Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Thiết kế tiền giấy ở Bắc Triều Tiên (phần 1) – Các nhân vật

2021-04-22

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ Getty Images Bank

Thông thường, nhìn vào thiết kế tiền giấy của một quốc gia chúng ta có thể biết được các đặc trưng của quốc gia đó, như lịch sử, tinh thần, văn hóa và nghệ thuật. Vậy thiết kế tiền giấy của Bắc Triều Tiên tượng trưng cho điều gì? Hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu về tiền giấy của miền Bắc cùng tiến sĩ Lee Ji-soon đến từ Viện nghiên cứu thống nhất Hàn Quốc.

 

Đặc điểm các nhân vật trên tiền giấy Bắc Triều Tiên

Khác với Hàn Quốc và nhiều nước phương Tây, nơi tiền giấy thường có hình các nhân vật lịch sử, chính trị hoặc văn hóa, Bắc Triều Tiên phát hành các tờ tiền phản ánh những vấn đề quan trọng của từng thời kỳ. Chúng thường mang hình ảnh của những công nhân, nông dân hay trí thức không có thật. Cố Chủ tịch Kim Nhật Thành là nhân vật có thật duy nhất xuất hiện trên tiền giấy miền Bắc.

Bắc Triều Tiên đã thực hiện tổng cộng 5 cuộc cải cách tiền tệ kể từ khi giải phóng. Năm 1947, cũng là đợt cải cách đầu tiên, các tờ tiền mệnh giá 1 won, 5 won, 10 won và 100 won đều in hình ảnh hai người, một người nông dân và một người công nhân, và được phân biệt qua mệnh giá và màu sắc. Những hình ảnh này tượng trưng cho vai trò của nông dân và công nhân dưới chế độ xã hội chủ nghĩa mới thay cho địa chủ, tầng lớp nắm giữ quyền lực kinh tế cho đến thời kỳ thuộc địa.

 

Hình ảnh người phụ nữ trên tiền giấy Bắc Triều Tiên

Hình ảnh người phụ nữ bắt đầu xuất hiện trên các tờ tiền của Bắc Triều Tiên từ cuộc cải cách tiền tệ lần thứ hai vào năm 1959. Từ hình ảnh người nông dân ban đầu, theo thời gian, ảnh người phụ nữ trên những tờ tiền cũng đã thay đổi để phù hợp với những mục tiêu xã hội khác nhau. Năm 1959, tờ 10 won có hình một người phụ nữ đang thu hoạch táo, còn tờ 50 won in hình một người phụ nữ đang gặt lúa. Hai người phụ nữ trên các tờ tiền này đều hớn hở và tươi cười rạng rỡ trước mùa màng bội thu, thể hiện quan niệm truyền thống rằng phụ nữ luôn mong muốn một vụ mùa thắng lợi. Đồng thời, các hình ảnh này cũng nói lên chính sách sử dụng lao động nữ giới của Nhà nước miền Bắc. Trong đợt cải cách tiền tệ thứ ba vào năm 1979, mặt trước của tờ tiền 5 won in hình người phụ nữ sải bước với bó lúa trên tay cùng tà váy tung bay trong gió, làm nổi bật tính năng động, khỏe khoắn và cho thấy một hình ảnh nghiêm túc hơn, khác với hình ảnh vui vẻ trước đó.

 

Hệ tư tưởng Chủ thể được thể hiện trên tiền giấy Bắc Triều Tiên

Trong Hiến pháp Xã hội chủ nghĩa được thông qua vào tháng 12/1972, Bắc Triều Tiên quy định tư tưởng Juche (Chủ thể) là hệ tư tưởng chính thức của nước này. Tinh thần thời đại này được phản ánh rõ ràng trong cuộc cải cách tiền tệ lần thứ ba vào năm 1979, khi hình ảnh các tầng lớp khác nhau xuất hiện trên những tờ tiền giấy.

 

Hình ảnh cố Chủ tịch Kim Nhật Thành trên tiền giấy Bắc Triều Tiên

Tờ 100 won phiên bản năm 1979 cho thấy hình ảnh vị cố Chủ tịch với vẻ ngoài trang trọng trong bộ đồ kaki thường thấy. Tuy nhiên, trong tờ 5.000 won phát hành năm 1992, nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành hơi xoay người để trông tự nhiên hơn trong bộ âu phục và cà vạt. Sau cuộc cải cách tiền tệ lần thứ 5 vào năm 2009, hình ảnh ông Kim Nhật Thành đang cười được in trên tờ 5.000 won dưới chỉ thị của Chủ tịch Kim Jong-il, nhằm quảng bá hình ảnh thân thiện và khẳng định vị cố lãnh đạo luôn ở bên người dân ngay cả khi đã qua đời.

 

Ý nghĩa của việc Bắc Triều Tiên thay đổi thiết kế tờ 5000 won năm 2014

Năm 2014, sau khi Chủ tịch Kim Jong-un lên nắm quyền, tờ tiền 5000 won này được phát hành lại với hình Mangyeongdae ở mặt trước và hình Phòng triển lãm hữu nghị quốc tế, một bảo tàng trưng bày các món quà mà hai cố lãnh đạo Kim Nhật Thành và Kim Jong-il nhận được từ các phái đoàn ngoại giao. Điều này thể hiện việc Bắc Triều Tiên hy vọng có thể sớm đứng trên trường thế giới trong hoặc sau thời ông Kim nắm quyền. Ngoài ra, thiết kế tờ tiền mới có thể mang mục đích nhằm chứng minh với người dân rằng cộng đồng quốc tế đã công nhận tính chính đáng của chính quyền Kim Jong-un.

 

Ý nghĩa hình ảnh nguyên tử trên tiền giấy Bắc Triều Tiên

Sau cuộc cải cách tiền tệ năm 1992, trên tiền giấy Bắc Triều Tiên xuất hiện hình ảnh mô hình nguyên tử Rutherford. Hình ảnh mô hình nguyên tử cho thấy Bắc Triều Tiên chú trọng phát triển vũ khí hạt nhân, khoa học và công nghệ cũng như mong muốn xây dựng miền Bắc thành một quốc gia giàu mạnh. Bắc Triều Tiên dưới thời cố Chủ tịch Kim Jong-il đã mong muốn trở thành một cường quốc quân sự thông qua phát triển hạt nhân, như đã thấy trong phiên bản tiền giấy năm 2009, và ước mơ này đã được kế thừa bởi Chính quyền ông Kim Jong-un.

Tiền giấy Bắc Triều Tiên chỉ sử dụng hình ảnh tượng trưng chứ không có chân dung người thật, ngoại trừ cố Chủ tịch Kim Nhật Thành, cho thấy đây cũng là một công cụ tuyên truyền của Bình Nhưỡng. Trong số phát sóng tiếp theo của “Cận cảnh Bắc Triều Tiên”, chúng ta sẽ tìm hiểu về các biểu tượng được in trên tiền giấy của miền Bắc.

Lựa chọn của ban biên tập