Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lối sống

Giải đáp thắc mắc về Công viên quốc gia núi Seorak và giới thiệu về "Đề án hỗ trợ cho gia đình đa văn hóa ở nông thôn" tại Hàn Quốc

2014-03-23

Question 1
Câu hỏi 1 :
Chào chương trình, em là học sinh đại học mới nhập học tại trường Đại học Gangwon ở thành phố Chuncheon, tỉnh Gangwon, trong học kỳ mùa xuân năm nay. Tuy không có cơ hội được học tập giữa thủ đô Seoul nhộn nhịp, nhưng em rất thích không khí trong lành và sự chân tình của con người tại Gangwon. Sắp tới sau khi ổn định việc học tập tại trường, em muốn tranh thủ đi du lịch để khám phá các danh lam thắng cảnh ở nơi đây. Chương trình có thể giới thiệu cho em một địa chỉ du lịch tiêu biểu tại tỉnh Gangwon được không ạ?


Answer 1
Trả lời 1:
Đúng như bạn chia sẻ, Gangwon nằm ở phía đông của Hàn Quốc, một tỉnh có tới 82% các dãy núi bao phủ diện tích đất, tạo ra nhiều cảnh đẹp với các khu vực thưa dân cư hơn các tỉnh khác. Cả những dãy núi trùng điệp, cây cối rậm rạp, hẻm núi lẫn các thị trấn nhỏ ven biển đều đẹp rực rỡ. Với những điều kiện tự nhiên này, Gangwon là địa điểm lý tưởng cho Đại hội Thể thao Mùa đông châu Á lần thứ 4 vào tháng 1 năm 1999. Triển lãm Du lịch Quốc tế (ITE) cũng được tổ chức ở đây từ 11 tháng 9 đến hết 30 tháng 10 năm 1999. Tỉnh Gangwon còn được biết đến như một địa điểm du lịch mùa đông được yêu thích tại Châu Á với hòn đảo nghỉ mát Nami. Đảo này là nơi khởi nguyên làn sóng Hàn Quốc (Hallyu) và được nhiều du khách biết đến sau khi bộ phim truyền hình Hàn Quốc “Bản tình ca Mùa đông” được quay tại đây.

Công viên quốc gia núi Seorak (설악산국립공원) có địa chỉ tại số 833 Đường Seoraksan (Seoraksan-ro), Thành phố Sokcho (Sokcho-si), tỉnh Gangwon (Gangwon-do). Nằm trong quần thể công viên quốc gia, núi Seorak được xếp hạng cao thứ 3 ở Hàn Quốc, sau núi Halla (한라산)(1.950 mét) và Jiri (지리산) (1.915 mét). Núi Seorak có khoảng 700 chỏm núi, trong đó đỉnh núi cao nhất là đỉnh Daecheong (대청봉) cao 1.708 mét so với mực nước biển. Trong tiếng Hán, Seorak (雪嶽) có nghĩa là "Tuyết Nhạc", tức ngọn núi tuyết cao lớn. Với độ cao 1.708 mét, núi Seorak là dãy núi cao thứ 3 tại Hàn Quốc. Dãy núi này được xem là xương sống của bán đảo Hàn Quốc.

Dãy núi Seorak trải dài qua 4 thị trấn, thành phố và huyện của tỉnh Gangwon, đó là thành phố Sokcho (속초), huyện Yangyang (양양), huyện Goseong (고성), huyện Inje (인제). Trước đây, du khách không thể tới được núi Seorak vì bốn phía là thung lũng, sông ngòi, đại dương và địa hình hiểm trở. Đầu thập niên 1950, sau khi cuộc chiến tranh Triều Tiên kết thúc, chính quyền địa phương bắt đầu cho mở đường vào núi. Từ đó, nét đẹp của vùng núi Seorak bắt đầu được nhiều người biết đến.

