Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Chủ tịch Kim Jong-un bước vào năm thứ 10 tại vị

2021-04-15

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ KBS

Nhân dịp kỷ niệm 9 năm Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un lên nắm quyền, báo Lao động, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động miền Bắc, kêu gọi các quan chức cấp cao và người dân nước này giữ vững lòng trung thành với nhà lãnh đạo, người đã đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố đảng và thực hiện kỳ tích của cuộc cách mạng Juche (Chủ thể).

Sau đây nhà nghiên cứu cấp cao Cho Han-bum đến từ Viện Thống nhất quốc gia thuộc Bộ Thống nhất Hàn Quốc sẽ giải thích ý nghĩa 10 năm cầm quyền của Chủ tịch Kim Jong-un.

 

Ông Kim Jong-un lần đầu xuất hiện trước công chúng với tư cách là người kế nhiệm cha mình là Chủ tịch Kim Jong-il vào năm 2009 và chỉ có ba năm chuẩn bị trước khi lên kế vị sau khi cha ông đột ngột qua đời vào tháng 12/2011. Điều này khiến nhiều người hoài nghi về khả năng lãnh đạo của ông Kim trong những ngày đầu. Tuy nhiên, bỏ qua những lo ngại ban đầu, nhà lãnh đạo trẻ tuổi đã giữ vững được vị trí của mình trong gần 10 năm, bất chấp một số sự việc như vụ hành quyết tàn bạo người chú của mình là Jang Song-thaek và vụ ám sát người anh cùng cha khác mẹ Kim Jong-nam. Mặc dù vậy, Bắc Triều Tiên đã phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất dưới chế độ của ông Kim Jong-un.

 

Tại Đại hội đảng Lao động Bắc Triều Tiên lần thứ 8 vào tháng 1 vừa qua, Chủ tịch Kim Jong-un đã khôi phục lại cơ chế Bí thư từng bị phế bỏ sau khi cố Chủ tịch Kim Jong-il qua đời. Theo đó, ông Kim được bầu làm Tổng bí thư đảng Lao động, vị trí mà cả cha và ông nội ông từng đảm nhận. Chức danh mới này dường như nhằm củng cố hơn nữa vai trò lãnh đạo của ông Kim.

 

Sau khi qua đời, Chủ tịch Kim Jong-il được tuyên bố là “Tổng bí thư vĩnh viễn” của đảng Lao động. Theo đó, nhà lãnh đạo đương nhiệm Kim Jong-un đã đảm nhiệm các chức danh như Bí thư thứ nhất và Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Quốc phòng trước khi được bầu làm Chủ tịch đảng tại Đại hội đảng năm 2016. Khi đó, ông mặc một bộ âu phục nhằm quảng bá hình ảnh mới. Tuy nhiên, khi được bổ nhiệm làm Tổng bí thư đảng vào tháng 1 năm nay, ông Kim Jong-un mặc trang phục thường thấy của các nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên là áo kaki, cho thấy ông đã vực dậy và củng cố hệ thống đảng.

 

Tháng 12/2020, Nhà xuất bản Bình Nhưỡng đã phát hành cuốn tiểu sử của Chủ tịch Kim Jong-un với tựa đề “Vĩ nhân và thời đại của cường quốc”, nêu bật những thành tựu của ông Kim trong các lĩnh vực như quốc phòng, ngoại giao, kinh tế, xã hội và văn hóa trong 9 năm qua, đặc biệt là trong việc phô diễn sức mạnh hạt nhân của đất nước. Cuốn sách giải thích chi tiết vụ thử bom nhiệt hạch năm 2016, vụ thử bom nhiệt hạch gắn trên tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) và vụ phóng thử hai loại ICBM Hwasong-14 và Hwasong-15 vào năm 2017. Cùng năm, cũng là năm thứ 6 ông Kim Jong-un tại vị, Bình Nhưỡng tuyên bố hoàn thiện “năng lực hạt nhân”.

 

Vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên đã tồn tại trong hơn 30 năm kể từ năm 1990. Cho đến nay, miền Bắc đã thực hiện tổng cộng 6 vụ thử nghiệm hạt nhân, lần đầu tiên vào năm 2006 và lần thứ hai vào năm 2009 dưới thời cố Chủ tịch Kim Jong-il. 4 vụ thử còn lại đều diễn ra dưới thời ông Kim Jong-un. Khác với ông Kim Jong-il với chủ trương tăng cường khả năng đàm phán thông qua việc phát triển hạt nhân, nhà lãnh đạo Kim Jong-un tìm cách phát triển vũ khí hạt nhân trước khi tham gia các cuộc đàm phán. Dù theo đuổi chính sách cùng lúc phát triển hạt nhân và kinh tế, nhưng trên thực tế ông Kim đặt hạt nhân lên hàng đầu. Kể từ khi cầm quyền, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã liên tiếp tiến hành các vụ thử đầu đạn hạt nhân và tên lửa đạn đạo, đồng thời được cho là đã đạt được các thành tựu hạt nhân đáng kể.

