Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Dự án xây dựng nhà ở của Bắc Triều Tiên

2021-04-29

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ KBS

Tại Đại hội đảng Lao động lần thứ 8 diễn ra vào tháng 1 năm nay, Bắc Triều Tiên đã công bố kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm, trong đó có việc xây dựng 50.000 căn hộ ở thủ đô Bình Nhưỡng. Sau đây, nhà bình luận chính trị Choi Young-il sẽ giải thích lý do miền Bắc đưa ra kế hoạch xây dựng nhà ở trong bối cảnh đất nước gặp nhiều khó khăn do các lệnh trừng phạt quốc tế và đại dịch COVID-19.

 

Trong Đại hội đảng Lao động hồi tháng 1, Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un cam kết sẽ xây 50.000 căn hộ ở Bình Nhưỡng trong vòng 5 năm tới, với mục tiêu xây 10.000 căn mỗi năm. Truyền thông miền Bắc gần đây cũng đề cập nhiều đến chủ đề này để nhấn mạnh dự án, vốn có mục đích nhằm cải thiện sinh kế của người dân cũng như thành tích của nhà lãnh đạo Kim. Với việc duy trì lập trường cứng rắn đối với chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, Bắc Triều Tiên có thể sẽ đánh mất lòng tin của nhân dân nếu không giải quyết được vấn nạn kinh tế. Đây là lý do miền Bắc đẩy mạnh việc xây dựng nhà ở. Ngoài ra, Bắc Triều Tiên cho rằng có thể tiến hành dự án xây dựng dựa vào nguồn lực trong nước mà không cần nhập một lượng lớn vật liệu từ nước ngoài, đặc biệt là trong thời điểm ngành thương mại nước này đang bị đình trệ.

 

Kể từ khi Chủ tịch Kim Jong-un lên nắm quyền, một số khu phố mới đã mọc lên ở Bình Nhưỡng, trong đó có phố Changjon hoàn thành năm 2012, đường nhà khoa học tương lai năm 2015 và phố Ryomyong năm 2017. Hiện tại, hơn 16.000 căn hộ đang được xây dựng ở Bình Nhưỡng. Thêm vào đó, Bắc Triều Tiên có kế hoạch xây thêm 50.000 căn hộ ở thủ đô trong vòng 5 năm tới. Tân báo Triều Tiên, một tờ báo ủng hộ miền Bắc tại Nhật Bản, giải thích lý do của kế hoạch này là vì dân số ở Bình Nhưỡng liên tục gia tăng trong khi lại thiếu các căn hộ có thể đáp ứng được những điều kiện sống văn minh trong thời đại mới.

 

Theo báo cáo năm 2020 của Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA), 12% dân số Bắc Triều Tiên tập trung ở Bình Nhưỡng. Do một phần lớn thủ đô đã bị phá hủy bởi vụ ném bom trên không của Mỹ trong chiến tranh Triều Tiên năm 1951, miền Bắc đã vạch ra kế hoạch kiến thiết và thúc đẩy xây dựng Bình Nhưỡng thành một thành phố xã hội chủ nghĩa lý tưởng với sự hỗ trợ của Liên Xô và các quốc gia xã hội chủ nghĩa Đông Âu. Tuy nhiên, những ngôi nhà được xây dựng trong quá trình này nay đã xuống cấp. Nền kinh tế Bắc Triều Tiên không mấy sáng sủa kể từ cuối những năm 1980 và nước này đã nhiều lần bỏ lỡ không xây dựng lại hay cải tạo các tòa nhà cũ. Khoảng 10 năm trước, miền Bắc lên kế hoạch xây dựng 100.000 căn hộ nhưng đã không thực hiện được dự án. Vì vậy, tình trạng thiếu nhà ở tại Bình Nhưỡng đã trở thành một trong những vấn đề cấp bách mà nước này cần giải quyết.

 

Ngày 23/3, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã tham dự lễ động thổ xây dựng 10.000 căn hộ ở khu vực Songsin và Songhwa, thủ đô Bình Nhưỡng. Đây cũng là chuyến thị sát thực địa đầu tiên trong năm nay của ông. Bắt đầu từ những khu vực này, Bắc Triều Tiên có kế hoạch xây 10.000 ngôi nhà mới mỗi năm ở các khu vực ngoại ô Bình Nhưỡng như Sopo, Kumchon và đường 9/9.

