Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Kỳ vọng về quan hệ Hàn-Nhật trong nhiệm kỳ Chính phủ mới

2022-04-30

Tin tức

ⓒYONHAP News

Nhóm thảo luận chính sách Hàn-Nhật của Tổng thống đắc cử Hàn Quốc Yoon Suk-yeol lúc 10 giờ 40 phút sáng ngày 26/4 đã có cuộc gặp trong vòng 25 phút với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, nhất trí cùng nỗ lực vì sự phát triển quan hệ song phương. Nội dung nhất trí lần này được đánh giá là cơ hội để khơi thông trao đổi cấp cao giữ hai nước sau một thời gian bế tắc.   

 

Nhóm thảo luận chính sách Hàn-Nhật

Nhóm thảo luận chính sách Hàn-Nhật do Phó Chủ tịch Quốc hội Chung Jin-suk dẫn đầu, đã có cuộc gặp với các quan chức trong Bộ Ngoại giao, Bộ Kinh tế, thương mại và công nghiệp, Bộ Quốc phòng và chính giới Nhật Bản, trong đó có Liên minh nghị sĩ Hàn-Nhật, và cuối cùng là Thủ tướng Kishida. Sau cuộc gặp cùng ngày, Phó Chủ tịch Quốc hội Chung cho biết hai bên nhất trí phải nỗ lực vì sự phát triển của quan hệ Hàn-Nhật hướng tới tương lai, vì lợi ích chung, trước thềm “xuất phát điểm mới”, tức sự ra mắt của Chính phủ mới Hàn Quốc.

Ông Chung cũng cho biết đã truyền đạt thư của Tổng thống đắc cử tới Thủ tướng Kishida. Trong thư, Tổng thống đắc cử đề xuất hai bên kế thừa và phát triển tinh thần thỏa thuận Hàn-Nhật ký kết giữa cố Tổng thống Kim Dae-jung và cựu Thủ tướng Obuchi Keizo năm 1998, có nội dung nhìn thẳng vào các vấn đề lịch sử, thiết lập quan hệ Hàn-Nhật hướng tới tương lai. Về phần mình, Thủ tướng Nhật Bản bày tỏ đồng tình với nội dung này.

Liên quan tới khả năng ông Kishida dự lễ nhậm chức của tân Tổng thống Yoon, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết Nhật Bản sẽ quyết định về vấn đề này theo thông lệ, Tổng thống đắc cử đã không chuyển lời mời. Nếu ông Kishida tham dự lễ nhậm chức thì Chính phủ mới sẽ chuẩn bị kỹ lưỡng để tiếp đón lãnh đạo Nhật Bản.

 

Quan hệ Hàn-Nhật

Quan hệ Hàn-Nhật hiện nay được đánh giá là đang trong tình trạng tồi tệ nhất kể từ sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào năm 1965. Trong vòng vài năm trở lại đây, hai nước liên tục mâu thuẫn về các vấn đề lịch sử, trả đũa thương mại. Một vấn đề tiêu biểu là việc Tòa án tối cao Hàn Quốc phán quyết yêu cầu doanh nghiệp Nhật Bản phải bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng ép lao động và cưỡng ép mua vui thời chiến, hay việc Tokyo siết chặt quy chế xuất khẩu sang Seoul, vấn đề Hiệp định đảm bảo thông tin quân sự chung Hàn-Nhật, vấn đề nước thải nhiễm xạ từ nhà máy điện nguyên tử Fukushima. Cuộc gặp thượng đỉnh Hàn-Nhật trực tiếp cuối cùng là vào tháng 12 năm 2019 giữa Tổng thống Moon Jae-in và cựu Thủ tướng Abe Shinzo. Không chỉ vậy, giao lưu hay thảo luận cấp cao song phương cũng nhiều lần bị đổ bể. Đại sứ Hàn Quốc tại Tokyo Kang Chang-il được bổ nhiệm tháng 1 năm nay vẫn chưa thể diện kiến Thủ tướng và Ngoại trưởng Nhật Bản, một điều hiếm thấy. Mặc dù Seoul và Tokyo đều đồng tình tiếp tục trao đổi giữa cơ quan ngoại giao hai nước, nhưng điều này vẫn chưa đủ để giải quyết các vấn đề nổi cộm, trong khi mâu thuẫn ngày càng trở nên sâu sắc hơn, quan hệ song phương lại càng xấu thêm. Điều này được phân tích là bởi nhận định của mỗi nước về tầm quan trọng chiến lược của nước đối phương đã trở nên giảm sút.

 

Triển vọng

Việc Tổng thống đắc cử Hàn Quốc đề xuất hai nước kế thừa và phát triển thỏa thuận giữa cố Tổng thống Kim Dae-jung và cựu Thủ tướng Obuchi Keizo được đánh giá là nền móng đầu tiên để khôi phục niềm tin, phục hồi quan hệ Hàn-Nhật. Vào năm 1998, cựu Tổng thống Kim Dae-jung và cựu Thủ tướng Obuchi đã cùng ra “Tuyên bố chung về quan hệ đối tác mới Hàn-Nhật thế kỷ XXI”. Tuyên bố có nội dung Nhật Bản xin lỗi về lịch sử thực dân, và phát triển quan hệ Hàn-Nhật hướng tới tương lai. Tuy nhiên, hơn 20 năm trôi qua, Nhật Bản lại đang có động thái đi ngược với thái độ hối lỗi về các vấn đề quá khứ, khiến phía Hàn Quốc phản đối gay gắt. Việc khôi phục quan hệ song phương là bài toán không hề dễ dàng với Chính phủ mới. Vấn đề đau đầu nhất phải giải quyết đó chính là tìm ra một giải pháp cho các vấn đề lịch sử, sao cho thuyết phục được cả nạn nhân và người dân hai nước.

Lựa chọn của ban biên tập