Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Hàn Quốc cân nhắc về việc tham gia liên minh chíp bán dẫn “Chip 4”

2022-07-30

Tin tức

ⓒKBS News

Trong bối cảnh dư luận đang đề cập tới khả năng Hàn Quốc sẽ tham gia vào liên minh chíp bán dẫn “Chip 4”, một cơ chế đối thoại về chuỗi cung ứng chíp bán dẫn do Mỹ khởi xướng, thì tập đoàn SK của Hàn Quốc gần đây lại công bố kế hoạch đầu tư quy mô lớn vào Mỹ. “Chip 4” chỉ 4 cường quốc chíp bán dẫn là Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan, thiên về tính chất kìm hãm Trung Quốc, nên đang làm dấy lên sự phản đối gay gắt từ phía Bắc Kinh.

 

Liên minh “Chip 4”

Vào tháng 3 năm nay, Mỹ đề xuất với Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan về việc thành lập một cơ chế hợp tác, trên thực tế là một “liên minh chíp bán dẫn”, nhằm kìm hãm đường lối tự chủ chíp bán dẫn của Trung Quốc. Hiện tại, Washington đang đề nghị Seoul đưa ra quyết định cho tới cuối tháng 8.

Việc tham gia vào “Chip 4” là một vấn đề hết sức quan trọng. Cơ chế này không chỉ dừng lại ở việc hợp tác, liên minh công nghệ đơn thuần, mà còn được xem là bước khởi đầu để tái cấu trúc trật tự quốc tế, xét tới tỷ trọng chíp bán dẫn trong toàn bộ đời sống của nhân loại ngày nay.

Trung Quốc đang giương cao ngọn cờ “quật khởi” ở lĩnh vực chíp bán dẫn, mục tiêu cuối cùng là tự chủ về công nghệ chíp bán dẫn để đối đầu với Mỹ. Mỹ đang đối phó bằng cách nỗ lực ngăn chặn các công nghệ chíp bán dẫn, cũng như các công nghệ khác rò rỉ vào tay Trung Quốc.

Hiện tại, Mỹ đang nắm giữ các công nghệ gốc ở lĩnh vực chíp bán dẫn, trong khi Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan thì sở hữu công nghệ chíp bán dẫn hàng đầu thế giới. Do vậy, nếu liên minh lại với nhau thì 4 cường quốc chíp bán dẫn này sẽ có thể giành vị thế bá chủ, thống trị chuỗi cung ứng chíp bán dẫn toàn thế giới. Vậy nên việc Trung Quốc phản đối, ngăn chặn thành lập liên minh này cũng là điều đương nhiên.

   

Lập trường của Hàn Quốc

Trong khi Chính phủ đang tỏ lập trường thận trọng thì các doanh nghiệp chíp bán dẫn Hàn Quốc đang suy tính phức tạp về việc tham gia “Chip 4”. Xét về khía cạnh cơ cấu ngành công nghiệp chíp bán dẫn, các doanh nghiệp trong nước cần công nghệ từ Mỹ, nhưng lại phụ thuộc lớn vào Trung Quốc về nhu cầu. Đây cũng chính là lý do mà Washington mạnh mẽ yêu cầu Seoul tham gia vào “Chip 4”. Trong năm 2021, kim ngạch xuất khẩu chíp bán dẫn của Hàn Quốc đạt 128 tỷ USD, trong đó 50,2 tỷ USD, chiếm 40%, là xuất khẩu sang Trung Quốc. Nếu bao gồm cả xuất khẩu sang Hong Kong thì tỷ trọng xuất khẩu sang Trung Quốc đại lục tăng lên thành 60%. Doanh thu từ Trung Quốc chiếm 30% tổng doanh thu của hai doanh nghiệp chíp bán dẫn hàng đầu Hàn Quốc là điện tử Samsung và SK Hynix. Ngoài ra, cả hai doanh nghiệp này đều đang có nhà máy đặt tại Trung Quốc. Bên cạnh đó, nếu quan hệ giữa Seoul và Bắc Kinh “trắc trở” thì chính doanh nghiệp sẽ chịu thiệt hại trực tiếp.

Việc tham gia vào “Chip 4” mang tính chất là Hàn Quốc sẽ phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc. Do vậy, Chính phủ Seoul đang cực kỳ cảnh giác trước cụm từ “liên minh chíp bán dẫn”. Tuy nhiên, phần lớn ý kiến đều nhận định rằng Chính phủ sẽ tham gia vào liên minh này. Được biết, Chính phủ đang giữ lập trường rằng ngoài 4 nước, nên sổ sung thêm một số nước khác đang nổi lên ở lĩnh vực chíp bán dẫn như Hà Lan, nhằm làm giảm đi tính chất khép kín của liên minh này. Ngoài ra, Seoul cho rằng không chỉ dừng lại ở vấn đề chuỗi cung ứng, các bên cần mở rộng thảo luận cả về vấn đề bồi dưỡng nhân lực, nghiên cứu và phát triển (R&D), hợp tác quốc tế, hỗ trợ tài chính cho ngành công nghiệp chíp bán dẫn.

 

SK công bố kế hoạch đầu tư quy mô lớn vào Mỹ

Trong bối cảnh này, Chủ tịch SK Chey Tae-won ngày 26/7 đã có cuộc hội đàm trực tuyến với Tổng thống Mỹ Joe Biden, công bố kế hoạch đầu tư thêm 22 tỷ USD vào Mỹ, trong đó 15 tỷ USD được đầu tư vào lĩnh vực chíp bán dẫn. Việc SK công bố kế hoạch đầu tư vào đúng thời điểm này không thể không liên quan tới “Chip 4”. Cùng ngày, Trung Quốc đưa ra lập trường rằng nước này phản đối những hành động cố ý phá vỡ quy tắc thuơng mại quốc tế, chia rẽ thị trường toàn cầu. Bắc Kinh còn nêu ra số liệu về thương mại giữa hai nước, nhằm đẩy cao sức ép với Seoul.

Lựa chọn của ban biên tập