Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Chính phủ Hàn Quốc nhận phán quyết bồi thường số tiền lớn cho Quỹ Lone Star

2022-09-03

Tin tức

ⓒYONHAP News

Phán quyết

Trung tâm quốc tế giải quyết tranh chấp về đầu tư (ICSID) thuộc Ngân hàng thế giới (WB) ngày 31/8 đã ra phán quyết Hàn Quốc thua kiện trong vụ tranh chấp với Quỹ Lone Star kéo dài suốt 10 năm qua.

Hội đồng trọng tài ICSID công nhận Chính phủ Hàn Quốc đã can thiệp vào quá trình Quỹ Lone Star bán lại Ngân hàng ngoại hối Hàn Quốc (KEB), khiến quỹ này bị thiệt hại, yêu cầu Seoul phải bồi thường số tiền 216,5 triệu USD, tương đương 4,6% số tiền mà quỹ này yêu cầu. Ngoài ra, ICSID cũng yêu cầu Chính phủ Hàn Quốc phải trả cả tiền lãi tương ứng với lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn một tháng, tính từ ngày 3/12/2011 tới khi trả hết số tiền trên.

Tháng 11/2012, Quỹ Lone Star khởi kiện Chính phủ Hàn Quốc lên Trung tâm quốc tế giải quyết tranh chấp về đầu tư, quy kết Chính phủ Seoul đã cố ý trì hoãn phê chuẩn thương vụ bán lại KEB, khiến giá trị thương vụ bị sụt giảm mạnh, quỹ bị thiệt hại lên tới 4,67 tỷ USD. Trong khi đó, Chính phủ Hàn Quốc khẳng định việc trì hoãn thẩm định phê chuẩn thương vụ bán lại KEB không phải là hành vi can thiệp bất chính, mà có liên quan tới nghi ngờ quỹ này thao túng giá cổ phiếu, nên đây là một quy trình hợp pháp.

Hội đồng trọng tài ICSID gồm ba người, trong đó có hai người đứng về phía Quỹ Lone Star, cho rằng cơ quan tài chính Hàn Quốc đã trì hoãn phê chuẩn thương vụ cho tới khi giá trị bán lại KEB giữa quỹ với tập đoàn tài chính Hana bị sụt giảm, vi phạm Hiệp định đầu tư song phương (BIT) mà Hàn Quốc ký kết với Bỉ và Luxembourg. Điều này có nghĩa rằng Chính phủ Seoul đã vi phạm nghĩa vụ đối xử công bằng căn cứ theo BIT, nên phải có trách nhiệm bồi thường cho Quỹ Lone Star. Ý kiến còn lại trong Hội đồng trọng tài thì cho rằng việc cơ quan tài chính Hàn Quốc trì hoãn thẩm định là do Quỹ Lone Star thao túng giá cổ phiếu nên không thể truy cứu trách nhiệm với Chính phủ Hàn Quốc. Qua đó có thể thấy thấy ba thành viên trong Hội đồng trọng tài có sự khác biệt lớn về ý kiến.

 

Ý nghĩa và đối phó của Chính phủ

Chỉ xét theo nội dung phán quyết của Hội đồng trọng tài, thì số tiền bồi thường thiệt hại tương đương 4,6% số tiền mà Quỹ Lone Star yêu cầu, nên có thể coi Chính phủ Hàn Quốc thắng kiện 95,4%. Tuy nhiên, vốn lẽ ngay từ ban đầu, Quỹ Lone Star đã tự thổi phồng một cách hoang đường về thiệt hại. Không chỉ vậy, quỹ này còn bị giới đầu tư gọi là kẻ “ăn rồi đào tẩu”, chuyên kinh doanh theo hình thức đầu cơ. Do đó, việc bồi thường một số tiền lớn cho quỹ này là điều mà Chính phủ cũng như người dân Hàn Quốc tuyệt đối không thể chấp nhận.


Quỹ Lone Star mua lại KEB vào năm 2003 với giá 1.383,4 tỷ won (1,02 tỷ USD theo tỷ giá hiện nay). Tới năm 2012, quỹ này bán lại 51,02% cổ phần nắm giữ, tương đương 3.915,7 tỷ won (2,9 tỷ USD) cho tập đoàn tài chính Hana, thu lời chênh lệch hơn 2.000 tỷ won (hơn 1,5 tỷ USD). Ngay từ khi Quỹ Lone Star mua lại KEB, đã dấy lên nhiều tranh cãi xoay quanh tư cách đại cổ đông của quỹ. Thêm vào đó, thay vì điều hành ngân hàng này, Quỹ Lone Star lại tập trung vào việc cải tổ cơ cấu để nâng giá, bán lại ngân hàng KEB trong khoảng thời gian ngắn để thu lời chênh lệch, thậm chí còn không kiêng dè cả việc thao túng giá cổ phiếu.

Bộ trưởng Tư pháp Hàn Quốc Han Dong-hoon nhấn mạnh một trong ba thành viên của Hội đồng trọng tài đã đứng về phía Chính phủ Seoul, đồng tình rằng cơ quan tài chính Hàn Quốc đã đối xử công bằng, không phân biệt căn cứ theo luật pháp và điều ước quốc tế. Do vậy, Hàn Quốc sẽ kháng nghị phán quyết này tới cùng, quyết không để lãng phí một đồng thuế nào của người dân cho vụ kiện này.

Bên đương sự chỉ được phép kháng nghị một lần, và ngay khi có kháng nghị, Trung tâm quốc tế giải quyết tranh chấp về đầu tư sẽ lập ra Ủy ban hủy phán quyết gồm ba người, để ra quyết định có hủy phán quyết hay không. Từ nay cho tới khi có kết quả kháng nghị sẽ mất tối thiểu một năm. Cho tới khi đó, bên đương sự là Chính phủ Hàn Quốc được hoãn thi hành phán quyết.

Lựa chọn của ban biên tập