Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Định hướng cơ bản trong chính sách Bắc Triều Tiên của Chính phủ Biden, chương trình nghị sự Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ

2021-05-06

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ YONHAP News

Ngày 21/5, Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ đầu tiên kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức sẽ được tổ chức tại Washington. Sau đây, nhà bình luận chính trị Lee Jong-hoon sẽ cho chúng ta biết thêm về ý nghĩa của sự kiện quan trọng này.

 

Đây sẽ là Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ đầu tiên kể từ khi Chính phủ Biden lên nắm quyền, đánh dấu thời điểm Washington hoàn thành việc xem xét lại chính sách Bắc Triều Tiên. Quan trọng hơn, đây là bước cuối cùng để Mỹ và Hàn Quốc xác nhận và đồng ý về các thỏa thuận cấp chuyên viên khác nhau, đồng nghĩa với việc Washington đã chuẩn bị xong cho quá trình đối thoại với Bình Nhưỡng. Thêm vào đó, Hội nghị thượng đỉnh lần này được cho là có mục đích nhằm thu gọn khoảng cách trong quan điểm của Hàn Quốc và Mỹ trước khi đối thoại Mỹ-Triều được nối lại.

 

Ngày 30/4 (giờ địa phương), 100 ngày sau khi nhậm chức, Chính phủ Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố đã hoàn thành việc xem xét chính sách đối với Bắc Triều Tiên, khẳng định rõ mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Hàn Quốc bằng một con đường khác với các Chính phủ tiền nhiệm.

 

Thay vì thuật ngữ "phi hạt nhân hóa" mà Chính phủ Biden đã nhiều lần sử dụng kể từ những ngày đầu của nhiệm kỳ, Washington cuối cùng đã áp dụng khái niệm “phi hạt nhân hóa bán đảo Hàn Quốc” mà Seoul luôn nhấn mạnh, đồng nghĩa với việc Hàn Quốc và Mỹ đã giải quyết được khác biệt trong quan điểm về vấn đề này. Bên cạnh đó, Chính phủ Biden cũng có kế hoạch áp dụng một chiến lược mới kết hợp chính sách ngoại giao tiếp cận “từ trên xuống” của cựu Tổng thống Donald Trump và chính sách “kiên nhẫn chiến lược” của cựu Tổng thống Barack Obama. Đây là cách tiếp cận thực tế nhằm tăng cường an ninh cho Mỹ và các đồng minh, đồng thời thúc đẩy ngoại giao với Bắc Triều Tiên.

 

Một ngày sau khi Mỹ tiết lộ nội dung chính sách Bắc Triều Tiên mới, miền Bắc đã đáp trả bằng ba tuyên bố khác nhau. Vụ trưởng Vụ các vấn đề với Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao Bắc Triều Tiên Kwon Jong-gun chỉ trích bài phát biểu đầu tiên trước Quốc hội Mỹ của Tổng thống Joe Biden khi ông Biden tuyên bố sẽ giải quyết các mối đe dọa hạt nhân từ miền Bắc thông qua "ngoại giao và sự răn đe nghiêm khắc."

Trong một tuyên bố khác, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Bắc Triều Tiên đã đưa ra phản ứng gay gắt đáp lại lời chỉ trích của người đồng cấp Mỹ Ned Price khi ông này khẳng định miền Bắc là một trong những quốc gia độc tài nhất trên thế giới.

 

Ông Kwon Jong-gun khẳng định Tổng thống Joe Biden đã phạm "sai lầm lớn" và đưa ra lời đe dọa rằng Bắc Triều Tiên sẽ đáp trả tương ứng chống lại Mỹ. Trước thông tin vài tháng trước Bình Nhưỡng đã từ chối đề xuất nối lại đối thoại của Washington, những phát ngôn gay gắt gần đây của miền Bắc được cho là chiến lược nhằm nâng cao vị thế trước các cuộc đàm phán tương lai với Mỹ.

Trong bối cảnh chính quyền Biden có thể sẽ sử dụng vấn đề nhân quyền tại Bắc Triều Tiên làm đòn bẩy để giải quyết vấn đề hạt nhân, tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao miền Bắc cho thấy nước này đang cố gắng ngăn cản động thái của Mỹ. Khẳng định Washington đã xúc phạm phẩm giá của Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ miền Bắc Kim Jong-un và đang chuẩn bị cho một cuộc thách thức toàn diện, Bình Nhưỡng cho biết sẽ xem xét nghiêm khắc vấn đề này.

 

Khác với hai tuyên bố gây áp lực và cảnh báo đối với Mỹ, phát ngôn của Phó Chủ tịch Ủy ban tuyên truyền đảng Lao động Kim Yo-jong, em gái ông Kim Jong-un, lại chỉ trích Hàn Quốc vì đã không ngăn một nhóm người tị nạn Bắc Triều Tiên rải truyền đơn chống lại nước này ở biên giới hai miền. Việc bất thường cùng lúc đưa ra ba tuyên bố cho thấy Bình Nhưỡng không hài lòng với kết quả việc Washington xem xét lại chính sách với nước này.