Vùng núi này là nơi cư trú của hơn 800 loài thực vật với hơn 1.000 loại cây và 1.500 loài động vật, trong đó có loài gấu đen châu Á – biểu tượng của tỉnh Gangwon, một loài thú quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới. Năm 1965, núi Seorak được công nhận là tài sản thiên nhiên quốc gia số 171 (천연기념물 제171호), và đến năm 1973 trở thành Công viên quốc gia của Hàn Quốc. Năm 1982 Công viên quốc gia núi Seorak đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới và được kênh Travel của Đài CNN của Mỹ bầu chọn là một trong năm điểm leo núi hấp dẫn nhất Hàn Quốc.

Công viên quốc gia núi Seorak có bốn mùa rõ rệt. Mùa nào đến đây, du khách cũng đều ngỡ ngàng trước vẻ kỳ vĩ của thiên nhiên dành tặng cho khu vực này. Vào mùa xuân, núi Seorak tràn ngập màu hoa; mùa hè nổi bật với những thác nước trong xanh; mùa thu với thảm lá đỏ rực và cả một vùng tuyết trắng phủ kín vào mùa đông. Mùa thu ở Hàn Quốc bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 11, nhưng thời điểm đẹp nhất để tham quan công viên quốc gia núi Seorak là từ 29/9 đến 10/10. Trên độ cao hơn nghìn mét, du khách sẽ có dịp chiêm ngưỡng những rừng cây lá vàng, lá đỏ trải dài như bất tận đan xen trong mây và núi tạo nên một cảnh quan vô cùng ngoạn mục và kỳ thú. Đây cũng là thời điểm thích hợp để những người thích leo núi chinh phục đỉnh Seorak.

Để khám phá vẻ đẹp tráng lệ, tự nhiên của vùng núi này, bạn hãy đến với thung lũng Cheonbuldong (천불동계곡), đây là thung lũng nổi tiếng nhất của dãy núi Seorak. Cheonbuldong chạy dài 15 km, nối liền từ suối Biseondae (비선대) tới đỉnh Daecheong (대청봉). Vào mùa thu, thung lũng ngập tràn sắc đỏ của rừng phong, hai bên là những vách đá, những khối đá khổng lồ với đủ mọi hình thù kỳ lạ, trông như hàng nghìn pho tượng phật an nhiên, tự tại giữa trời xanh. Một cảnh đẹp ngoạn mục mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho nơi này.

Để phục vụ nhu cầu của khách thăm quan, Công viên quốc gia núi Seorak còn lắp đặt hệ thống cáp treo từ chân núi cho đến Gwongeumseong (권금성). Sau khoảng 10 phút ngồi trên cáp treo thưởng ngoạn những góc nhìn đẹp nhất khu vực núi Seorak, bạn sẽ đến với phế tích pháo đài đá Gwongeumseong dài 300m nằm trên đỉnh núi. Tương truyền, pháo đài này được xây dựng từ thế kỷ thứ 13 để chống lại quân Mông Cổ xâm lăng. Du lịch tâm linh tại Công viên quốc gia núi Seorak cũng nổi tiếng với nhiều ngôi đền có kiến trúc đẹp măt và ấn tượng, trong đó có ngôi chùa cổ Sinheung (신흥사) nổi bật với bức tượng Phật mạ đồng nặng 108 tấn, cao 14,6m, tọa trên đòa sen ở ngay lối vào. Pháp nhãn của đức Phật được gắn 8 miếng đá hổ phách lớn tạo nên hình bông hoa với một miếng ngọc bích đường kính 10cm ở trung tâm làm nhụy. Đức Phật dựa lưng vào núi tạo nên bức tranh dung hòa giữa thánh địa Phật môn và cao sơn.

