Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Kỷ niệm Ngày Thiếu nhi Hàn Quốc lần thứ 100

2022-05-07

Tin tức

ⓒYONHAP News

Nhiều sự kiện đa dạng được tổ chức tại Hàn Quốc nhân kỷ niệm Ngày Thiếu nhi 5/5 lần thứ 100. Đây là cơ hội để xã hội nhìn nhận lại những vấn đề mà trẻ em đang gặp phải, quyết tâm nỗ lực vì một cuộc sống tốt đẹp hơn và môi trường phát triển lành mạnh cho trẻ em.

 

Ngày thiếu nhi

Ngày Thiếu nhi Hàn Quốc bắt nguồn từ thuật ngữ và khái niệm “thiếu nhi” được nhà văn thiếu nhi Park Jung-hwan (1899-1931) định nghĩa vào năm 1921, nêu rõ trẻ nhỏ cũng là một cá thể độc lập, phải được tôn trọng như một thành viên bình đẳng trong xã hội. Là người lập ra “Hội thiếu niên Thiên đạo giáo”, và tiến hành nhiều cuộc vận động vì trẻ em, ông Park đã tuyên bố lấy ngày đầu tiên của tháng 5 là “Ngày Thiếu nhi”. Có thể nói, đó là một thời kỳ tuyệt vọng sau khi phong trào kháng Nhật giành độc lập 1/3/1919 bị đàn áp đẫm máu, dẫn tới trong xã hội nảy sinh nhận thức mới về thế hệ tương lai.

Tuy nhiên, do sự đàn áp của thực dân Nhật, Ngày Thiếu nhi đã không được kỷ niệm hàng năm, mà phải chờ tới sau ngày giải phóng. Tới năm 1946, Ngày Thiếu nhi được chuyển sang thành ngày 5/5, và giữ nguyên cho tới ngày hôm nay. Năm 1957, Hàn Quốc thông qua Hiến chương Trẻ em với nội dung tuyên thệ về việc bảo vệ quyền và phúc lợi trẻ em, đề ra hình mẫu lý tưởng về sự phát triển của trẻ em. Năm 1991, Hàn Quốc phê chuẩn công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em, công nhận trẻ em như một chủ thể quyền lợi.

Như vậy, sau sự thay đổi và phát triển không ngừng trong suốt một thế kỷ, nhân quyền và môi trường phát triển của trẻ em đã được nâng cao rõ rệt. Ngày nay, trẻ em Hàn Quốc đang được sống trong một môi trường đầy đủ hơn bất cứ giai đoạn nào trong quá khứ.


Hiện thực

Mặc dù vậy, một câu hỏi luôn đặt ra đó là liệu sự đầy đủ về vật chất và sự cải thiện nhận thức liệu có chắc chắn mang lại hạnh phúc cho trẻ nhỏ. Hiến chương Trẻ em ghi rõ trẻ nhỏ phải được lớn lên trong tình yêu thương, phải được hấp thụ đầy đủ dinh dưỡng, phải được sống trong môi trường sạch sẽ. Ngoài ra, trẻ phải được giáo dục theo đúng năng lực và tư chất, phải được chơi các trò chơi lý thú và hữu ích, phải được bảo vệ khỏi môi trường xã hội nguy hại, và tuyệt đối không được bị lợi dụng làm điều xấu, lao động nặng nhọc, bị bỏ rơi hoặc ngược đãi.

Công ước Liên hợp quốc về Quyền Trẻ em có nêu 4 quyền cơ bản của trẻ em đó là quyền sống, quyền được bảo vệ, quyền phát triển và quyền tham gia. Tất nhiên, nhận thức thông thường trong xã hội về trẻ em giờ đây đã được cải thiện rất nhiều, sự tôn trọng đối với trẻ em, chất lượng cuộc sống dành cho trẻ đã được nâng cao hơn nhiều so với trước. Tuy nhiên lại có nhiều trường hợp trẻ em bị bỏ mặc hoặc bị ngược đãi, và vẫn còn tồn tại suy nghĩ rằng trẻ em chỉ là đối tượng chăm sóc đơn thuần, hoặc là đối tượng sở hữu. Tại Hàn Quốc, trẻ em đang bị đặt trong sức ép cạnh tranh học tập nặng nề. Một thực tế thường thấy đó là từ bậc mẫu giáo, tiểu học, nhiều trẻ không thể vui chơi thoải mái sau giờ học, phải học thêm tới tận tối muộn.

    

Sự thấu hiểu và bao dung

Các chuyên gia cho rằng chìa khóa để giúp trẻ em có thể sống hạnh phúc đó là sự thấu hiểu và bao dung. Rốt cuộc, chúng ta cần lắng nghe suy nghĩ của trẻ, thấu hiểu và bao dung hơn nữa. Tình yêu thương chính là liều thuốc chữa lành tất cả. Nhân Ngày Thiếu nhi 5/5, Bộ Y tế và phúc lợi Hàn Quốc công bố đang xúc tiến mục tiêu lập Luật cơ bản về trẻ em (tên tạm thời) vào năm sau, cụ thể hóa quyền của trẻ em, nêu rõ trách nhiệm của Nhà nước và xã hội để bảo đảm các quyền của trẻ em. Mặc dù luật pháp không thể giải quyết hết tất cả mọi điều, nhưng sẽ là nền móng ban đầu để mọi trẻ em có một cuộc sống hạnh phúc.

Lựa chọn của ban biên tập