Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Diễn biến tiến trình hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc trong 4 năm cầm quyền của Tổng thống Moon Jae-in

2021-05-13

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ YONHAP News

Ngày 10/5, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã có bài phát biểu đặc biệt kỷ niệm 4 năm nhậm chức. Trong bối cảnh quan hệ liên Triều lâm vào bế tắc kể từ khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều năm 2019 tại Hà Nội, Việt Nam kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào, ông Moon nhấn mạnh khoảng thời gian một năm còn lại của nhiệm kỳ là “cơ hội cuối cùng” để theo đuổi một “nền hòa bình không thể đảo ngược”, và tái khẳng định quyết tâm thúc đẩy tiến trình hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc. Sau đây, nhà bình luận chính trị Choi Young-il sẽ cho chúng ta biết thêm chi tiết về diễn biến tiến trình hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc kể từ khi Tổng thống Moon lên cầm quyền.

 

Không thể phủ nhận những nỗ lực và thành tựu nhất định mà Chính phủ Tổng thống Moon Jae-in đã đạt được trong quan hệ với Bắc Triều Tiên. Mặc dù dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, lãnh đạo Mỹ-Triều đã tổ chức các cuộc tiếp xúc từ trên xuống và trao đổi thư từ, nhưng quan hệ song phương đã bị đình trệ sau khi Hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội không đạt được kết quả. Hơn nữa, đại dịch COVID-19 bùng phát từ năm ngoái cũng là một trong những nguyên nhân cản trở quan hệ liên Triều, vốn có thể thực hiện các trao đổi kinh tế nhất định. Tôi nghĩ chúng ta nên để ngỏ khả năng cho một bước ngoặt mới trong quan hệ với Bình Nhưỡng khi Tổng thống Moon bày tỏ quyết tâm đặt nền móng cho một “nền hòa bình không thể đảo ngược” trong bài phát biểu kỷ niệm 4 năm nhậm chức.

 

Thời điểm Tổng thống Moon Jae-in nhậm chức vào ngày 10/5/2017, bán đảo Hàn Quốc đang đối mặt với các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa từ Bắc Triều Tiên. Ngay sau khi Tổng thống Moon lên nắm quyền, Bình Nhưỡng đã cho bắn thử một tên lửa đạn đạo tầm trung mới mang tên Hwasong-12 vào ngày 14/5 và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) vào ngày 4/7. Cùng năm đó, nhân dịp tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20), ông Moon đã ra “Tuyên bố Berlin”, trình bày về “Sáng kiến hòa bình bán đảo Hàn Quốc” trong một buổi diễn thuyết theo lời mời của Quỹ Korber (Đức) vào ngày 6/7.

 

Tháng 7/2017 tại Berlin (Đức), Tổng thống Moon Jae-in khẳng định mục tiêu của Hàn Quốc là thiết lập hòa bình vĩnh viễn thay vì làm Bắc Triều Tiên sụp đổ hay sát nhập để thống nhất hai miền. Ông Moon đề xuất xây dựng một vành đai kinh tế và cộng đồng kinh tế hai miền Nam-Bắc bằng dự án đường sắt liên Triều kết nối đến châu Âu. Tổng thống Moon cũng kêu gọi tổ chức các cuộc trao đổi riêng tư, phi chính trị giữa người dân hai miền Nam-Bắc, trong đó đề cập đến việc đoàn tụ các gia đình ly tán. Ông Moon cũng mong muốn miền Bắc tham gia Thế vận hội mùa đông PyeongChang 2018, đề nghị hai nước dừng mọi động thái thù địch dọc biên giới và nối lại đối thoại cấp thượng đỉnh.

 

Bất chấp sáng kiến hòa bình của Tổng thống Moon, Bắc Triều Tiên vẫn tiếp tục các động thái khiêu khích bằng tên lửa và thậm chí còn tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6 vào ngày 3/9/2017. Theo đó, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết cấm các mặt hàng xuất khẩu chính của miền Bắc, trong đó có than đá và dệt may.

 

Tháng 9/2017, Tổng thống Donald Trump đã có phát ngôn gây sốc tại Đại hội đồng Liên hợp quốc khi đe dọa sẽ "hủy diệt hoàn toàn miền Bắc". Đáp lại, Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ áp dụng mọi biện pháp đối phó để tự vệ, khiến quan hệ Mỹ-Triều đóng băng. Đến tháng 11 cùng năm, miền Bắc thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa kiểu mới Hwasong-15 và tuyên bố đã hoàn thiện năng lực hạt nhân. Trong bối cảnh căng thẳng quân sự lên đến đỉnh điểm, Tổng thống Moon bày tỏ mong muốn chuyển hướng sang đàm phán, yêu cầu Mỹ xem xét hoãn các cuộc tập trận quân sự chung giữa hai nước, một động thái thể hiện thông điệp hòa bình tới Bắc Triều Tiên. Ngày 1/1/2018, Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ miền Bắc Kim Jong-un thông báo về khả năng nước này sẽ tham gia Thế vận hội mùa đông PyeongChang trong bài phát biểu năm mới.

