Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Các nội dung về Bắc Triều Tiên trong Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ

2021-05-27

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ YONHAP News

Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã được tổ chức vào ngày 21/5 (giờ địa phương) vừa qua, cũng là thời điểm Mỹ hoàn tất xem xét chính sách mới về Bắc Triều Tiên. Kết thúc sự kiện, Tổng thống Moon đánh giá đây là Hội nghị thượng đỉnh tuyệt vời nhất, trong khi Tổng thống Biden cũng thể hiện sự hài lòng với cuộc hội đàm và các quan điểm thẳng thắn của ông Moon. Sau đây, nhà bình luận chính trị Choi Young-il sẽ cho chúng ta biết thêm về ý nghĩa của Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ vừa qua.

 

Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ gần đây có ý nghĩa về nhiều mặt khi tìm kiếm cách giải quyết cho các vấn đề chung của hai nước, trong đó có phương án phát triển quan hệ đồng minh song phương. Ngoài các chủ đề thảo luận thông thường, Seoul mong muốn được Washington chia sẻ công nghệ vắc-xin để đối phó với dịch COVID-19 chủ động hơn, còn Mỹ lại cần các khoản đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc để xây dựng cơ sở hạ tầng chíp bán dẫn. Trong bối cảnh Washington đang cố gắng hạn chế sức ảnh hưởng của Trung Quốc, Seoul cần tìm cách cân bằng giữa hai đối tác thương mại quan trọng này. Có thể nói, Hội nghị thượng đỉnh vừa qua đề cập đến nhiều vấn đề phức tạp và khó khăn hơn bao giờ hết, song Hàn Quốc đã thể hiện được vị thế của mình ở hầu hết các lĩnh vực, và hội nghị được nhiều chuyên gia ngoại giao đánh giá cao.

 

Trong Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ lần này, các vấn đề liên quan đến Bắc Triều Tiên là một trong những phần thu hút nhiều sự chú ý nhất. Sau sự kiện, Tổng thống Biden và Tổng thống Moon đã cùng đưa ra một tuyên bố chung tái khẳng định ngoại giao và đối thoại dựa trên các cam kết liên Triều và Mỹ-Triều trước đó như Tuyên bố Bàn Môn Điếm và Tuyên bố chung Mỹ-Triều tại Singapore năm 2018 là việc cần làm để đạt được phi hạt nhân hóa hoàn toàn và hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo Hàn Quốc. Tuyên bố chung cũng nhấn mạnh sự ủng hộ của ông Biden với đối thoại và hợp tác liên Triều.

 

Chính phủ Hàn Quốc từng lo ngại mối quan hệ Mỹ-Triều dưới thời Tổng thống Joe Biden sẽ không tiến triển hoặc thậm chí xấu đi so với thời cựu Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, kết quả cuộc hội đàm thượng đỉnh cho thấy chính sách Bắc Triều Tiên mà lãnh đạo Hàn-Mỹ nhất trí đã được kế thừa từ những thành tựu trong quá khứ. Đồng thời, Mỹ cũng bày tỏ tôn trọng các thỏa thuận đạt được giữa hai miền Nam-Bắc và lập trường nhất quán của Hàn Quốc về quan hệ Mỹ-Triều. Do đó, việc Seoul và Washington quyết định thảo luận và phối hợp để tìm giải pháp ngoại giao cho vấn đề miền Bắc song song với việc duy trì quan hệ đồng minh mang ý nghĩa rất lớn.

 

Vào tháng 3, Thứ trưởng Ngoại giao Bắc Triều Tiên Choe Son-hui tuyên bố miền Bắc sẽ không tiếp xúc hoặc tham gia đối thoại với Mỹ nếu Washington không rút lại chính sách thù địch với Bình Nhưỡng. Trong một tuyên bố khác vào tháng 5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao miền Bắc đã phản đối mạnh mẽ các chỉ trích của Mỹ về tình trạng nhân quyền tại nước này và coi đó là hành vi xúc phạm Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un. Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ vừa qua được cho là đã giải quyết những vấn đề này mà không gặp trở ngại gì khi Tổng thống Biden cho biết sẵn sàng viện trợ cho người dân miền Bắc, thay vì chỉ trích vấn đề nhân quyền.

