Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lối sống

Giải đáp thắc mắc về các danh nhân trên đồng tiền Hàn Quốc và giới thiệu Nông trại cừu Daegwannyeong.

2014-02-23

Question 1
Câu hỏi 1 :
"Chào ban biên tập tiếng Việt của đài KBS World Radio. Em là một thính giả đang học phổ thông, đến từ Việt Nam. Thông qua Kpop, em đã tự học tiếng Hàn được gần hai năm nay. Càng học thì em lại càng thấy say mê với văn hóa và lịch sử của Hàn Quốc. Mơ ước của em là sau này sẽ được sang Hàn Quốc để học tập và du lịch. Vừa qua, một người bạn đang ở Hàn Quốc có gửi cho em món quà là bộ sưu tập các đồng tiền đủ mọi mệnh giá của Hàn Quốc. Em muốn nhờ chương trình giải đáp thắc mắc cho em về các nhân vật xuất hiện trên tiền xu cũng như tiền giấy của Hàn Quốc."


Answer 1
Trả lời 1:
Chào bạn Phương Mai. Chúng tôi rất vui khi thấy bạn quan tâm và yêu mến Hàn Quốc. Chúng tôi tin rằng với tinh thần cầu thị, hiếu học, chắc chắn giấc mơ đến Hàn Quốc của bạn sẽ trở thành hiện thực trong thời gian tới. Theo chúng tôi thì câu hỏi của bạn đề cập đến một chủ đề vô cùng thú vị. Bởi ngoài chức năng là phương tiện thiết yếu dùng để lưu thông trong xã hội loài người, thì đồng tiền còn là một thấu kính, thu lại trong đó lịch sử, văn hóa, chính trị, xã hội của cả một dân tộc. Các quốc gia lấy các biểu tượng đa dạng, phong phú như công trình kiến trúc, danh lam thắng cảnh, động vật, thực vật, và nhiều nhất là các danh nhân, để in trên đồng tiền của nước mình.

Để trở thành danh nhân tiêu biểu xuất hiện trên đồng tiền của một quốc gia thì danh nhân đó không chỉ có sự nghiệp lừng lẫy, lớn lao mà còn phải đại diện cho một thời kỳ lịch sử tiêu biểu, được cả dân tộc tôn kính. Sự xuất hiện của danh nhân trên đồng tiền phải đảm bảo sự dung hòa về tôn giáo, chính trị, xã hội và đem lại các giá trị tinh thần cho dân tộc xuyên suốt quá trình lịch sử từ quá khứ cho đến hiện tại và cả tương lai. Tại Việt Nam, hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh được in trên tiền giấy từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, thể hiện sự tôn kính của cả dân tộc với nhà văn hóa, người anh hùng đấu tranh giành độc lập cho đất nước cũng như để khẳng định chủ quyền, tự do của dân tộc. Ngoài những tiêu chí lựa chọn danh nhân được đề cập phía trên, sự xuất hiện của các danh nhân trên đồng tiền Hàn Quốc cũng trải qua những thăng trầm lịch sử riêng.

Tính theo mệnh giá từ nhỏ đến lớn, Hàn Quốc có các đồng tiền xu 10 won, 50 won và 500 won; tiền giấy là 1.000 won, 5.000 won, 10.000 won và 50.000 won. Danh nhân xuất hiện trên tiền xu mệnh giá 100 won là tướng Yi Sun-shin (이순신), sinh năm 1545 và mất năm 1598. Ông được biết đến là một vị đô đốc nổi tiếng của triều đại Joseon, lập nhiều chiến công trong các trận chiến chống lực lượng hải quân Nhật Bản trong cuộc kháng chiến chống Nhật(1592-1598). Yi Sun-shin là một vị tướng yêu nước, nhà chiến lược tài ba của hải quân triều đại Joseon. Ông còn được vinh danh là một trong 10 tướng quân vĩ đại nhất trong lịch sử hải quân thế giới. Ông chính là người đã sáng chế ra tàu chiến bọc thép đầu tiên trên thế giới mang tên Geobukseon hay còn gọi là tàu Con Rùa. Nhờ việc huấn luyện kĩ càng lực lượng hải quân cùng sức mạnh của tàu Con Rùa mà ông đã lập nên chiến công hiển hách đầu tiên khi chạm trán với quân Nhật vào năm 1592. Ngoài hình ảnh xuất hiện trên đồng xu có mệnh giá 100 won, tượng đài tướng quân Yi Sun-shin được dựng ở nhiều thành phố với tư cách người anh hùng gìn giữ hòa bình, độc lập cho dân tộc Hàn.

