Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Một tháng sau khi Hàn Quốc áp dụng kiểm soát xuất khẩu với Nga

2022-04-30

Tin tức

ⓒYONHAP News

Đã một tháng kể từ khi Chính phủ Hàn Quốc áp dụng kiểm soát xuất khẩu các mặt hàng vật tư phi chiến lược sang Nga và Belarus, nhưng tới thời điểm hiện tại vẫn chưa xảy ra thiệt hại hay trở ngại thương mại nào nghiêm trọng cho doanh nghiệp. Chính phủ Seoul vẫn đang tích cực nỗ lực để giảm thiểu tác động từ lệnh kiểm soát xuất khẩu, thảo luận phương án cải thiện với giới doanh nghiệp.

 

Buổi tọa đàm với doanh nghiệp

Bộ Công nghiệp, thương mại và tài nguyên Hàn Quốc ngày 27/4 đã mở buổi tọa đàm về kiểm soát xuất khẩu sang Nga và Belarus, thảo luận với quan chức các hiệp hội về tác động của lệnh kiểm soát xuất khẩu tới các lĩnh vực liên quan và phương án cải thiện.

Buổi tọa đàm có sự tham gia của Cơ quan quản lý vật tư chiến lược (KOSTI), Cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc (KOTRA), và các tổ chức thuộc lĩnh vực liên quan chính như điện tử, đóng tàu, ô tô. Những người tham gia tọa đàm nêu ra những khó khăn như xuất khẩu bị chậm trễ do quy trình thẩm định cấp phép và xác nhận mặt hàng xuất khẩu có thuộc đối tượng kiểm soát hay không, kiến nghị Chính phủ thực hiện quy trình thẩm định và cấp phép một cách nhanh chóng.

Chánh Văn phòng đàm phán thương mại thuộc Bộ Công nghiệp Yeo Han-koo cho biết Hàn Quốc là một quốc gia có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, và đang tham gia tích cực vào việc cấm vận kinh tế với Nga. Do vậy, dù sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng Chính phủ hy vọng các doanh nghiệp sẽ thực hiện đúng lệnh kiểm soát xuất khẩu đã công bố. Về phần mình, Chính phủ sẽ nỗ lực hết sức để giảm thiểu hỗn loạn trong quá trình thực thi chế độ mới, và giảm thiểu bất tiện cho doanh nghiệp.

 

Vật tư chiến lược và vật tư phi chiến lược

Từ ngày 26/3, Chính phủ Hàn Quốc áp dụng kiểm soát xuất khẩu với 57 mặt hàng vật tư phi chiến lược sang Nga và Belarus. Theo đó, nếu doanh nghiệp muốn xuất khẩu các mặt hàng thuộc danh sách này sang hai nước trên thì phải được Chính phủ cấp phép.

Vật tư chiến lược được định nghĩa là những mặt hàng có thể sử dụng trong việc sản xuất, phát triển, sử dụng và bảo quản vũ khí thông thường, vũ khí hủy diệt hàng loạt và phương tiện vận chuyển. Những vật tư này nếu được chuyển giao cho quốc gia hay tổ chức nguy hiểm thì sẽ có thể gây nguy hại tới hòa bình và an toàn quốc tế, nên bị hạn chế giao dịch thương mại một cách tự do. Hàn Quốc đang thực thi “chế độ kiểm soát xuất khẩu vật tư chiến lược” căn cứ theo Luật thương mại quốc tế, trong đó Chính phủ chỉ cấp phép xuất khẩu vật tư chiến lược với trường hợp sử dụng vào mục đích hòa bình theo cơ chế kiểm soát xuất khẩu quốc tế. Trong khi đó, vật tư phi chiến lược là những mặt hàng dù không phải là vật tư chiến lược nhưng vẫn có thể được dùng vào mục đích như phát triển, chế tạo vũ khí hủy diệt hàng loạt. Nếu hiểu với nghĩa rộng như vậy thì tất cả các mặt hàng đều có thể là vật tư phi chiến lược, trừ lương thực, gỗ.

Theo Bộ Công nghiệp, trong vòng một tháng triển khai chế độ mới, đã có hơn 800 trường hợp doanh nghiệp đề nghị Bộ xem xét để xác định mặc hàng xuất khẩu có thuộc đối tượng bị kiểm soát hay không, nhưng trong đó chỉ có 10 trường hợp đăng ký cấp phép xuất khẩu trên thực tế, cho thấy doanh nghiệp trong nước cũng đang hạn chế xuất khẩu sang hai quốc gia này.

 

Tác động tới kinh tế

Phía Nga đáp trả bằng cách xếp Hàn Quốc vào danh sách các quốc gia và lãnh thổ “không thân thiện”, hạn chế về nhập cảnh, xuất khẩu. Có 602 mặt hàng nhập khẩu của Hàn Quốc, chiếm tỷ lệ 29%, đang bị ảnh hưởng từ lệnh cấm xuất khẩu của Nga. Tuy nhiên, giá trị nhập khẩu các mặt hàng này chỉ chiếm 0,6% tổng kim ngạch nhập khẩu của Seoul. Các mặt hàng có mức độ phụ thuộc cao vào Nga thì được loại khỏi danh mục cấm xuất khẩu của Mat-xcơ-va, nên trên thực tế hầu như không có trở ngại nào đáng kể. Tuy nhiên, trong vòng hai tuần gần đây, Tổng công ty bảo hiểm thương mại Hàn Quốc đã tiếp nhận 14 trường hợp báo cáo sự cố thương mại liên quan đến Nga, như không nhận được thanh toán hợp đồng xuất khẩu. Trong khi năm ngoái, chỉ có 12 trường hợp tương tự xảy ra, cho thấy các sự cố về thương mại đang có chiều hướng tăng.

Lựa chọn của ban biên tập