Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Thiết kế tiền giấy ở Bắc Triều Tiên (phần 2) - Biểu tượng

2021-04-29

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ Getty Images Bank

Trong số phát sóng trước, chúng ta đã được biết về các nhân vật xuất hiện trên tiền giấy Bắc Triều Tiên. Hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu về những biểu tượng trên tiền giấy của miền Bắc. Các biểu tượng đại diện cho một quốc gia thường là quốc kỳ, quốc ca, quốc huy, thậm chí cả hoa, cây và chim. Thiết kế tiền của Bắc Triều Tiên cũng bao gồm nhiều biểu tượng quốc gia đa dạng. Đặc biệt, trong cuộc cải cách tiền tệ lần thứ hai vào năm 1959, Bình Nhưỡng bắt đầu in quốc huy lên tiền để thể hiện tính dân tộc. Sau đây, tiến sĩ Yee Jisun đến từ Viện nghiên cứu thống nhất Hàn Quốc sẽ giải thích về các biểu tượng trên tiền giấy miền Bắc.

 

Các biểu tượng quốc gia trên tiền giấy Bắc Triều Tiên

Biểu tượng quốc huy xuất hiện trên tiền giấy Bắc Triều Tiên từ năm 1959. Được tạo ra vào năm 1948, biểu tượng này có hình bầu dục cùng một dải ruy băng phía dưới với dòng chữ “Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên”. Phía trên cùng của quốc huy là một ngôi sao 5 cánh màu đỏ, tượng trưng cho cách mạng xã hội chủ nghĩa. Dưới ngôi sao là ngọn núi thiêng Baekdu (Bạch Đầu) cùng nhà máy thủy điện và một tháp thép, biểu tượng cho công nghiệp, và xung quanh là các cành lúa, tượng trưng cho nông nghiệp. Quốc hoa mộc lan của miền Bắc được in mờ để chống làm giả tiền. Các loài hoa khác cũng được khắc trên tiền xu trong cuộc cải cách tiền tệ năm 2009, như hoa đỗ quyên tượng trưng cho Kim Jong-suk, người vợ đầu tiên của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành, cũng là mẹ cố Chủ tịch Kim Jong-il. Hai bông hoa khác mang tên Kim Nhật Thành và Kim Jong-il cũng được dùng để tượng trưng cho các nhà lãnh đạo và gia tộc họ Kim.

 

Biểu tượng núi Baekdu được in trên tiền giấy cho mục đích chính trị

Sau cuộc cải cách tiền tệ đầu tiên vào năm 1947, tất cả các tờ tiền miền Bắc đều in hình một nông dân và một công nhân ở mặt trước và hình núi Baekdu ở mặt sau. Ngọn núi này đã được dùng làm biểu tượng cho cố Chủ tịch Kim Nhật Thành kể từ khi nhà thơ Bắc Triều Tiên Cho Ki-chon công bố bài thơ sử thi “Núi Baekdu ” vào tháng 4/1947 để ca ngợi các hoạt động du kích của cố lãnh đạo Kim. Trên tiền giấy Bắc Triều Tiên, núi Baekdu phủ đầy tuyết xuất hiện phía xa xa sau khu rừng rậm, biểu tượng cho tính hợp pháp của gia tộc họ Kim.

Hình ảnh núi Baekdu phủ đầy tuyết và hồ Samji được in trên mặt sau của tờ 50 won phiên bản năm 1979. Samji có nghĩa là “ba cái ao”, tượng trưng cho ông Kim Nhật Thành, bà Kim Jong-suk và ông Kim Jong-il. Tờ 1.000 won phiên bản 2009 có mặt trước in nơi sinh của bà Kim Jong-suk là thành phố Hoeryong (tỉnh Bắc Hamgyong), mặt sau là hồ Samji và tấm biển giới thiệu ông Kim Nhật Thành đã đến thăm nơi này.

 

Các công trình kiến trúc xuất hiện trên tiền giấy Bắc Triều Tiên

Tương tự, Bắc Triều Tiên cũng in hình các công trình kiến trúc lên tiền giấy. Chẳng hạn, trường đại học đầu tiên và có uy tín nhất miền Bắc là Đại học tổng hợp Kim Nhật Thành đã xuất hiện trên mặt trước của tờ 5 won phiên bản 1959. Thư viện trung tâm lớn nhất Bắc Triều Tiên mang tên Đại học tập đường Nhân dân, niềm tự hào của ngành giáo dục miền Bắc, được in trên mặt sau của tờ tiền 5 won phiên bản năm 1992. Từ năm 1959, nhiều hình ảnh đại diện cho thủ đô Bình Nhưỡng cũng xuất hiện trên các tờ tiền.

Phiên bản năm 1959 của tờ 10 won có Taedongmun (cổng Đại Đồng) ở mặt trước và Tháp giải phóng ở mặt sau. Sau khi bị phá hủy trong chiến tranh Triều Tiên, Taedongmun và cầu Taedong đã được miền Bắc tái thiết lại. Thông qua thiết kế tiền, Bắc Triều Tiên khẳng định thủ đô đã vượt qua vết thương chiến tranh và bắt đầu có bước nhảy vọt mới. Mặt sau của tờ 500 won năm 1998 có in hình cầu Chongryu, cây cầu dây văng đầu tiên của miền Bắc, được xây dựng vào năm 1995 để kỷ niệm 50 năm thành lập đảng Lao động. Thiết kế tờ tiền này tượng trưng cho việc hiện thực hóa tầm nhìn xây dựng một thủ đô vĩ đại của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành.

 

Những hình ảnh ca ngợi sự thịnh vượng trên tiền giấy Bắc Triều Tiên

Trong các tác phẩm văn hóa nghệ thuật, Bắc Triều Tiên ca ngợi ngành công nghiệp thép là nền tảng vững chắc của ngành công nghiệp xã hội chủ nghĩa. Hình ảnh các ống khói cao, một đoàn tàu chở hàng đang chạy và các nhà máy sản xuất thép đã được in trên mặt trước của tờ 100 won phiên bản 1959. Nhà máy thép Kangson, vốn tượng trưng cho sự phát triển công nghiệp của Bắc Triều Tiên, xuất hiện trên tiền giấy phiên bản năm 1979, phản ánh chiến lược phát triển tập trung vào ngành thép. Trên tờ 10 won phát hành năm 1992 có in cửa đập biển Tây, cửa đập thủy điện lớn nhất cả nước, thể hiện sự coi trọng của miền Bắc với ngành thủy điện. Hình ảnh Nhà máy điện Thanh niên sông Yeseong số 1, hoàn thành vào năm 2008, xuất hiện trên tờ tiền 5 won năm 2009 cho thấy Bình Nhưỡng cam kết độc lập trong sản xuất điện và vận hành các cơ sở công nghiệp. Thể hiện thắng lợi của hệ thống xã hội chủ nghĩa và công cuộc phát triển kinh tế, các biểu tượng trên tiền giấy là một công cụ quan trọng để duy trì chế độ.

Lựa chọn của ban biên tập