Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Ý nghĩa Hội nghị Chánh Văn phòng an ninh Hàn-Mỹ-Nhật và Hội nghị Ngoại trưởng Hàn-Trung

2021-04-08

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ YONHAP News

Tuần trước, một loạt các hoạt động ngoại giao đã diễn ra xung quanh các vấn đề liên quan đến bán đảo Hàn Quốc, trong đó nổi bật là Hội nghị Chánh Văn phòng an ninh Hàn-Mỹ-Nhật và Hội nghị Ngoại trưởng Hàn-Trung. Hai cuộc gặp này diễn ra vào thời điểm nhạy cảm sau khi Bắc Triều Tiên có các hành động khiêu khích như phóng tên lửa đạn đạo. Sau đây, nhà bình luận chính trị Lee Jong-hoon sẽ cho chúng ta biết thêm về kết quả và ý nghĩa của các cuộc họp này.

 

Bất chấp căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, Hàn Quốc đã thành công đối thoại với hai quốc gia này. Trong bối cảnh cả hai nước đều có yêu cầu riêng với Hàn Quốc, Seoul cần lắng nghe ý kiến các bên và thể hiện rõ quan điểm của mình. Tôi nghĩ rằng đây cũng chính là ý nghĩa của các cuộc họp gần đây. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang đi vào giai đoạn cuối của quá trình xem xét chính sách đối với Bắc Triều Tiên. Trong bối cảnh đó, các cố vấn an ninh hàng đầu của Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản đã có những cuộc tham vấn cuối cùng về chiến lược mới của Washington đối với Bình Nhưỡng. Trong khi đó, Hội nghị Ngoại trưởng Hàn-Trung cho thấy hai nước cần phối hợp trong nhiều vấn đề khác nhau. Tôi nghĩ Seoul cũng muốn tạo bước đệm để Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới thăm Hàn Quốc nhằm tạo điều kiện cho đối thoại Mỹ-Triều.

 

Ngày 2/4 (giờ địa phương), Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan cùng hai người đồng cấp Hàn Quốc và Nhật Bản là Suh Hoon và Kitamura Shigeru đã có cuộc hội đàm tại Học viện Hải quân Mỹ (Naval Academy), bang Maryland. Đây là cuộc đối thoại đầu tiên giữa các cố vấn an ninh quốc gia ba nước kể từ khi Chính phủ Tổng thống Biden nhậm chức, sau khi các cuộc gặp riêng Mỹ-Nhật, Hàn-Mỹ và Hàn-Nhật được tổ chức. Các quan chức ba nước chia sẻ mối quan ngại về các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của miền Bắc, đồng thời tái khẳng định cam kết phối hợp nhằm phi hạt nhân hóa bán đảo Hàn Quốc.

 

Chánh Văn phòng an ninh Hàn-Mỹ-Nhật đã chia sẻ ý kiến về việc Washington xem xét lại chính sách đối với Bình Nhưỡng, cũng như các vấn đề quan tâm chung, trong đó có vấn đề an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đề cập đến việc phi hạt nhân hóa miền Bắc, ba nước đã nhất trí cần phải phối hợp để đối phó với các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, tôi nghĩ cách tiếp cận của Hàn Quốc và Mỹ đối với các vấn đề liên quan có những điểm khác biệt nhất định. Hàn Quốc cho rằng cần phải tuyên bố chính thức chấm dứt chiến tranh Triều Tiên trước rồi sau đó dần dần nới lỏng các biện pháp trừng phạt để giải quyết vấn đề hạt nhân tại miền Bắc. Quan điểm này có thể sẽ được phần nào phản ánh trong chính sách Bắc Triều Tiên sắp công bố của chính quyền Tổng thống Biden.

 

Trong khi Seoul khẳng định cần nhanh chóng nối lại đối thoại Mỹ-Triều, Washington nhấn mạnh việc phải thực hiện đầy đủ các nghị quyết liên quan đến Bắc Triều Tiên của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, cho thấy sự khác nhau trong cách tiếp cận vấn đề hạt nhân tại miền Bắc của Hàn Quốc và Mỹ.

Nhiều người đang chú ý đến việc cuộc đàm phán ba bên có thể ảnh hưởng như thế nào đến việc nối lại đối thoại Mỹ-Triều, vốn đã bị đình trệ kể từ khi Hội nghị thượng đỉnh song phương tại Hà Nội vào năm 2019 không đạt được kết quả.

