Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Mâu thuẫn Hàn-Mỹ về điều khoản trợ cấp ô tô điện

2022-09-10

Tin tức

ⓒYONHAP News 

Việc Mỹ loại xe ô tô điện Hàn Quốc khỏi đối tượng được hưởng trợ cấp trong Luật giảm lạm phát đang làm dấy lên nhiều ý kiến tranh cãi, gây lo ngại có thể ảnh hưởng tới hợp tác kinh tế song phương. Chính phủ Hàn Quốc một mặt đang xúc tiến thảo luận các cấp với Mỹ, mặt khác đang tìm kiếm phương án kết hợp với đối phó chung cùng các quốc gia trong tình cảnh tương tự như Nhật Bản, châu Âu.


Phân biệt đối xử ô tô điện

Luật giảm lạm phát được Tổng thống Mỹ Joe Biden ký tên thông qua vào ngày 16/8 có nội dung chỉ xe ô tô điện thỏa mãn điều kiện nhất định mới được ưu đãi khấu trừ thuế tối đa 4.000 USD (xe cũ) và 7.500 USD (xe mới). Điều kiện là xe ô tô điện phải được lắp ráp tại khu vực Bắc Mỹ. Thêm vào đó, từ tháng 1/2023, xe ô tô điện phải thỏa mãn thêm điều kiện là sử dụng pin và khoáng sản quan trọng được sản xuất với một tỷ lệ nhất định tại Mỹ. Hiện tại, mẫu xe điện Ioniq 5 của hãng Hyundai và EV6 của Kia đang bán tại Mỹ đều được sản xuất toàn bộ tại Hàn Quốc. Theo đó, các xe ô tô điện do doanh nghiệp Hàn Quốc sản xuất sẽ không còn được trợ cấp, tức khấu trừ thuế, nên doanh nghiệp lo ngại sẽ mất đi năng lực cạnh tranh về giá thành. Điều này dự kiến sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới hợp tác kinh tế Hàn-Mỹ, và quá trình cải tổ chuỗi cung ứng mà Mỹ khởi xướng, như liên minh chíp bán dẫn “Chip 4” (gồm 4 cường quốc sản xuất chíp bán dẫn Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan), hay Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ-Thái Bình Dương (IPEF).


Đối phó của Chính phủ

Chính phủ Hàn Quốc đã truyền đạt ý kiến lo ngại tới Mỹ thông qua nhiều hình thức khác nhau, như qua các kênh ngoại giao, đồng thời khởi động thảo luận chính thức với Washington. Chánh Văn phòng đàm phán thương mại thuộc Bộ Công nghiệp, thương mại và tài nguyên Ahn Duk-geun đã lên đường thăm Mỹ, bắt đầu tiếp xúc với giới chức Chính phủ, Quốc hội và Nhà Trắng từ ngày 6/9 (giờ địa phương). Trong ngày 7/9, ông Ahn đã hội đàm với Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai, truyền đạt lập trường chính thức của Chính phủ Seoul và thảo luận giải pháp cụ thể.


Mặt khác, Chính phủ Hàn Quốc cũng tìm kiếm phương án phối hợp với Nhật Bản và một số quốc gia châu Âu đang nêu ra lo ngại tương tự như Seoul. Trước tiên, quan chức Đại sứ quán 5 nước tại Washington, gồm Hàn Quốc, Đức, Nhật Bản, Anh, Thụy Điển cùng Liên minh châu Âu (EU) đã có cuộc gặp đầu tiên vào tuần trước để trao đổi lập trường về điều khoản phân biệt đối xử của Mỹ. Mặc dù đây mới chỉ là cuộc họp cấp Tham tán Đại sứ quán, chưa tới mức các bên lập phương án đối phó ngay lập tức, nhưng việc các nước dự kiến bị thiệt hại từ điều khoản trợ cấp ô tô điện của Mỹ nhóm họp cũng khiến dư luận hết sức chú ý. Chính phủ Hàn Quốc cho biết cuộc gặp lần này được tổ chức nhằm trao đổi thông tin giữa các bên, đề xuất các nước cùng xem xét phối hợp.


Triển vọng

Mỹ khẳng định sẽ thảo luận tích cực với Hàn Quốc, truyền đi tín hiệu tích cực nhưng tình hình chung lại không mấy sáng sủa. Một điểm tích cực là tại cuộc họp ở Hwaii (Mỹ) vào ngày 1/9 giữa Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan với Chánh Văn phòng an ninh quốc gia Hàn Quốc Kim Sung-han, ông Sullivan đã cam kết sẽ xem xét ảnh hưởng từ Luật giảm lạm phát. Trong khi đó, Tổng thống Joe Biden nhiều ngày qua lại liên tiếp nhấn mạnh về việc sản xuất ô tô điện, chíp bán dẫn, sợi quang, và các mặt hàng quan trọng khác trên chính lãnh thổ nước Mỹ. Chính phủ Tổng thống Biden đang lấy Luật giảm lạm phát là thành quả lớn nhất trước thềm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tháng 11 tới. Do vậy, dù Washington đưa ra lập trường tích cực nhưng có lẽ vấn đề mâu thuẫn này sẽ kéo dài qua cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ vào tháng 11 tới.


 

Lựa chọn của ban biên tập