILO. Ba công ước lần này mới được hoàn tất phê chuẩn vào tháng 2 năm ngoái.

Chính phủ Hàn Quốc xúc tiến phê chuẩn công ước trọng tâm của ILO theo đường lối sửa đổi luật pháp liên quan trong nước trước, rồi sau đó mới phê chuẩn công ước. Vì vậy, các điều luật liên quan như Luật về công đoàn và quan hệ lao động (gọi tắt là Luật Công đoàn), Luật về thành lập và điều hành công đoàn giáo viên, Luật về thành lập và điều hành công đoàn công chức đã được sửa đổi và có hiệu lực từ tháng 7 năm ngoái. Mặc dù sắp tới sẽ không có sự thay đổi lớn, nhưng có nhiều ý kiến đang lo ngại về khả năng nảy sinh hỗn loạn ở những nội dung có sự xung đột giữa luật pháp trong nước với công ước của ILO. Ví dụ như Luật Công đoàn Hàn Quốc cấm người “không phải là người lao động” gia nhập công đoàn. Trong khi ILO lại cho phép công đoàn được tự quyết định về đối tượng gia nhập. Luật Công đoàn của Hàn Quốc không công nhận “công đoàn” nếu hoạt động với mục đích chính là vận động chính trị, còn công ước ILO lại cho rằng phải cho phép công đoàn bãi công chính trị, thể hiện ý kiến về các chính sách kinh tế, xã hội ảnh hưởng trực tiếp tới người lao động bình thường.

 

Phản ứng

Giới doanh nghiệp lo ngại sau khi các công ước trọng tâm của ILO có hiệu lực, có thể nảy sinh nhiều vấn đề, như giới lao động đưa mâu thuẫn trong nước lên ILO giải quyết, làm vấn đề trở thành tranh cãi quốc tế, thậm chí là tranh chấp thương mại, làm xấu đi hình ảnh doanh nghiệp trong nước. Liên đoàn giới chủ Hàn Quốc (KEF) ngày 19/4 ra báo cáo nhấn mạnh cần cảnh giác trong quá trình giải nghĩa công ước ILO, giảm thiểu tối đa tác dụng tiêu cực, và xác lập nguyên tắc áp dụng luật pháp trong nước. 

Trong khi đó, giới lao động Hàn Quốc cho rằng cần tiếp tục sửa đổi luật pháp liên quan trong nước để phù hợp với “tiêu chuẩn quốc tế”. Theo người lao động, mặc dù Luật Công đoàn đã được sửa đổi, nhưng vẫn chưa đảm bảo được ba quyền cơ bản (tự do lập hội, thương lượng tập thể và quyền hành động tập thể) cho người lao động hợp đồng đặc biệt, điều kiện để bãi công hợp pháp cũng trở nên khắt khe hơn, nên cần được sửa đổi.

Lựa chọn của ban biên tập