Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Hàn Quốc đề xuất Bắc Triều Tiên tổ chức hội đàm về vấn đề gia đình bị ly tán

2022-09-10

Tin tức

ⓒYONHAP News 

Đề xuất của Bộ trưởng Thống nhất

Ngày 8/9, một ngày trước kỳ nghỉ lễ Tết Trung thu 2022, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Kwon Young-se đã chính thức đề xuất với Bắc Triều Tiên về việc tổ chức hội đàm liên Triều, nhằm tìm giải pháp cho vấn đề các gia đình bị ly tán trong chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).


Trong tuyên bố đưa ra cùng ngày, Bộ trưởng Kwon kêu gọi quan chức hai miền Nam-Bắc sớm gặp mặt trực tiếp để tìm kiếm giải pháp căn bản cho vấn đề gia đình bị ly tán, xoa dịu nỗi đau cho họ nhân dịp Tết Trung thu, ngày lễ đoàn tụ của dân tộc.


Bộ trưởng Thống nhất nhấn mạnh phải giải quyết vấn đề này trước khi cụm từ “gia đình bị ly tán” hoàn toàn biến mất. Ngay lúc này, hai miền Nam-Bắc phải tận dụng mọi biện pháp có thể để lập đối sách căn bản và nhanh chóng nhất. Ông Kwon bày tỏ kỳ vọng Seoul và Bình Nhưỡng sẽ sớm sắp xếp cuộc gặp giữa giới chức hai bên, thảo luận một cách cởi mở về các vấn đề nhân đạo, trong đó có vấn đề gia đình bị ly tán. Bộ trưởng khẳng định Chính phủ Hàn Quốc sẵn sàng đối thoại với Bắc Triều Tiên, và sẽ cân nhắc một cách tích cực ý kiến của Bình Nhưỡng về lịch trình, địa điểm, nghị sự và hình thức hội đàm. Ông Kwon kêu gọi sự hưởng ứng tích cực của chính quyền miền Bắc, đồng thời nhấn mạnh Seoul sẽ tiếp tục đề xuất tương tự trong thời gian tới dù nước này phớt lờ hoặc chỉ trích đề xuất trên.


Bối cảnh

Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc chỉ ra rằng việc tổ chức một vài buổi đoàn tụ cho các gia đình bị ly tán với số lượng người tham gia ở quy mô nhỏ như từ trước tới nay là không đủ để giải quyết tận gốc vấn đề này. Thời gian qua, hai miền Nam-Bắc thường sẽ chọn mỗi bên 100 người để tổ chức đoàn tụ. Theo ông Kwon, hai miền phải ngồi xuống thảo luận để tìm ra đối sách giải quyết vấn đề, như xác định tình trạng sức khỏe của các thành viên gia đình bị ly tán, tổ chức trao đổi thư từ, đoàn tụ thường xuyên.


Trên thực tế, số người đăng ký đoàn tụ tại miền Nam là 133.654 người. Trong số đó mới có 1.099 người được lựa chọn để đoàn tụ với người thân tại miền Bắc, chiếm khoảng 3% tổng số người đăng ký. Đối tượng được tham gia chương trình đoàn tụ được lựa chọn ngẫu nhiên trong số những người được xác định là có người thân vẫn còn sống tại Bắc Triều Tiên. Nếu gộp cả hai miền thì mới chỉ có 4.800 người được đoàn tụ tính tới thời điểm hiện tại. Phần lớn thành viên các gia đình bị ly tán đều đã tuổi cao sức yếu, nhiều người đã phải nhắm mắt khi vẫn chưa được gặp lại người thân dù chỉ một lần kể từ sau chiến tranh. Tính tới cuối tháng 8 năm nay, đã có 87.964 người qua đời khi chưa được gặp lại người thân, chỉ còn 42.647 người còn sống. Trong số họ, có 30% đã ngoài 90 tuổi, 37% ngoài 80 tuổi, 19% ngoài 70 tuổi, thời gian còn lại là không nhiều. Việc Bộ trưởng Thống nhất nhấn mạnh phải giải quyết vấn đề “trước khi cụm từ gia đình bị ly tán biến mất” chính là thể hiện sự xót xa khi thế hệ đầu tiên trong các gia đình bị ly tán đang ngày càng giảm dần.


Ý nghĩa và triển vọng

Hàn Quốc lần đầu đề xuất về việc tổ chức đoàn tụ cho các gia đình bị ly tán trong cuộc hội đàm Hội chữ thập đỏ liên Triều năm 1971. Phải sau 10 lần hội đàm, tới năm 1985, hai bên mới tổ chức được chuyến thăm lại quê hương đầu tiên cho các gia đình bị ly tán. Kể từ sau năm 2000, Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên tiếp tục trao đổi về vấn đề này trong 4 lần hội đàm thượng đỉnh, 28 cuộc hội đàm cấp Bộ trưởng và hội đàm cấp cao, 12 cuộc hội đàm Hội chữ thập đỏ, nhưng chương trình đoàn tụ chỉ được tổ chức ở mức hạn chế tùy theo diễn biến chính trị và sự hưởng ứng thất thường của miền Bắc.


Hiện tại, quan hệ hai miền Nam-Bắc đang trong tình trạng đóng băng, tình hình thế giới đang được ví như “chiến tranh lạnh mới”, sự đối đầu giữa phương Đông và phương Tây ngày càng trở nên rõ nét. Do vậy, rất ít khả năng Bắc Triều Tiên sẽ hưởng ứng tích cực đề xuất trên của Hàn Quốc. Tuy nhiên, do Bộ trưởng Thống nhất nhấn mạnh sẽ tiếp tục đề xuất dù bị Bắc Triều Tiên từ chối, nên dư luận kỳ vọng lớn vào sự nỗ lực tích cực và đều đặn của Chính phủ về vấn đề gia đình bị ly tán.


 

Lựa chọn của ban biên tập