Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Mỹ nâng tiếp lãi suất và những tác động tới kinh tế Hàn Quốc

2022-09-24

Tin tức

ⓒYONHAP News

Sau ba đợt nâng mạnh lãi suất liên tiếp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), lãi suất cơ bản của Washington lại cao hơn Seoul, càng tăng thêm nguy cơ tác động xấu tới nền kinh tế Hàn Quốc. Trong khi đó, tỷ giá won/USD vẫn tiếp tục leo thang, sức ép tăng lãi suất trong nước ngày càng lớn.

   

Mỹ nâng lãi suất

Cục Dự trữ liên bang Mỹ ngày 21/9 đã mở cuộc họp thường kỳ của Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC), công bố quyết định nâng 0,75% lãi suất cơ bản, từ mức 2,25-2,5%/năm lên 3-3,25%/năm. Trước đó, vào tháng 3 năm nay, FED đã nâng 0,25% lãi suất, đặt dấu chấm hết cho thời kỳ lãi suất ở ngưỡng 0% được duy trì kể từ sau khi bùng phát đại dịch COVID-19 vào tháng 3/2020. Sau đó, FED đã 5 lần nâng lãi suất liên tiếp, trong đó ba lần gần đây nhất đều tăng tới 0,75% một lần. Lãi suất hiện tại của Mỹ đang ở mức cao nhất trong vòng 14 năm 8 tháng, kể từ sau tháng 1/2008. Các bước đi nâng lãi suất quyết liệt của FED là nhằm kiểm soát đà lạm phát nghiêm trọng tại nước này. Giá tiêu dùng tại Mỹ tăng tới 9,1% vào tháng 6, sau đó giảm nhẹ xuống 8,5% vào tháng 7, 8,3% vào tháng 8, và được dự báo sẽ tiếp tục giảm. Tuy nhiên, có ý kiến đánh giá rằng tình hình thực tế sẽ còn nghiêm trọng hơn dự báo. Quyết định nâng lãi suất của FED lần này không nằm ngoài dự đoán của thị trường.

 

Sự đảo chiều lãi suất Hàn-Mỹ và tác động tới nền kinh tế Hàn Quốc

Theo quyết định nâng lãi suất của FED, lãi suất cơ bản của Mỹ lại trở nên cao hơn Hàn Quốc chỉ sau một tháng. Nếu lãi suất của Mỹ cao hơn Hàn Quốc thì sẽ có thể xảy ra hiện tượng các nhà đầu tư rút vốn khỏi thị trường Hàn Quốc. Đó là bởi trái phiếu hay đồng USD là những tài sản có tính an toàn cao hơn của Hàn Quốc, nên nếu lãi suất của Mỹ tăng thì dòng vốn ắt sẽ chảy ngược về Mỹ. Trên thực tế, tại thị trường ngoại hối Seoul ngày 22/9, sau khi có quyết định nâng lãi suất của FED, tỷ giá won/USD đóng cửa ở mức 1.409,7 won đổi 1 USD. Trong phiên giao dịch, có lúc tỷ giá còn chạm ngưỡng 1.410 won đổi 1 USD, lần đầu tiên trong vòng 13 năm 6 tháng kể từ phiên giao dịch ngày 31/3/2009, thời điểm khủng hoảng tài chính toàn cầu. Xu hướng tăng giá của đồng USD không khỏi tác động xấu tới xuất khẩu của Hàn Quốc. Không chỉ vậy, việc FED thắt chặt mạnh thanh khoản làm gia tăng khả năng kinh tế Mỹ đình trệ, điều này sẽ tác động tiêu cực tới xuất khẩu của Hàn Quốc, vốn rất nhạy cảm với tình hình kinh tế bên ngoài. Tỷ giá hối đoái tăng mạnh cũng sẽ làm suy giảm năng lực cạnh tranh giá thành của doanh nghiệp Hàn Quốc. Tỷ giá tăng còn kéo giá nhập khẩu tăng, kích thích giá tiêu dùng tăng cao. Theo đó, Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) càng có thêm lý do để tăng lãi suất cơ bản trong nước, không chỉ nhằm phòng ngự cho đồng won, mà còn là để kiểm soát vật giá. Giá tiêu dùng vẫn đang tiếp tục leo thang, nếu BOK nâng tiếp lãi suất thì tiêu thụ nội địa, như tiêu dùng hộ gia đình, đầu tư của doanh nghiệp, sẽ có thể bị co hẹp. Trên thực tế, theo kết quả khảo sát với các doanh nghiệp chế tạo trong nước do Phòng Thương mại và công nghiệp Hàn Quốc (KORCHAM) tiến hành, có hơn 60% doanh nghiệp trả lời đang gặp khó khăn vì lãi suất cao. Điều này cho thấy lãi suất hiện nay đã là cả một gánh nặng lớn đối với doanh nghiệp. Xuất khẩu cũng đang trong xu thế bị co hẹp. Mức tăng xuất khẩu tháng 6 lần đầu ở ngưỡng một con số trong vòng 16 tháng, và duy trì đà này ba tháng liên tiếp cho tới tháng 8. Đặc biệt, trong tháng trước, xuất khẩu chíp bán dẫn, mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Hàn Quốc, đã lần đầu chuyển sang xu hướng giảm trong vòng 26 tháng.

 

Chính phủ Hàn Quốc khẳng định sẽ tích cực đối phó nhanh và quyết liệt để kiểm soát tỷ giá, nhưng không thể nào tránh khỏi hạn chế. Tình hình hiện nay khiến BOK lâm vào tình thế không thể không tăng lãi suất, nên dự kiến kinh tế Hàn Quốc sẽ càng chồng chất khó khăn hơn nữa trong thời gian tới.

Lựa chọn của ban biên tập