Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Ủy ban điều tra đặc biệt tại Quốc hội về thảm họa Itaewon chính thức hoạt động

2022-12-24

Tin tức

ⓒYONHAP NewsỦy ban điều tra đặc biệt tại Quốc hội về thảm họa giẫm đạp Itaewon ngày 21/12 đã chính thức hoạt động bình thường kể từ sau khi thành lập, do các ủy viên của đảng cầm quyền Sức mạnh quốc dân quyết định quay trở lại ủy ban, trong bối cảnh còn chưa đầy 20 ngày nữa là hết thời hạn điều trần.


Khởi động Ủy ban điều tra đặc biệt tại Quốc hội

Sáng cùng ngày, các ủy viên của Ủy ban điều tra đặc biệt đã tới viếng các nạn nhân trong thảm họa Itaewon tại bàn thờ chung đặt tại ga Noksapyeong (Seoul). Sau đó, Ủy ban đã bắt tay vào điều tra tại đồn cảnh sát phường Itaewon (quận Yongsan), Sở Cảnh sát thành phố Seoul, Tòa thị chính Seoul.


Ủy ban điều tra đặc biệt gồm 9 ủy viên của đảng Dân chủ đồng hành, đảng đối lập lớn nhất Quốc hội Hàn Quốc, 7 ủy viên của đảng cầm quyền Sức mạnh quốc dân, 2 ủy viên của các đảng nhỏ khác. Vị trí Chủ tịch Ủy ban do đảng Dân chủ đồng hành nắm giữ. Thời gian hoạt động của ủy ban là 45 ngày, tính từ ngày chính thức ra mắt vào 24/11, có thể biểu quyết gia hạn tại phiên họp toàn thể Quốc hội.


Đối tượng điều tra của Ủy ban này là các cơ quan có liên quan tới thảm họa Itaewon gồm Sở Cảnh sát thành phố Seoul, Sở Cảnh sát quận Yongsan, Trung tâm cứu nạn khẩn cấp thành phố Seoul (tổng đài 119), Sở Phòng cháy chữa cháy quận Yongsan, chính quyền quận Yongsan và thành phố Seoul. Ngoài ra, đối tượng điều tra còn bao gồm Văn phòng theo dõi tình hình quốc gia và Trung tâm quản lý khủng hoảng quốc gia thuộc Văn phòng Tổng thống, Văn phòng Thủ tướng, Bộ Hành chính và an toàn, Bộ Y tế và phúc lợi, Viện Kiểm sát tối cao, Cơ quan Cảnh sát quốc gia, Cơ quan Phòng cháy chữa cháy.


Trước đó, các ủy viên của đảng cầm quyền đã xin rút khỏi Ủy ban điều tra đặc biệt nhằm phản đối việc đảng đối lập Dân chủ đồng hành đơn phương thông qua dự thảo kiến nghị bãi nhiệm Bộ trưởng Hành chính và an toàn Lee Sang-min tại phiên họp toàn thể Quốc hội ngày 11/12. Tới ngày 20/12 vừa qua, các ủy viên này và Đại diện đảng cầm quyền Joo Ho-young đã có buổi tọa đàm với hơn 10 gia quyến các nạn nhân tại Quốc hội. Sau buổi tọa đàm, ông Joo đã kêu gọi các ủy viên quay lại Ủy ban điều tra đặc biệt để tham gia vào quá trình điều trần về thảm họa Itaewon tại Quốc hội, và các ủy viên đã chấp nhận khuyến nghị này.


Thảm họa Itaewon

Thảm họa Itaewon xảy ra vào đêm ngày 29/10 trước thềm lễ hội Halloween, khi dòng người đổ về một con hẻm nhỏ ở khu phố Itaewon (quận Yongsan, Seoul) quá đông, dẫn tới ngã đè lên nhau, khiến 158 người thiệt mạng, trong đó có 26 người nước ngoài, và 197 người bị thương. Gần đây, một học sinh trung học phổ thông sống sót sau thảm họa đã tự tử, được phỏng đoán là do không thể vượt qua được sang chấn tâm lý quá lớn, và được tính là nạn nhân thiệt mạng thứ 159 của thảm họa này.


Dư luận chỉ ra rằng thảm họa Itaewon lẽ ra đã không xảy ra, hoặc ít thương vong hơn nếu các cơ quan hữu quan có biện pháp ứng phó phù hợp, tức đây là một sự cố do sai sót của con người. Trước khi xảy ra thảm họa tang thương này, đã có nhiều cuộc gọi về tổng đài 112 của Cơ quan Cảnh sát, thông báo về tình hình nguy hiểm tại hiện trường, tuy nhiên các cơ quan hữu quan đã ứng phó quá muộn màng.


Những sai sót này cũng đang dần lộ ra trong quá trình điều tra nội bộ và điều tra toàn bộ thảm họa của Cơ quan Cảnh sát. Tuy nhiên, đảng đối lập vẫn yêu cầu phải tổ chức phiên điều trần tại Quốc hội, bởi cho rằng quá trình điều tra của Cảnh sát là chưa đủ để làm rõ nguyên nhân xảy ra sự việc. Sau đó, đảng cầm quyền đã chấp nhận yêu cầu của đảng đối lập, cân nhắc tới dư luận trong nước, cũng như việc cần thiết sớm thông qua dự thảo ngân sách năm 2023. Cuối cùng, Ủy ban điều tra đặc biệt tại Quốc hội về thảm họa giẫm đạp Itaewon đã được ra mắt vào 24/11. Tuy nhiên, phải tới lúc này Ủy ban mới bắt đầu đi vào hoạt động bình thường.


Lịch trình và triển vọng thời gian tới

Các ủy viên của đảng cầm quyền cho biết đã quyết định quay trở lại Ủy ban điều tra đặc biệt tại Quốc hội nhằm ngăn chặn đảng Dân chủ đồng hành đơn phương tiến hành phiên điều trần, châm ngòi tranh cãi chính trị; đồng thời nhằm đưa Ủy ban đạt được mục đích đề ra là làm rõ nguyên nhân thảm họa, truy cứu trách nhiệm và lập đối sách phòng ngừa tái diễn sự cố tương tự. Trong thời gian tới, Ủy ban sẽ nghe các cơ quan hữu quan báo cáo, tiến hành điều tra hiện trường và tổ chức các buổi chất vấn.


Mặc dù đã hoạt động bình thường trở lại nhưng vẫn chưa rõ liệu Ủy ban điều tra đặc biệt tại Quốc hội có đạt được thành quả cụ thể nào hay không, do đảng cầm quyền và đối lập vẫn đang xung đột ý kiến về từng vấn đề cụ thể như trình nộp tài liệu, lựa chọn nhân chứng. Trên thực tế, trong tổng số 27 lần Quốc hội lập ra Ủy ban điều tra đặc biệt, mới chỉ có 12 lần thông qua được báo cáo kết quả điều trần. Tuy nhiên, lần này dư luận cũng đồng tình rộng rãi về việc thành lập Ủy ban điều tra đặc biệt về thảm họa giẫm đạp Itaewon, nên chỉ cần hai bên tránh được những vấn đề xung đột nghiêm trọng thì cũng có thể sẽ đạt được thành quả tốt đẹp.

Lựa chọn của ban biên tập