Danh nhân tiếp theo xuất hiện trên tiền giấy mệnh giá 1.000won là học giả Yi Hwang (이황-李滉) hiệu là Thối Khê (Toegye-퇴계退溪, có nghĩa là “lui về trên núi”). Học giả Yi Hwang sinh năm 1501, mất năm 1570. Ông được triều đình trọng vọng đến mức giao cho ông nắm giữ 140 chức trách trước khi từ giã cõi đời ở tuổi 70. Yi Hwang đã từng 79 lần xin từ chức và nói rõ nguyện vọng, ông không coi trọng quyền cao chức trọng, vinh hoa phú quý mà muốn theo đuổi con đường học vấn. Yi Hwang luôn mong muốn tìm hiểu đạo lý của con người thông qua những quan sát, suy ngẫm về sự vật và cuộc sống. Lấy học thuyết Lý Khí (coi Nguyên lý và Sinh khí của một vật như hai yếu tố có quan hệ tương hỗ “một mà hai, hai mà một”) làm tư tưởng chủ đạo, Yi Hwang đã thành lập thư viện Dosan (도산서원), tận tâm với việc nghiên cứu và đào tạo hậu duệ. Ông được biết đến như một nhà triết học giáo dục vĩ đại nhất thời Joseon.

Danh nhân xuất hiện trên tờ tiền mệnh giá 5.000 won của Hàn Quốc là Yi I. (이이-李珥, Lý Nhị) (1536–1584), hiệu là Yulgok (율곡- 栗谷, Lật Cốc), tự là Sukheon (숙헌-叔獻, Thúc Hiến). Cùng với Yi Hwang, Yi I cũng là một học giả hàng đầu của Joseon. Song, nếu như Yi Hwang từ bỏ quan chức thì Yi I là người đưa học vấn vào trong hoạt động chính trị. Cuộc đời của học giả Yi I là cuộc đời của một trí thức chân chính, có con mắt tinh tường và tình cảm nồng cháy luôn hướng về quốc gia, hướng về nhân dân. Ông được gọi là "Cửu Độ Trạng Nguyên Công" vì đã đỗ đầu bảng trong chín lần tham gia các kỳ khoa cử. Chủ trương đầy tính cải cách và thực tiễn của ông về sau đã trở thành kim chỉ nam, dẫn dắt, hình thành nên học phái Kiho (Kì Hồ học phái), nhóm các nhà Nho học ở một số địa phương theo tư tưởng của Yi I. Yi I đã trở thành người có cống hiến to lớn cho sự phát triển của Nho học thời Joseon, thành sức mạnh hoạt động của giới học giả sau này.

Nhân vật tiếp theo xuất hiện trên tờ tiền mệnh giá 10.000 won Hàn Quốc là vua Sejong (세종- 世宗, Thế Tông). Vua Sejong sinh ngày 15 tháng 5 năm 1397, là con trai thứ ba của vua Taejong (태종-太宗, Thái Tông). Thành tích tiêu biểu nhất về mặt chính trị của vua Sejong chính là lập ra bảng chữ cái tiếng Hàn Hangeul. Lịch sử đã trải qua hàng nghìn năm nhưng tới tận lúc bấy giờ, người dân trên bán đảo Hàn Quốc vẫn không có chữ viết riêng mà phải mượn chữ Hán của Trung Quốc. Vì thế, nhằm giúp những người dân không biết chữ Hán cũng có thể dễ dàng đọc được chữ, vua Sejong đã sáng tạo nên 28 chữ cái bao gồm cả nguyên âm và phụ âm căn cứ trên cơ quan phát âm để làm nên loại văn tự có tính sáng tạo độc đáo và tiện lợi, có thể viết được theo âm đọc. Với phương châm “Làm cho bách tính của ta sống đúng nghĩa con người”, ông đã phát triển chính sách nho giáo mang tính lý tưởng và tạo nên kỳ tích cho triều đại Joseon thế kỷ 15. Hậu thế vẫn gọi ông là Daewang (Đại vương), vị vua xây dựng nên thời kỳ hoàng kim của triều đại Joseon.