Lệ phí vào cửa Công viên quốc gia núi Seorak là 3.500won (tương đương 3USD) cho người lớn, 1.000won (tương đương gần 1 USD) cho trẻ em. Lệ phí sử dụng dịch vụ cáp treo là 9.000won (tương đương gần 9 USD) cho người lớn và 6.000won (tương đương gần 6 USD) cho trẻ em. Từ Seoul, các bạn có thể xuất phát từ Bến xe buýt Gangnam (강남고속버스터미널) đến Bến xe buýt Yangyang (양양고속터미널) với hành trình mất khoảng 2 giờ 55 phút. Tại Bến xe buýt Yangyang, các bạn chuyển sang Bến xe buýt ngoại ô Yangyang (양양시외버스터미널) cách đó 5 phút đi bộ và bắt xe buýt đi đến Bến xe buýt Osek (오색버스정류장) với hành trình khoảng 20 phút. Từ bến xe buýt Osek, khách du lịch phải sử dụng tắc xi đến Cổng Hollimgol (홀림골입구) với hành trình khoảng 10 phút với lệ phí khoảng 3.000won (tương đương gần 3 USD). Ngoài Công viên quốc gia núi Seorak, du khách cũng có thể thăm quan các khu nghỉ dưỡng và danh lam thắng cảnh khác tại thành phố Sokcho như suối nước nóng Cheoksan (척산온천), chợ thủy sản Sokcho (속초관광수산시장), bảo tàng Sokcho (속초시립박물관).


Question 2
Câu hỏi 2 :
Chào KBS. Mình đã sang Hàn được ba năm rồi. Lúc đầu khi mới sang vì chưa quen khí hậu, đồ ăn nên mình đã rất buồn và vất vả. Nhưng bây giờ thì mình cũng đã thích nghi được phần nào với cuộc sống nơi đây. Tuy nhiên nơi mình sống cùng gia đình nhà chồng là ở một vùng núi cao thuộc huyện Goseong của tỉnh Gangwon. Vì ở nơi hẻo lánh, không có nhiều phương tiện đi lại nên mình rất buồn. Thỉnh thoảng mình cũng ra ruộng giúp chồng nhưng vì chưa hiểu tiếng và không biết nhiều về công việc làm nông cho nên những việc mình có thể làm cũng rất hạn chế. Mình phải làm sao để có thể thích ứng nhanh hơn với cuộc sống hiện tại?


Answer 2
Trả lời 2:
Không chỉ riêng người nước ngoài mà những người dân Hàn Quốc sống tại các vùng núi cũng gặp phải nhiều khó khăn trong giao thông cũng như hoạt động kinh tế, văn hóa tinh thần...Đặc biệt, nơi chị sống lại là vùng núi Gangwon, nơi có khí hậu lạnh và lượng tuyết dày trong mùa đông. Bởi vậy, việc bảo vệ sức khỏe để thích nghi với sự thay đổi của thời tiết rất quan trọng và cần thiết. Bên cạnh đó, hoạt động nông nghiệp mà chủ yếu là nuôi gia súc, trồng trọt tại các khu vực nhiều đồi núi cũng mất rất nhiều công sức cải tạo, chăm bón...

Theo kết quả thống kê của Chính phủ Hàn Quốc năm 2008, số nam giới Hàn Quốc kết hôn nước ngoài sống tại khu vực nông thôn là 2.472 người, chiếm 38% tổng số người kết hôn với người nước ngoài. Cùng với sự gia tăng của các gia đình đa văn hóa tại nông thôn, vai trò của những phụ nữ nhập cư trong quá trình phát triển địa phương cũng rất được coi trọng. Tháng 2 năm 2010, Chính phủ Hàn Quốc đã xây dựng "Đề án hỗ trợ gia đình đa văn hóa ở nông thôn", nhằm phát triển giáo dục nông nghiệp cho đối tượng là phụ nữ nhập cư qua kết hôn, sinh sống ở khu vực nông thôn và con em của họ.

"Đề án hỗ trợ gia đình đa văn hóa ở nông thôn" chia làm năm nội dung lớn là: Bồi dưỡng nhân tố lao động nông thôn và hệ thống quản lý đào tạo; Hệ thống hóa đào tạo kinh doanh và kỹ thuật nông nghiệp theo từng giai đoạn; Hỗ trợ xây dựng nền tảng nông nghiệp; Phát triển dự án về chủ đề nông nghiệp của gia đình đa văn hóa; Giáo dục về giá trị của nông nghiệp cho trẻ em gia đình đa văn hóa. Thông qua đề án này, có thể thấy chính phủ Hàn Quốc một mặt muốn phát triển lực lượng lao động nông nghiệp, một mặt hướng tới hỗ trợ gia đình đa văn hóa sớm hòa nhập với xã hội và có đời sống ổn định tại nông thôn. Dự kiến, từ năm 2010 đến năm 2020, Chính phủ sẽ mở rộng ngân sách hàng năm lên 29,5 tỷ won (295 억원, tương đương 27 triệu USD) và phối hợp triệt để với các cơ quan liên quan để thực hiện hỗ trợ một cách hiệu quả.

