Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Nhật Bản sửa đổi chiến lược an ninh, sở hữu năng lực phản công

2022-12-24

Tin tức

ⓒYONHAP NewsGần đây, Nhật Bản có một sự thay đổi lớn trong chính sách an ninh, lập ra căn cứ cho phép nước này sở hữu năng lực phản công, tức có thể tấn công vào quốc gia khác trong tình huống nguy cấp. Động thái này của Tokyo đặt tình hình an ninh Đông Bắc Á đứng trước một bước ngoặt lớn. Đặc biệt, xét tới tình hình hiện nay, rất có thể Trung Quốc hoặc Bắc Triều Tiên sẽ là “đối tượng phản công” của Tokyo. Dư luận lo ngại Nhật Bản có thể sử dụng sức mạnh quân sự nhắm vào bán đảo Hàn Quốc trong tình huống nguy cấp.


Sự chuyển đổi chính sách an ninh của Nhật Bản

Tại cuộc họp Nội các bất thường ngày 16/12, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua ba văn kiện an ninh sửa đổi, gồm gồm “Chiến lược an ninh quốc gia”, “Chiến lược phòng thủ quốc gia” và “Chương trình nâng cao năng lực quốc phòng”, thể hiện quyết tâm tăng cường quân bị. Trong đó, nội dung đáng chú ý nhất là Nhật Bản đề cập tới việc “sở hữu năng lực phản công”.


Trong Chiến lược an ninh quốc gia sửa đổi nhắc đến mối uy hiếp tên lửa từ các nước láng giềng, trong đó chỉ ra rằng Nhật Bản không thể đối phó một cách toàn diện chỉ bằng mạng lưới phòng thủ tên lửa hiện nay, nhấn mạnh nước này cần phải sở hữu được năng lực phản công để răn đe. Tokyo định nghĩa năng lực phản công là việc Lực lượng phòng vệ của Nhật Bản có thể tấn công từ xa vào lãnh thổ của quân địch để phản công một cách hiệu quả. Nói cách khác, nước này có thể tấn công vào quốc gia khác.


Ý nghĩa

Việc một quốc gia sở hữu năng lực phản công trên phương diện tự vệ là điều được Liên hợp quốc công nhận. Tuy nhiên, trong suốt hơn 70 năm qua kể từ sau chiến tranh Thái Bình Dương, Nhật Bản duy trì chính sách “chuyên phòng thủ”, tức Tokyo chỉ được phép phòng thủ, nếu bị tấn công thì Mỹ sẽ đáp trả thay Nhật Bản.


Việc lần này, Nhật Bản đề cập tới khái niệm “sở hữu năng lực phản công” cho thấy một sự thay đổi căn bản, được đánh giá là đã vô hiệu hóa Hiến pháp Hòa bình của nước này, có nội dung “Nhật Bản từ bỏ vĩnh viễn việc sử dụng sức mạnh quân sự làm phương tiện giải quyết tranh chấp quốc tế”. Trên thực tế, nội bộ nước Nhật cũng có ý kiến cho rằng sự sửa đổi lần này là vi hiến. Hãng tin Kyodo chỉ ra rằng Chính phủ Nhật Bản sẽ không tránh khỏi bị dư luận trong nước chỉ trích vì biến khái niệm “chuyên phòng thủ” trong điều 9 Hiến pháp nước này ngày càng trở nên sáo rỗng.


Để sở hữu năng lực phản công, một điều tối cần thiết là Tokyo sẽ phải sở hữu được vũ khí tấn công từ xa. Chính phủ Nhật Bản đã công bố kế hoạch tăng cường quân bị theo phương hướng này. Nước này quyết định nhập tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ có tầm bắn trên 1.250 km, và nâng tầm bắn của tên lửa dẫn đường đất đối hạm Type-12, một loại tên lửa mà Nhật Bản tự phát triển, lên trên 1.000 km, để có thể phóng từ máy bay chiến đấu và tàu chiến. Ngoài ra, nước này sẽ nâng chi tiêu quốc phòng, hiện đang chiếm 1% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lên thành 2% trong ngân sách năm 2027.


Tác động

Sự thay đổi trong chính sách an ninh của Nhật Bản nói trên dự kiến sẽ càng kích động cuộc chạy đua quân bị tại khu vực Đông Bắc Á, kéo theo đó là căng thẳng dâng cao trong khu vực. Đặc biệt, đối với Hàn Quốc, quốc gia vẫn còn bị ám ảnh về thời kỳ đô hộ của đế quốc Nhật, thì mối lo ngại ấy lại càng lớn hơn, vì không khác nào Nhật Bản cho phép nước này có thể tấn công quân sự vào bán đảo Hàn Quốc nếu xảy ra tình huống nguy cấp. Theo Hiến pháp Hàn Quốc, khu vực Bắc Triều Tiên cũng được coi là lãnh thổ miền Bắc của nước này, nên hành động quân sự của Tokyo dù nhắm vào Bình Nhưỡng cũng sẽ bị coi là sự xâm phạm chủ quyền rõ ràng.


Hàn Quốc và Nhật Bản hiện là những đối tác an ninh quan trọng của nhau, phải duy trì sự hợp tác chặt chẽ trong khuôn khổ phối hợp an ninh ba bên Hàn-Mỹ-Nhật. Vậy nhưng, nếu Nhật Bản có hành động quân sự trên bán đảo Hàn Quốc thì tình hình sẽ hoàn toàn khác đi. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ngay lập tức đã đưa ra lập trường rằng Nhật Bản phải thảo luận trước một cách chặt chẽ và được sự đồng ý của Hàn Quốc trong các vấn đề có ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh bán đảo Hàn Quốc và lợi ích quốc gia của Seoul.

Lựa chọn của ban biên tập