 

Các khu vực Songsin và Songhwa nằm ở phía Đông Bình Nhưỡng, có các ga tàu điện ngầm như ga Songsin và ga Đông Bình Nhưỡng. Khu Sopo ở phía Bắc Bình Nhưỡng, gần một sân bay và đường 9/9 chỉ cách khu này khoảng 8 km về phía Đông. Các khu vực này đều cách xa trung tâm Bình Nhưỡng. Thay vì phá dỡ các tòa nhà đã xuống cấp tại trung tâm thủ đô, xây dựng các căn hộ mới ở các khu vực ngoại ô Bình Nhưỡng là phương án khả thi hơn về mặt chi phí và tuyên truyền để nhanh chóng cho người dân thấy một số kết quả. Theo kế hoạch, những ngôi nhà mới sẽ được xây dựng ở các góc phía Đông và phía Bắc của thủ đô.

 

Ngoài kế hoạch xây 10.000 căn hộ, Bắc Triều Tiên đã bắt đầu dự án xây dựng 800 căn hộ dạng bậc thang ven sông Potong ở trung tâm Bình Nhưỡng, vốn được coi là một khu phố giàu có, nơi tập trung nhiều cán bộ Nội các và đảng. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un cho biết những ngôi nhà mới sẽ là quà tặng cho những người đã cống hiến hết mình cho đảng và Nhà nước, với mục đích thúc đẩy hiệu suất làm việc tạo ra thành quả và tăng cường đoàn kết nội bộ. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng chỉ 20% trong số này sẽ được cấp cho người có công trên, còn lại sẽ dành cho các quan chức cấp cao của đảng, tức những người thuộc tầng lớp quyền lực ở Bình Nhưỡng.

Mặc khác, kế hoạch của miền Bắc là xây xong 10.000 ngôi nhà vào cuối năm nay và xây thêm 10.000 căn hộ khác trong năm sau. Do đó, truyền thông Bắc Triều Tiên đang khuyến khích các đơn vị thi công cạnh tranh để rút ngắn thời gian xây dựng và đẩy nhanh tiến độ. Được biết, dự án xây dựng này do quân đội phụ trách.

 

Để khẳng định Bình Nhưỡng là một thành phố xã hội chủ nghĩa được quy hoạch tốt, Bắc Triều Tiên đã huy động quân đội để xây dựng thủ đô nhanh chóng và hiệu quả. Dự án này cần được thúc đẩy vô điều kiện, bởi nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã gọi đây là một dự án hết sức trọng đại được ấp ủ từ lâu của đảng. Trong lễ khởi công hồi tháng 3 vừa qua, ông Kim đã trao cờ chỉ huy công trình cho Bộ trưởng Lực lượng vũ trang nhân dân Kim Jong-gwan, ngụ ý quân đội sẽ đảm nhận thực hiện "trận chiến tốc độ" trong dự án xây dựng này. Ở Bắc Triều Tiên, việc quân đội phụ trách công việc xây dựng là một điều bình thường và không thể tránh khỏi nếu muốn dự án hoàn thành nhanh chóng.

 

Bên cạnh kế hoạch xây 50.000 ngôi nhà tại Bình Nhưỡng, trong Đại hội đảng vừa qua, Bắc Triều Tiên cũng đã công bố kế hoạch xây dựng 25.000 ngôi nhà ở khu vực Komdok, tỉnh Nam Hamgyong. Cùng với đó, các tòa nhà cao tầng cũng đang được xây dựng tại thành phố Sinuiju ở phía Tây Bắc giáp Trung Quốc. Có thể thấy những ngôi nhà đang mọc lên ở nhiều vùng khác nhau trên khắp miền Bắc. Tuy nhiên, các kế hoạch xây dựng quy mô lớn, trong đó có Bệnh viện tổng hợp Bình Nhưỡng và khu du lịch ven biển Wonsan-Kalma, đang bị trì hoãn do khó khăn kinh tế. Vì vậy, nhiều ý kiến nghi ngờ liệu Bắc Triều Tiên có thể thực hiện suôn sẻ dự án xây dựng nhà ở mới hay không.

 

Khủng hoảng kinh tế chính là vấn đề lớn nhất mà Bắc Triều Tiên đang phải đối mặt. Ngay cả khi có thể huy động nhân lực nhờ quân đội và cung cấp vật liệu xây dựng trong nước, miền Bắc vẫn sẽ gặp khó khăn về tài chính. Trong bối cảnh nỗ lực phát triển vũ khí mới, Bắc Triều Tiên khó có thể thành công tiến hành “trận chiến tốc độ” trong xây dựng nhà ở dù đã huy động tất cả các nguồn lực sẵn có. Điều quan trọng lúc này là thời điểm Bắc Triều Tiên nối lại ngoại giao với thế giới bên ngoài để được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Bình Nhưỡng có thể sẽ có động thái tiếp cận Washington trước và sau đó là Seoul. Vì vậy, cần chờ xem miền Bắc sẽ đề xuất đối thoại liên Triều như thế nào.

Lựa chọn của ban biên tập