 

Có thông tin xác nhận gần đây, Mỹ đã cố gắng liên lạc với Bắc Triều Tiên, cho thấy Washington đang muốn bắt đầu các cuộc đàm phán càng sớm càng tốt. Tất nhiên, miền Bắc cũng có mong muốn tương tự. Tuy nhiên, cả hai nước đều đang tìm cách chiếm ưu thế trước khi các cuộc đàm phán được nối lại. Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un muốn bắt đầu từ những nội dung gần như có thể đạt được thỏa thuận với Mỹ tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai ở Hà Nội. Tuy nhiên, Tổng thống Biden muốn xem xét lại chính sách Bắc Triều Tiên và sẽ chỉ tổ chức các cuộc đàm phán cấp chuyên viên trước khi tham gia hội đàm cấp cao, vốn không phải những gì miền Bắc đang kỳ vọng. Do đó, hai bên có thể sẽ có một cuộc chiến căng thẳng, khiến đàm phán bị trì hoãn. Ngay cả khi đối thoại được nối lại đi nữa, tốc độ tiến triển có thể sẽ khá chậm.

 

Chỉ vài giờ sau Hội nghị Chánh Văn phòng an ninh Hàn-Mỹ-Nhật tại Mỹ, Ngoại trưởng Hàn Quốc Chung Eui-yong và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị đã có cuộc hội đàm tại thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên sau 4 tháng cuộc họp Ngoại trưởng Hàn-Trung được tổ chức kể từ cuộc hội đàm giữa hai nước trước đó diễn ra tại Seoul vào tháng 11 năm ngoái. Tại hội đàm, Hàn Quốc và Trung Quốc đã tập trung thảo luận về phát triển quan hệ song phương trước thềm kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Hàn-Trung vào năm tới, cũng như vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Hàn Quốc.

 

Ngoại trưởng Chung Eui-yong kêu gọi Chính phủ Trung Quốc đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy tiến trình hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc. Đáp lại, Ngoại trưởng Vương Nghị khẳng định Bắc Kinh sẽ phối hợp với Seoul để có giải pháp chính trị thông qua đối thoại cho vấn đề bán đảo Hàn Quốc. Chính phủ Tổng thống Moon Jae-in mong muốn từng bước thúc đẩy tiến trình hòa bình trong khu vực, bất chấp việc cách tiếp cận này khác với cách tiếp cận theo từng giai đoạn của Chính phủ Tổng thống Biden. Xem xét đến lập trường của Bắc Triều Tiên, Trung Quốc đã sử dụng cụm từ "giải pháp chính trị" để không gây mất lòng các bên.

 

Cuộc họp giữa các cố vấn an ninh quốc gia Hàn-Mỹ-Nhật và cuộc hội đàm Ngoại trưởng Hàn-Trung diễn ra cách nhau vài giờ, cho thấy Mỹ và Trung Quốc đã gần như cùng lúc trao đổi ý kiến với Hàn Quốc về những lo ngại an ninh khu vực.

Mặt khác, một số nhà phân tích cho rằng hai cuộc gặp ngoại giao gần đây đã nêu bật tầm quan trọng và tính cấp thiết của việc giải quyết các vấn đề trên bán đảo Hàn Quốc, đồng thời cho thấy đã đến lúc Seoul phải thuyết phục Bình Nhưỡng ngồi vào bàn đối thoại và kích hoạt lại tiến trình hòa bình khu vực.

 

Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng đã đặt Hàn Quốc vào tình thế khó khăn khi hai cường quốc này đều gây sức ép để lôi kéo Seoul về phía mình. Vấn đề liên quan đến Bắc Triều Tiên là một trong những nhiệm vụ mà Hàn Quốc phải giải quyết trong bối cảnh này. Trong khi Trung Quốc sử dụng miền Bắc làm đòn bẩy chống lại Mỹ, Washington lại gây áp lực với Bắc Kinh thông qua Seoul. Tình hình sẽ không thay đổi nếu căng thẳng Mỹ-Trung tiếp diễn. Trong tình huống khó khăn này, Hàn Quốc cần theo đuổi chính sách ngoại giao cân bằng. Trước hết, điều quan trọng là phải tạo ra một môi trường thuận lợi để nối lại đàm phán Mỹ-Triều.

 

Trong bối cảnh Mỹ tập trung đối phó với các mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên, Trung Quốc lại cho rằng những lo ngại an ninh của miền Bắc là hợp lý. Những khác biệt giữa hai cường quốc này đã làm sâu sắc thêm mối quan ngại của Chính phủ Hàn Quốc liên quan đến tiến trình hòa bình trong khu vực. Điều gây được nhiều sự chú ý lúc này chính là chính sách mới về Bắc Triều Tiên mà Mỹ sắp công bố. Xung đột Mỹ-Trung ngày càng gia tăng và động thái tiếp theo của Bình Nhưỡng được cho là những yếu tố chính sẽ ảnh hưởng đến tình hình ngoại giao trên bán đảo Hàn Quốc.

Lựa chọn của ban biên tập