 

Năm 2018, thay vì phát triển song song kinh tế và vũ khí hạt nhân, Bắc Triều Tiên đã áp dụng một chiến lược mới là tập trung vào kinh tế nhằm trở thành một cường quốc xã hội chủ nghĩa. Tại Đại hội đảng vào tháng 1 năm nay, nhà lãnh đạo Kim Jong-un thừa nhận thất bại trong các chính sách kinh tế của mình. Trong Hội nghị tập huấn Bí thư đảng cấp huyện, thành phố gần đây, ông Kim cũng kêu gọi nhân dân chuẩn bị cho một “cuộc hành quân gian khổ” thứ hai vì nền kinh tế đang ở trong tình trạng khó khăn. Đây là cụm từ thể hiện giai đoạn từ năm 1994 khi Chủ tịch Kim Nhật Thành qua đời đến năm 1997, khi hàng chục nghìn người dân miền Bắc bị chết đói do mất mùa và bị quốc tế cô lập. Việc nhà lãnh đạo Kim Jong-un nhắc tới cụm từ này là nhằm thể hiện quyết tâm phải đối phó với tình hình kinh tế khó khăn do dịch COVID-19 kèo dài, thiệt hại do lũ lụt năm ngoái và các lệnh cấm vận của cộng đồng quốc tế hiện nay.

Cùng lúc đó, trong một bài báo kỷ niệm 9 năm ngày Chủ tịch Kim Jong-un nhậm chức, báo Lao động nhấn mạnh các chính sách của đảng đều nhằm phục vụ lợi ích của người dân. Vào ngày cuối cùng của Đại hội đảng vào tháng 1 vừa qua, nhà lãnh đạo Kim đã đưa ra ba khẩu hiệu quan trọng, đó là “dĩ dân vi thiên” (phụng sự nhân dân là phụng sự trời), “đoàn kết một lòng” và “tự lực cánh sinh”. Khẩu hiệu đầu tiên đại diện cho triết lý lãnh đạo của ông Kim, chủ trương "con người là quan trọng nhất". Khác với cố lãnh đạo Kim Jong-il, vốn áp dụng “nền chính trị ưu tiên quân sự”, Chủ tịch Kim Jong-un lại ủng hộ “nền chính trị tập trung vào con người”.

Về các hoạt động ngoại giao dưới thời ông Kim Jong-un, các cuộc hội đàm thượng đỉnh của Bắc Triều Tiên với Hàn Quốc và Mỹ đã thu hút sự chú ý của toàn thế giới nhưng lại thu về kết quả không mấy khả quan.

 

Chủ tịch Kim Jong-un đã tổ chức ban Hội nghị thượng đỉnh liên Triều vào năm 2018, hai Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Singapore vào tháng 6/2018 và tại Hà Nội vào tháng 2/2019. Ông Kim và ông Trump cũng đã có cuộc gặp ngắn ngủi tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm vào tháng 6/2019. Ngoài ra, ông Kim Jong-un đã tham gia 5 Hội nghị thượng đỉnh Trung-Triều và một Hội nghị thượng đỉnh Nga-Triều. Tuy thành công thu hút sự chú ý của quốc tế, các Hội nghị thượng đỉnh lại không đem lại hiệu quả đáng kể nào. Mặc dù đã nâng tầm bản thân trên trường quốc tế, nhà lãnh đạo Kim Jong-un vẫn bị chỉ trích bởi tình hình nhân quyền nghiêm trọng tại miền Bắc. Về kết quả ngoại giao, các cuộc đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều và liên Triều đều đang lâm vào bế tắc.

 

Mặt khác, các lệnh trừng phạt quốc tế khắc nghiệt đã thu hẹp phạm vi hoạt động của Bắc Triều Tiên. Trong khi đó, những khó khăn kinh tế đang làm suy giảm sinh kế trong nước. Thêm vào đó, quan hệ với chính phủ tân Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng là một thách thức lớn. Tuy nhà lãnh đạo Kim Jong-un chủ trương tự lực để thực hiện một kế hoạch kinh tế 5 năm mới, triển vọng cho miền Bắc là không mấy sáng sủa.

 

Có rất ít khả năng chính quyền Tổng thống Biden sẽ nhượng bộ trong các cuộc đàm phán hạt nhân với Bình Nhưỡng. Mỹ thậm chí còn tăng cường chỉ trích vấn đề vi phạm nhân quyền ở miền Bắc, cộng thêm việc nền kinh tế nước này ngày càng lún sâu vào vũng lầy. Trong bối cảnh này, thay vì đưa ra tầm nhìn mới, ông Kim Jong-un chỉ chủ trương tăng cường đoàn kết nội bộ và kiểm soát xã hội chặt chẽ hơn qua các cuộc họp và hội nghị khác nhau. Trên hết, Bắc Triều Tiên cần áp dụng chính sách cải cách và mở cửa, đồng thời tìm ra giải pháp cho quan hệ liên Triều. Minh chứng là miền Bắc đã phát triển mạnh vào đầu những năm 2000 khi hai miền Nam-Bắc thực hiện các dự án kinh tế chung. Giải pháp cho Bình Nhưỡng lúc này là xây dựng lòng tin với Seoul, cải thiện quan hệ với Washington bằng cách thỏa hiệp tại các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa để được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và gia nhập cộng đồng kinh tế toàn cầu. Nếu Bắc Triều Tiên lựa chọn cải cách và mở cửa thì chắc chắn sẽ có cơ hội phát triển kinh tế.

Lựa chọn của ban biên tập