Ban đầu, khi tham gia chương trình này phụ nữ nhập cư qua kết hôn tại nông thôn sẽ được đào tạo thích ứng ban đầu như học các lớp tiếng Hàn và văn hóa Hàn Quốc. Sau khi đạt được trình độ ngôn ngữ nhất định, các chị em phụ nữ sẽ được đào tạo cơ bản về nông nghiệp, đào tạo theo hình thức một người trực tiếp hướng dẫn cho một người và được bồi dưỡng chuyên sâu về kỹ thuật từng ngành công nghiệp, dưới sự hướng dẫn của những chuyên gia nông nghiệp. Với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, chính phủ Hàn Quốc sẽ tạo điều kiện cho mượn hoặc hỗ trợ toàn bộ tài liệu, hệ thống thiết bị cần thiết để sản xuất nông nghiệp như máy móc làm nông, vắc xin tiêm phòng cho gia cầm, gia súc...Ngoài ra, Chính phủ Hàn Quốc cũng sẽ phối hợp với các đoàn thể tự trị địa phương và đoàn thể nhân dân để hướng dẫn gia đình đa văn hóa tham gia trực tiếp vào các dự án nông nghiệp cụ thể.

Diện tích đất canh tác của Hàn Quốc ít, một năm chỉ gieo trồng được một vụ do thời tiết khắc nghiệt, nguồn chi phí cho nhân công cao...nên các sản phẩm nông nghiệp trong nước thường có giá thành rất cao. Nhưng do người nông dân Hàn Quốc triệt để tuân thủ quy trình sản xuất bảo đảm an toàn về chất lượng, độ tươi ngon nên các sản phẩm nông nghiệp trong nước rất có vị thế. Bởi vậy, nếu những người làm nông nghiệp tại Hàn Quốc biết cách đầu tư và thực hiện đúng cách thì vẫn đảm bảo được cuộc sống dư dật, no đủ. Cuối cùng, nội dung giáo dục giá trị nông nghiệp cho con em gia đình đa văn hóa sẽ giúp các em hiểu được vai trò, giá trị của nông nghiệp, tự hào về công việc của chính bố mẹ mình.

Để tìm hiểu cụ thể về các chính sách và phương pháp đăng ký tham gia đề án này, các chị có thể tham khảo cùng các thành viên người Hàn Quốc trong gia đình mình tại trang web của Bộ Nông lâm, Công nghiệp chăn nuôi và lương thực Hàn Quốc: www.mifaff.go.kr hoặc điện thoại đến số 1577-0120 để được nhận tư vấn thêm. Ngoài ra, các gia đình đa văn hóa có thể đăng ký tại chính địa phương mình để được giới thiệu các cơ quan của Bộ nông lâm và thủy sản đảm trách chương trình này. Ngoài việc thường xuyên theo dõi và tham gia vào các chương trình, dự án do chính phủ hỗ trợ tại địa phương, các chị em của gia đình đa văn hóa tại nông thôn hãy tích cực trau dồi kỹ năng tiếng Hàn, tranh thủ tiếp cận kiến thức thông tin trên các kênh báo, đài, internet để nâng cao nền tảng kiến thức tổng hợp. Các bạn cũng đừng ngần ngại tham gia các buổi giao lưu, trò chuyện và hoạt động tình nguyện cùng với người Hàn Quốc tại địa phương để mở rộng mối quen biết tại nông thôn. Đây cũng là một trong những phương pháp rất hữu ích để học hỏi và trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp cũng như các kiến thức sinh hoạt đời sống, nuôi dạy con cái.

Lựa chọn của ban biên tập