Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Bắc Triều Tiên thông qua pháp lệnh về chính sách sức mạnh hạt nhân

2022-09-17

Tin tức

ⓒYONHAP News

Tại kỳ họp thứ 7 Hội đồng nhân dân tối cao khóa XIV diễn ra trong ngày 7-8/9, Bắc Triều Tiên đã thông qua pháp lệnh về chính sách sức mạnh hạt nhân, trong đó đẩy mạnh lập trường là “quốc gia sở hữu hạt nhân”, khẳng định đường lối tuyệt đối không từ bỏ hạt nhân.

 

Pháp lệnh về chính sách sức mạnh hạt nhân

Pháp lệnh về chính sách sức mạnh hạt nhân mà miền Bắc vừa thông qua bao gồm 11 Điều, quy định về các nội dung như sứ mệnh sức mạnh hạt nhân, quyền chỉ huy, kiểm soát, nguyên tắc, điều kiện sử dụng vũ khí hạt nhân, quản lý, bảo trì và bảo vệ vũ khí hạt nhân. Đặc biệt, Điều 3 về “Chỉ huy, kiểm soát sức mạnh hạt nhân” quy định sức mạnh hạt nhân được đặt dưới sự chỉ huy duy nhất của Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ. Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ có quyền quyết định toàn diện về vũ khí hạt nhân. Trong trường hợp hệ thống chỉ huy kiểm soát vũ khí hạt nhân rơi vào tình thế nguy hiểm do sự tấn công của thế lực bên ngoài thì miền Bắc sẽ ngay lập tức tự động tấn công bằng hạt nhân để tiêu diệt thế lực thù địch. Qua đây, miền Bắc đã chính thức tuyên bố về chính sách tấn công bằng vũ khí hạt nhân.


Điều kiện sử dụng vũ khí hạt nhân được quy định là trong trường hợp quân địch tấn công, hoặc có dấu hiệu sắp sửa tấn công vào vũ khí hạt nhân và các vũ khí hủy diệt hàng loạt khác, bộ máy lãnh đạo quốc gia, bộ máy chỉ huy sức mạnh hạt nhân và các đối tượng chiến lược khác của miền Bắc. Ngoài ra, Bình Nhưỡng còn có thể sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp cần thiết về mặt tác chiến nhằm chiếm thế chủ động trong chiến tranh, trường hợp bất khả kháng như nguy cơ đe dọa tới sự tồn vong của quốc gia và sự an toàn của người dân.

 

Mặt khác, trong bài diễn thuyết trước Hội đồng nhân dân tối cao, Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un tuyên bố nước này tuyệt đối không từ bỏ hạt nhân, phi hạt nhân hóa trước, và cũng không tiến hành bất cứ cuộc đàm phán, thương lượng nào về điều này.

 

Ý nghĩa

Thông qua pháp lệnh trên, Bắc Triều Tiên tự cho phép nước này có thể sử dụng vũ khí hạt nhân một cách tùy ý, bất cứ lúc nào, và quyền quyết định thuộc về duy nhất một người, đó là Chủ tịch Kim Jong-un.

Vũ khí hạt nhân có thể mang đến tai ương cho toàn bộ nhân loại, nhưng quyền quyết định lại do một người nắm giữ là điều vô cùng nguy hiểm. Thêm vào đó, việc miền Bắc tuyên bố dùng vũ khí hạt nhân đế tấn công lại càng là mối uy hiếp nghiêm trọng hơn. Tại Đại hội đảng Lao động lần thứ 7 diễn ra vào năm 2016, miền Bắc từng tuyên bố sẽ không tấn công bằng vũ khí hạt nhân trước. Mặc dù không thể tin tưởng hoàn toàn tuyên bố này, nhưng ít nhất khi đó, Bình Nhưỡng không công khai về việc tấn công hật nhân. Vậy nhưng lần này, Bắc Triều Tiên đã “lột mặt nạ” hoàn toàn. Theo pháp lệnh mà nước này vừa thông qua, bản thân việc đàm phán phi hạt nhân hóa là điều không thể. Theo đó, Chính phủ Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol dự kiến sẽ khó xúc tiến “đề xuất táo bạo” nhằm phi hạt nhân hóa toàn diện miền Bắc. Trên thực tế, Bắc Triều Tiên cũng đã từ chối quyết liệt sáng kiến này, và tuyên bố “tuyệt đối không từ bỏ hạt nhân”.

 

Đối phó của Chính phủ và triển vọng

Một quan chức Bộ Ngoại giao Hàn Quốc khẳng định Chính phủ vẫn giữ vững lập trường về việc phi hạt nhân hóa toàn diện Bắc Triều Tiên, tiếp tục xúc tiến phi hạt nhân hóa thông qua đối thoại và ngoại giao.

Mặt khác, quân đội Hàn Quốc cảnh báo sẽ tăng cường năng lực thực thi răn đe mở rộng, đẩy mạnh hơn nữa năng lực răn đe như mở rộng hệ thống phòng thủ ba trụ cột, lập Bộ Tư lệnh chiến lược, khiến miền Bắc không thể sử dụng hạt nhân. Đặc biệt, quân đội cảnh cáo liên quân Hàn-Mỹ sẽ đối phó một cách áp đảo nếu Bắc Triều Tiên sử dụng vũ khí hạt nhân, khiến nước này đi vào con đường “tự diệt vong”.

Trong khi đó, cộng đồng quốc tế cũng đồng loạt lên án mạnh mẽ pháp lệnh về sức mạnh hạt nhân của Bình Nhưỡng. Mỹ nhấn mạnh về chính sách răn đe hạt nhân đã được kiểm chứng và các quy trình liên liên quan. Washington sẽ hợp tác chặt chẽ với các đồng minh để đảm bảo năng lực răn đe với Bình Nhưỡng.

Lựa chọn của ban biên tập