 

Bắc Triều Tiên đang chuẩn bị cho các cuộc đàm phán song phương mà nước này biết sẽ sớm được nối lại. Hai tuyên bố mạnh mẽ của các quan chức cấp thấp miền Bắc gián tiếp thể hiện cam kết đối thoại với Mỹ. Trước cảnh cáo của bà Kim Yo-jong rằng Hàn Quốc phải chịu trách nhiệm về việc nhóm người tị nạn thả truyền đơn, một số người lo ngại Bình Nhưỡng có thể sẽ có hành động khiêu khích quân sự. Cũng có ý kiến cho rằng lời cảnh cáo này nhằm mục đích nâng cao khả năng thương lượng của miền Bắc trong các cuộc đàm phán liên Triều trong tương lai.

 

Các phương tiện truyền thông Mỹ đồng loạt đưa tin về việc Bắc Triều Tiên chỉ trích chính sách với nước này của Chính phủ Biden. Đối mặt với các chỉ trích này, Washington đã đưa ra phản ứng nhanh chóng. Xuất hiện trên đài truyền hình ABC (Mỹ) vào ngày 2/5 (giờ địa phương), Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan khẳng định chính sách mới với Bắc Triều Tiên của Mỹ không nhằm mục đích gây thù địch, mà hướng đến giải quyết nhiều vấn đề.

 

Đối với Mỹ, mục tiêu ngắn hạn là ngăn chặn các hành động khiêu khích của Bắc Triều Tiên, mục tiêu trung và dài hạn là thuyết phục nước này trở lại bàn đối thoại. Các phát ngôn của ông Sullivan đưa ra được coi là một đối thoại gián tiếp với Bình Nhưỡng. Qua phát ngôn của cố vấn Sullivan, Mỹ một lần nữa khẳng định đã sẵn sàng tham gia đối thoại với Bắc Triều Tiên vì mục tiêu cuối cùng là phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Hàn Quốc. Tôi cho rằng hai bên có thể sẽ sớm nối lại đối thoại với các cuộc đàm phán cấp chuyên viên.

 

Trong một diễn biến khác, ngày 3/5 (giờ địa phương), Ngoại trưởng Hàn Quốc Chung Eui-yong và người đồng cấp Mỹ Antony Blinken đã có cuộc hội đàm tại London (Anh) bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao và phát triển Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7). Sau khi được biết kết quả xem xét lại chính sách Bắc Triều Tiên của Mỹ, Ngoại trưởng Chung Eui-yong đã bày tỏ hoan nghênh hướng đi thực tế mới của Washington. Hai bên cũng nhất trí hợp tác chặt chẽ vì thành công của Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ dự kiến tổ chức vào ngày 21/5 tới. Hiện tại, dư luận đang dồn sự chú ý vào chương trình nghị sự chính của sự kiện này.

 

Chính phủ Hàn Quốc khẳng định sự cần thiết phải nhanh chóng nối lại đối thoại Mỹ-Triều và hy vọng có thể đạt được tuyên bố chính thức chấm dứt chiến tranh Triều Tiên trong giai đoạn đầu để tạo ra một môi trường thuận lợi cho các cuộc đàm phán trong tương lai. Hàn Quốc cũng mong muốn Mỹ gỡ bỏ một phần các lệnh trừng phạt đối với miền Bắc. Đây là điều Tổng thống Moon Jae-in sẽ đề cập trong Hội nghị thượng đỉnh sắp tới. Tôi cho rằng Mỹ sẽ không hào hứng lắm với việc tuyên bố kết thúc chiến tranh nhưng sẽ phản ứng tích cực với đề xuất nhanh chóng nối lại các cuộc đàm phán. Đồng thời, Washington sẽ không hoàn toàn tiêu cực về việc gỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Trong bối cảnh chính sách với miền Bắc  của Seoul có một số điểm chung với cách tiếp cận theo từng giai đoạn của ông Biden, Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ sẽ được coi là thành công nếu hai bên giải quyết được những điểm còn khác nhau trong quan điểm về vấn đề này.

 

Trong bối cảnh Washington đã hoàn thành việc xem xét lại chính sách với Bắc Triều Tiên, Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ vào cuối tháng này có thể được coi là bước ngoặt quan trọng ảnh hưởng đến tình hình ngoại giao khu vực. Chúng ta hãy cùng chờ xem Bắc Triều Tiên, vốn đang đẩy mạnh những động thái chống lại Mỹ và Hàn Quốc, sẽ có hành động gì tiếp theo.

Lựa chọn của ban biên tập