Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Quan hệ Hàn-Trung lại nóng về vấn đề “THAAD”

2022-08-13

Tin tức

ⓒYONHAP News

Hội đàm Bộ trưởng Ngoại giao Hàn-Trung

Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Park Jin ngày 9/8 đã có cuộc hội đàm với Ủy viên Quốc vụ viện kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, thảo luận về nhiều vấn đề nổi cộm giữa hai nước. Ngoại trừ vấn đề tổ hợp tên lửa đánh chặn tầm trung cao (THAAD) thì không khí thảo luận của quan chức hai bên khá tốt đẹp. Đây là cuộc hội đàm Ngoại trưởng Hàn-Trung đầu tiên kể từ sau khi Chính phủ mới của Tổng thống Yoon Suk-yeol ra mắt, nên hai bên đã trao đổi một cách thẳng thắn lập trường về nhiều vấn đề nhạy cảm.

Phát biểu tại hội đàm, Bộ trưởng Vương Nghị đưa ra 5 hạng mục yêu cầu nhằm phát triển quan hệ Hàn-Trung, đó là độc lập tự chủ, láng giềng hữu nghị, ổn định chuỗi cung ứng, kiên định nguyên tắc bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, chủ nghĩa đa phương. Các yêu cầu này không có sự khác biệt lớn so với lập trường từ trước tới nay của Bắc Kinh. Phía Hàn Quốc cũng khẳng định sẽ tôn trọng quan hệ song phương trong quá trình triển khai các chính sách đối ngoại dựa trên những giá trị phổ quát của nhân loại, theo đúng đường lối “ngoại giao giá trị” của Chính phủ Tổng thống Yoon Suk-yeol. Cùng với đó, Seoul cũng đề nghị Bắc Kinh đóng vai trò tích cực hơn nữa để khiến Bắc Triều Tiên kiềm chế khiêu khích, tiến vào con đường phi hạt nhân hóa.

 

Vấn đề “Chip 4” và “THAAD”

Ban đầu, vấn đề “Chip 4”, liên minh chuỗi cung ứng chíp bán dẫn do Mỹ khởi xướng gồm 4 nước là Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan, được coi là vấn đề nan giải nhất trong cuộc hội đàm vừa qua. Vậy nhưng trái với dự đoán, quan chức hai nước lại mở rộng được sự hiểu biết lẫn nhau trong vấn đề này. Trước đó, Trung Quốc giữ lập trường cứng rắn về liên minh “Chip 4”, nhưng lần này đã tỏ ra “dịu giọng” hơn. Bộ trưởng Park Jin nhấn mạnh việc Hàn Quốc tham gia vào hội nghị trù bị của “Chip 4” sẽ có thể giúp ích cho cả Trung Quốc, khẳng định Seoul sẽ đứng ra làm cầu nối giữa Bắc Kinh với các quốc gia tham gia khác. Về điều này, Bộ trưởng Vương Nghị bày tỏ hy vọng Hàn Quốc sẽ “phán đoán một cách thận trọng”, thể hiện rằng sẽ tôn trọng lựa chọn của Chính phủ Seoul. Tuy nhiên, hai bên lại không tìm được điểm chung trong vấn đề THAAD, mà chỉ càng gia tăng thêm bất đồng ý kiến.


Vào năm 2016, Hàn Quốc và Mỹ đạt được thỏa thuận về việc bố trí tổ hợp tên lửa đánh chặn tầm trung cao cho lực lượng quân đội Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc. Điều này làm Bắc Kinh phản đối gay gắt, trả đũa bằng việc ban lệnh hạn chế các nội dung văn hóa Hàn Quốc như game, âm nhạc, phim điện ảnh, phim truyền hình. Tới tháng 10/2017, Ngoại trưởng Hàn Quốc, khi đó là bà Kang Kyung-hwa, đã đưa ra lập trường “ba không”, đó là không triển khai thêm THAAD, không tham gia vào hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, không theo đuổi đồng minh quân sự Hàn-Mỹ-Nhật, xoa dịu dần mâu thuẫn song phương về vấn đề này. 

 

Trong buổi họp báo thường kỳ ngày 10/8, một ngày sau cuộc hội đàm Ngoại trưởng Hàn-Trung, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết ngoài cam kết “ba không”, Hàn Quốc còn từng cam kết sẽ hạn chế vận hành tổ hợp tên lửa đánh chặn tầm trung cao bố trí cho lực lượng quân đồn trú Mỹ tại Hàn Quốc. Bắc Kinh nhấn mạnh đây là vấn đề liên quan tới chủ quyền an ninh quốc gia, yêu cầu Seoul phải tuân thủ đúng cam kết.

Tuy nhiên, phía Hàn Quốc tái khẳng định rằng chính sách “ba không” được công bố dưới thời Chính phủ Tổng thống Moon Jae-in không phải là một thỏa thuận hay cam kết chính thức giữa Chính phủ hai nước Hàn-Trung. Do đó, Seoul sẽ không thể chấp nhận yêu cầu này của phía Bắc Kinh. Ngoài ra, Chính phủ Hàn Quốc khẳng định nội dung hạn chế vận hành THAAD không hề được đề cập trong kết quả thảo luận nhằm cải thiện quan hệ song phương diễn ra vào năm 2017.

 

Triển vọng

Có thể nói, rất ít khả năng hai nước thay đổi lập trường về vấn đề THAAD. Mặc dù Bắc Kinh và Seoul đã nhượng bộ lẫn nhau về vấn đề “Chip 4” nhưng mâu thuẫn hoàn toàn có thể bùng lại bất cứ lúc nào. Bài toán đặt ra với Chính phủ hai nước lúc này chính là quản lý tình hình, không để mâu thuẫn về vấn đề THAAD lan ra các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa.

Lựa chọn của ban biên tập