Tại cuộc họp báo chung sau Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ, Tổng thống Joe Biden thông báo bổ nhiệm ông Sung Kim làm tân Đặc phái viên phụ trách chính sách Bắc Triều Tiên của Mỹ. Là một nhân vật quen thuộc trong các sự kiện liên quan đến hai miền Nam-Bắc, ông Sung Kim là người đã cùng Thứ trưởng Ngoại giao Bắc Triều Tiên Choe Son-hui lập ra bản thảo thỏa thuận tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều đầu tiên ở Singapore năm 2018. Việc bổ nhiệm nhà ngoại giao kỳ cựu này làm Đặc phái viên phụ trách chính sách miền Bắc được xem là một biện pháp thiết thực của Washington nhằm thể hiện thiện chí đối thoại với Bình Nhưỡng.

 

Sinh ra ở Hàn Quốc, ông Sung Kim chuyển đến Mỹ sinh sống từ thời niên thiếu, sau đó trở thành một nhà ngoại giao và chuyên gia về miền Bắc. Việc bổ nhiệm ông được coi là một lựa chọn thiết thực của Chính phủ Biden để đảm bảo vai trò trung gian có thể làm hài lòng ba bên Hàn-Mỹ-Triều. Trước đó, có suy đoán rằng Mỹ có thể sẽ lần đầu tiên bổ nhiệm một Đặc phái viên về nhân quyền ở Bắc Triều Tiên, một động thái có thể được coi là sự xúc phạm đến Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, việc bổ nhiệm một Đặc phái viên phụ trách liên lạc với miền Bắc được cho là một động thái tích cực cho thấy Washington ưu tiên giao tiếp về mặt ngoại giao.

 

Mặt khác, thỏa thuận chấm dứt Hướng dẫn phát triển tên lửa của liên quân Hàn-Mỹ được cho là một thành tựu quan trọng về quân sự trong Hội nghị thượng đỉnh lần này. Điều này có nghĩa là Hàn Quốc đã được khôi phục “chủ quyền tên lửa” sau 42 năm.

 

Hướng dẫn phát triển tên lửa có hiệu lực từ năm 1979 dưới thời cố Tổng thống Park Chung-hee nhằm đưa ra giới hạn về tầm bắn và trọng lượng đầu đạn tên lửa của Hàn Quốc lần lượt là 180 km và 500 kg, trên thực tế đã cản trở Seoul phát triển tên lửa một cách độc lập. Hướng dẫn này sau đó đã được sửa đổi 4 lần, dần mở rộng phạm vi lên 800 km để đưa bán đảo Hàn Quốc vào tầm bắn và dỡ bỏ hạn chế trọng lượng đầu đạn. Tại Hội nghị thượng đỉnh gần đây, lãnh đạo Mỹ-Triều đã nhất trí xóa bỏ hướng dẫn này, khôi phục lại chủ quyền tên lửa cho Hàn Quốc.

 

Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông đầu tiên sau Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết “quả bóng giờ đây đang nằm trên sân của miền Bắc”, ám chỉ đối thoại Mỹ-Triều có thể tiếp tục hay không là tùy thuộc vào Bắc Triều Tiên. Trong khi đó, miền Bắc vẫn giữ im lặng và chỉ chấp nhận lời đề nghị giải thích chính sách mới về nước này của Mỹ. Báo Lao động, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động miền Bắc, đã không đề cập đến Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ mà chủ yếu tập trung vào các vấn đề trong  nước. Vì vậy, các động thái tiếp theo của Bình Nhưỡng đang thu hút được nhiều sự chú ý.

 

Trên hết, lãnh đạo hai nước Hàn-Mỹ đã sử dụng cụm từ “phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Hàn Quốc", vốn đã được Bắc Triều Tiên nhất trí, để mở rộng cơ hội cho Bình Nhưỡng tham gia đối thoại. Câu hỏi được đặt ra lúc này là phản ứng của miền Bắc, liệu nước này sẽ tập trung khiêu khích trong giai đoạn đầu để nâng khả năng thương lượng hay sẽ yêu cầu đối thoại thẳng thắn. Trong bối cảnh này, điều đáng tiếc là Mỹ lại không đưa ra lập trường cụ thể nào sau khi tuyên bố sẽ từ bỏ chính sách thù địch với miền Bắc. Mặc dù Bình Nhưỡng có tỏ thái độ mạnh mẽ và lời lẽ gay gắt đi chăng nữa, vẫn có hy vọng miền Bắc sẽ tham gia đối thoại. Chúng ta cần lường trước các kịch bản khác nhau và chờ đợi các động thái tiếp theo của Bắc Triều Tiên.

Lựa chọn của ban biên tập