Một điều thú vị là nếu học giả Yi I được in hình lên đồng 5.000 won thì mẹ của ông, bà Shin Saimdang (신사임당-申師任堂, Sư Nhậm Đường) (1504-1551), lại được chọn để in hình lên đồng tiền mệnh giá cao nhất 50.000 won. Bà nổi tiếng trong lịch sử với nhiều tư cách, vừa là nữ nghệ sĩ tiêu biểu của giai đoạn trung kỳ thời Joseon, vừa là một người mẹ với nhân cách tuyệt vời đã đào tạo nên một học giả thiên tài. Lớn lên trong một gia đình coi trọng mẫu hệ nên từ nhỏ, Shin Saimdang đã có điều kiện thể hiện tài năng trong việc vẽ tranh, thêu thùa cũng như thơ văn, học hỏi kiến thức sâu rộng về Nho giáo. Sau khi kết hôn, bà tự đặt cho mình tên hiệu là Saimdang (Sư Nhậm Đường) với ý nghĩa là noi theo tấm gương của bà Thái Nhậm, mẹ của bậc thánh quân nhà Chu của Trung Quốc là vua Văn Vương. Ở thời Joseon, nhiều người cho rằng tài đức của danh nhân Yi I chính là nhờ được bà Shin Saimdang nuôi dưỡng giáo dục từ thuở còn trong bụng mẹ. Chính bởi những phẩm chất đó nên bà còn được biết đến với biệt danh “Bà mẹ thông thái” và là hình mẫu lý tưởng “mẹ hiền dâu thảo” (현모양처) của người phụ nữ Hàn Quốc. Hình ảnh bà Shin Saimdang được in trên đồng tiền có mệnh giá lớn nhất tại Hàn Quốc vào năm 2009 đã truyền đi thông điệp của chính phủ Hàn Quốc cổ vũ bình đẳng giới và sự tham gia của phụ nữ vào hoạt động xã hội.


Question 2
Câu hỏi 2 :
"Kính chào chương trình. Mình sống ở thủ đô Seoul được gần tám năm nay. Vừa rồi, mình đã thi đỗ bằng lái xe và được “ông xã” tặng cho một chiếc xe ô tô nhỏ để tiện đi làm. Sắp tới, khi thời tiết dần ấm lên,mình muốn dành cho ông xã và hai cậu con trai, một lên 7 tuổi, một lên 5 tuổi, một món quà thú vị là chở cả gia đình đi chơi xa một chuyến. Mình và ông xã đều bận đi làm nên cơ hội để cả gia đình cùng đi chơi với nhau rất hiếm. Nhân dịp này, mình muốn tìm một địa điểm thăm quan có phong cảnh đẹp, không khí thoáng đãng thích hợp với việc nghỉ ngơi, khám phá thiên nhiên. "


Answer 2
Trả lời 2:
Chào chị Minh Anh. Chúng tôi rất đồng tình với kế hoạch bất ngờ và thú vị mà chị chuẩn bị dành tặng gia đình mình. Nhân dịp này, chúng tôi xin giới thiệu tới chị Minh Anh và tất cả các quý vị thính giả một địa điểm thăm quan vô cùng hấp dẫn là Nông trại cừu Daegwalnyeong (대관령 양떼목장). Đây vừa là nơi có phong cảnh hữu tình, lại vừa có hoạt động giao lưu, trải nghiệm cùng thiên nhiên nên chắc chắn gia đình chị Minh Anh và đặc biệt là các con của chị sẽ rất thích. Như quý vị cũng biết, trong đời sống văn hóa của người Hàn Quốc, cừu cũng là một trong những loài động vật có vai trò vô cùng quan trọng. Cừu xuất hiện trong 12 con giáp ở Hàn Quốc, tương đương với con dê trong 12 con giáp ở Việt Nam.

Từ xa xưa, trong Kinh Thánh kể về chuyện Chúa giáng sinh trong hang đá, trong số các con thú đứng nằm xung quanh Chúa hài đồng luôn có cừu
cùng với lừa và bò là nhân chứng cho việc Chúa giáng sinh. Chúa Giêsu
được mô tả như là kẻ chăn dắt với những con cừu là giáo dân hay còn gọi là con chiên. Trong văn hóa du mục hay văn hóa phương Tây, nơi những con
cừu trở thành loại gia súc phổ biến nhất của ngành chăn nuôi, nếu gọi ai đó là con cừu hoặc con cừu non có thể ám chỉ hay liên tưởng rằng họ là
người hiền lành, ngoan ngoãn đến nhút nhát và dễ dàng bị điều khiển, nếu không muốn nói rằng là những kẻ khờ khạo.