 

Tháng 2/2018, phái đoàn của Bắc Triều Tiên, trong đó có Phó Chủ tịch Ủy ban trung ương đảng Lao động Kim Yo-jong, em gái Chủ tịch Kim Jong-un đã đến Hàn Quốc tham dự Olympic mùa đông PyeongChang. Sau đó, tiến trình hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc đã đạt được nhiều bước đột phá khi cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều đầu tiên diễn ra tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm vào ngày 27/4/2018. Hình ảnh lãnh đạo hai miền Nam-Bắc tay trong tay cùng bước qua đường ranh giới quân sự liên Triều đã để lại ấn tượng sâu sắc với người dân trên toàn thế giới. Khi đó, lãnh đạo hai miền đã cùng ký kết Tuyên bố Bàn Môn Điếm, trong đó đồng ý theo đuổi phi hạt nhân hóa, chấm dứt mọi hành động thù địch và thành lập Văn phòng liên lạc liên Triều tại khu công nghiệp liên Triều Gaesung.

Ngày 24/5/2018, Bắc Triều Tiên tiến hành phá dỡ bãi thử nghiệm hạt nhân xã Punggye (huyện Kilju, tỉnh Bắc Hamgyong). Hai ngày sau, Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ hai diễn ra tại lầu gác Thống nhất (Tongilgak), Bàn Môn Điếm. Ngày 12/6 cùng năm, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lịch sử đã được tổ chức tại Singapore và công bố một tuyên bố chung, thể hiện bước chuyển biến mạnh mẽ và bất ngờ trong quan hệ hai nước.

 

Trong bối cảnh Mỹ và Bắc Triều Tiên nằm bên bờ vực chiến tranh vào năm 2017, Chính phủ Tổng thống Moon Jae-in đã đóng vai trò trung gian quan trọng cho trao đổi giữa ba bên, thúc đẩy tiến trình hòa bình bán đảo Hàn Quốc. Trước khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều đầu tiên ở Singapore diễn ra vào tháng 6/2018, Washington và Bình Nhưỡng đã khá căng thẳng về chương trình nghị sự của sự kiện, thậm chí dẫn đến khả năng Hội nghị thượng đỉnh có thể bị hủy. Tuy nhiên, Tổng thống Moon đã xúc tiến Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ hai ngày 26/5, giúp Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ nhất ngày 12/6 diễn ra thành công.

 

Tháng 9/2018, Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba được tổ chức tại thủ đô Bình Nhưỡng của Bắc Triều Tiên.

 

Ông Moon Jae-in đã trở thành Tổng thống Hàn Quốc đầu tiên có bài phát biểu trước 100.000 người dân Bắc Triều Tiên tại Sân vận động 1/5 ở Bình Nhưỡng. Trong bài phát biểu, ông Moon cho biết lãnh đạo hai miền Nam-Bắc đã tuyên bố chấm dứt chiến tranh trên bán đảo Hàn Quốc, mở ra một kỷ nguyên hòa bình vĩnh viễn không có vũ khí hạt nhân và các mối đe dọa đến thế hệ tương lai. Seoul và Bình Nhưỡng cũng ký một thỏa thuận quân sự kêu gọi ngừng mọi động thái thù địch, sau đó cho dỡ bỏ các chòi gác ở Khu phi quân sự liên Triều (DMZ) nhằm xoa dịu căng thẳng quân sự. Theo đó, Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên vẫn giữ mối quan hệ tốt đẹp trong suốt năm 2018.

 

Tuy nhiên, tháng 2/2019, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai tại Hà Nội thất bại, khiến quan hệ giữa Washington và Bình Nhưỡng đóng băng. Tháng 6 năm ngoái, Bắc Triều Tiên đã cho đánh sập tòa nhà Văn phòng liên lạc liên Triều ở Gaesung, phản đối các tổ chức người đào thoát khỏi miền Bắc tại Hàn Quốc rải truyền đơn chống Bình Nhưỡng qua biên giới. Kể từ đó, quan hệ liên Triều lại trở nên căng thẳng. Trong bài phát biểu nhân kỷ niệm 4 năm nhậm chức, Tổng thống Moon Jae-in hoan nghênh việc Chính phủ Tổng thống Mỹ Joe Biden xem xét lại chính sách về Bắc Triều Tiên, gọi đây là cách tiếp cận tuần tự và thiết thực dựa trên nền tảng của Tuyên bố chung Mỹ-Triều 12/6 tại Singapore với mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Hàn Quốc. Ông Moon cho biết Hàn Quốc sẽ phối hợp chặt chẽ với chính sách miền Bắc mới của Mỹ để khôi phục các cuộc đàm phán liên Triều cũng như đối thoại Mỹ-Triều, mở ra khả năng Seoul sẽ một lần nữa đóng vai trò trung gian hòa giải. Tổng thống Moon khẳng định sẽ nỗ lực hết mình để đạt được mục tiêu này trong thời gian một năm còn lại của nhiệm kỳ, giúp hai miền Nam-Bắc và Mỹ có thể giải quyết các vấn đề liên quan và tiến hành một tiến trình hòa bình mới trên bán đảo Hàn Quốc trong nửa cuối năm nay.

Tương tự 4 năm trước, mối quan hệ liên Triều và Mỹ-Triều hiện đang lâm vào vào bế tắc. Chúng ta hãy cùng chờ xem liệu Tổng thống Moon Jae-in có một lần nữa đóng vai trò là người hòa giải để tháo gỡ các nút thắt và kích hoạt lại tiến trình hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc hay không.

Lựa chọn của ban biên tập