Nông trại cừu Daegwalnyeong có địa chỉ tại số 14-104 Thôn Hoenggye (Hoenggye-ri), huyện Daegwalnyeong (Daegwalnyeong-myeon), Quận Pyeongchang (Pyeongchang-gun), tỉnh Gangwon (Gangwon-do). Nông trại cừu Daegwalnyeong là nông trại cừu duy nhất hiện có tại Hàn Quốc với diện tích 204,959 m2. Đây là địa điểm được quy hoạch hài hòa, kết hợp giữa thảo nguyên và nông trại cừu. Khác với các thảo nguyên bằng phẳng hay gặp ở nước Mỹ hay Mông Cổ, đây là vùng thảo nguyên địa hình núi và là cao nguyên nhân tạo được xây dựng bằng nỗ lực của con người từ năm 1972. Trong những năm 1990, một phần của nông trại vẫn mở cửa đón khách thăm quan miễn phí, nhưng càng về sau, do xe ô tô đi lại quá nhiều nên cho đến nay, toàn bộ nông trại đã được quy hoạch, cấm các phương tiện cơ giới vào bên trong. Tuy ở trong nông trại cũng có xe buýt phục vụ khách thăm quan, nhưng quãng đường này chỉ dài khoảng 4 km từ Văn phòng quản lý nông trại đến Đài quan sát Donghae (동해전망대). Gần đài quan sát Donghae, quan khách cũng có thể chiêm ngưỡng và chụp ảnh cùng những chiếc tua-bin màu trắng, mỗi chiếc cao tới 60 m. Đây là một phần trong dự án khai thác điện bằng gió (phong điện) lớn nhất trên toàn quốc được xây dựng tại nông trại vào năm 2006.

Du khách muốn thử sức khám phá nông trại rộng lớn này có thể sử dụng xe đạp địa hình và tham gia quãng đường dành cho xe đạp dài 25 km kéo dài từ Văn phòng quản lý nông trại, đi qua Đài quan sát Donghae và lên đến nơi cao nhất của nông trại là đỉnh núi Sohwangbyeong (소황병산) cao 1.430m. Khi đứng trên đỉnh núi này, du khách có thể quan sát được toàn cảnh nông trại, đỉnh núi Odae (오대산) ở phía Tây và thung lũng phía Bắc.

Những gia đình có con nhỏ hoặc các du khách không muốn sử dụng xe đạp, cũng có thể đi bộ thăm quan nông trại. Giữa không gian thảo nguyên rộng lớn là quãng đường đi bộ (산책로) uốn lượn dài 1.2 km, chiếm khoảng 40 phút. Khi lên đến đỉnh đồi du khách có thể bắt gặp chiếc chòi có đánh dấu nơi quay bộ phim điện ảnh "Chàng trai lên sao hỏa" (화성으로 간 사나이, A Man Who Went To Mars) được công chiếu từ năm 2003. Nơi đây còn đặt một chiếc đàn piano, tạo nên một bầu không khí vô cùng lãng mạn. Đến mùa đông, khu vực dốc lên đỉnh đồi biến thành khu trượt ván tuyết vô cùng sôi động.

Sau khi đi thăm quan cảnh trí nông trại, du khách có thể nghỉ ngơi, ăn uống tại cửa hàng nhỏ trong nông trai. Một hoạt động mà các em nhỏ rất thích khi đến đây là cho cừu ăn. Tùy theo mùa và thời tiết mà cừu có thể được thả trên thảo nguyên hoặc được chăm sóc trong chuồng. Du khách có thể tham gia hoạt động cho cừu ăn, các em bé có cơ hội được tiếp xúc, vuốt ve những chú cừu quanh năm sống nơi thảo nguyên với không khí trong lành. Lệ phí tham gia hoạt động cho cừu ăn là 4.000 won cho người lớn và 3.500 won cho trẻ em.
Cửa vào nông trại có bãi đỗ xe miễn phí. Khách thăm quan muốn nghỉ dài ngày tại đây có thể tìm hiểu các nhà nghỉ tập trung xung quanh cổng vào nông trại hoặc nghỉ ngơi tại Khu nghỉ dưỡng Yongpyeong (용평리조트). Thời gian mở cửa của nông trại là từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Vào mùa đông, nông trại đóng cửa lúc 4 giờ 30 phút chiều.
Quý thính giả muốn sử dụng phương tiện giao thông công cộng có thể xuất phát tại Bến xe Đông Seoul (동서울터미널) đến Bến xe buýt ngoại ô Hoenggye (횡계시외버스터미널) với hành trình 2 giờ 30 phút. Khi đến Bến xe buýt Hoenggye, vì không có xe buýt đến nông trại, nên các bạn phải đi tắc-xi mất khoảng 7.000 won.

Lựa chọn của ban biên tập