Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Mỹ bổ nhiệm Đặc phái viên về nhân quyền Bắc Triều Tiên

2021-06-17

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ YONHAP News

Tại phiên điều trần của Ủy ban ngoại giao Hạ viện Mỹ ngày 7/6 (giờ địa phương), Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Washington dự kiến bổ nhiệm một Đặc phái viên về nhân quyền Bắc Triều Tiên nhưng không tiết lộ thời điểm bổ nhiệm do việc lựa chọn nhân sự phù hợp cho vị trí này phức tạp và phải mất một khoảng thời gian. Sau đây, nhà bình luận chính trị Choi Young-il sẽ cho chúng ta biết chi tiết hơn về động thái này của Mỹ.

 

Trước sự quan tâm sâu sắc của Mỹ đến tình hình nhân quyền ở Trung Quốc và Bắc Triều Tiên, việc bổ nhiệm một Đặc phái viên Mỹ về nhân quyền miền Bắc đã sớm được dự đoán từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức. Theo đó, Mỹ sẽ áp dụng chiến lược là một mặt ngoại giao với Bắc Triều Tiên thông qua Đặc phái viên phụ trách chính sách với miền Bắc, mặt khác gây sức ép với nước này về vấn đề nhân quyền. Việc bổ nhiệm Đặc phái viên Mỹ về nhân quyền miền Bắc có thể mất tới vài tháng trong bối cảnh Washington đang nỗ lực nối lại đối thoại với Bình Nhưỡng thông qua tân Đặc phái viên phụ trách chính sách Bắc Triều Tiên.

 

Năm 2004, Mỹ ban hành Luật nhân quyền Bắc Triều Tiên, thiết lập mới chức Đặc phái viên về nhân quyền miền Bắc thuộc Bộ Ngoại giao, nhằm kêu gọi cải thiện nhân quyền của người dân miền Bắc, cung cấp hỗ trợ nhân đạo và bảo vệ những người đào tẩu Bắc Triều Tiên. Từ năm 2005 đến năm 2008, luật này cũng quy định ngân sách hàng năm là 24 triệu USD để tài trợ cho các hoạt động liên quan đến nhân quyền tại miền Bắc. Là luật đầu tiên về vấn đề nhân quyền tại Bắc Triều Tiên được Quốc hội Mỹ phê duyệt, luật này đã thu hút được nhiều sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Năm 2005, cựu Phó Cố vấn chính sách đối nội của Nhà Trắng Jay Lefkowitz được bổ nhiệm làm Đặc phái viên về nhân quyền Bắc Triều Tiên.

Năm 2008, Quốc hội Mỹ tiếp tục nhất trí thông qua Luật nhân quyền Bắc Triều Tiên nhằm kêu gọi cải thiện tình hình nhân quyền nghiêm trọng tại miền Bắc và bảo vệ những người đào tẩu từ nước này. Một năm sau đó, ông Robert King được bổ nhiệm làm Đặc phái viên về nhân quyền miền Bắc.

 

Khác với người tiền nhiệm Jay Lefkowitz, vốn chỉ tạm thời đảm nhận vị trí, ông Robert King có vị thế cao hơn với cấp bậc Đại sứ được Thượng viện phê chuẩn. Trong bối cảnh người dân Bắc Triều Tiên rất cần được viện trợ nhân đạo, Đặc phái viên Robert King đã thúc đẩy các cuộc đàm phán với miền Bắc, nhờ đó Chương trình Lương thực thế giới (WFP) đã có thể hỗ trợ lương thực và y tế cho cho người dân và trẻ em nước này. Đây là thời kỳ vấn đề nhân quyền tại Bắc Triều Tiên nhận được sự chú ý của thế giới, cũng là giai đoạn nước này tập trung phát triển vũ khí hạt nhân. Các nước liên quan đã tổ chức các cuộc đàm phán hạt nhân 6 bên nhằm kêu gọi miền Bắc từ bỏ tham vọng hạt nhân và ông Robert King cũng đã đứng sau góp phần lớn thúc đẩy quá trình tổ chức các cuộc đàm phán đa phương này.

 

Tuy nhiên kể từ tháng 1/2017 khi ông Robert King thôi giữ chức vụ, vị trí Đặc phái viên về nhân quyền Bắc Triều Tiên đã bị bỏ trống. Kể từ khi lên nắm quyền, Chính phủ Tổng thống Joe Biden đã nhiều lần bày tỏ lo ngại về các vi phạm nhân quyền của miền Bắc, để ngỏ kế hoạch bổ nhiệm một tân Đặc phái viên về nhân quyền Bắc Triều Tiên. Trong thời gian diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ vào tháng 5 vừa qua, Tổng thống Biden bất ngờ công bố bổ nhiệm Quyền trợ lý Ngoại trưởng phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương Sung Kim giữ chức tân Đặc phái viên phụ trách chính sách miền Bắc, người sẽ phụ trách đàm phán với Bình Nhưỡng.

 

Quyết định bổ nhiệm Đặc phái viên phụ trách chính sách Bắc Triều Tiên trước Đặc phái viên về nhân quyền miền Bắc là một động thái bất ngờ của Washington, cho thấy Mỹ tôn trọng mong muốn thúc đẩy tiến trình hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc của Tổng thống Moon Jae-in. Việc bổ nhiệm ông Sung Kim cho thấy chính quyền Tổng thống Biden đang để ngỏ khả năng đối thoại với Bình Nhưỡng, mở ra hy vọng tạo ra một kênh đối thoại Mỹ-Triều trước khi tân Đặc phái viên về nhân quyền Bắc Triều Tiên được bổ nhiệm.

 

Trong một diễn biến khác, Bình Nhưỡng phản đối gay gắt Luật nhân quyền Bắc Triều Tiên của Mỹ, gọi đây là hành động tạo dựng môi trường để lật đổ chế độ nước này và là một chính sách thù địch chống lại miền Bắc. Đáp trả lại các chỉ trích của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price rằng Bắc Triều Tiên là một trong những quốc gia đàn áp, toàn trị nhất thế giới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao miền Bắc đã cáo buộc Mỹ xúc phạm đến “sự tôn nghiêm tối cao” của nước này.

 

Bắc Triều Tiên phủ nhận mọi cáo buộc vi phạm nhân quyền, đồng thời không công nhận các báo cáo thường kỳ và không thường kỳ của Mỹ hoặc Liên hợp quốc về tình hình nhân quyền tại miền Bắc. Bình Nhưỡng tự coi đây là một chính sách thù địch và là động thái can thiệp nội bộ, hạ thấp nước này của Mỹ và cộng đồng quốc tế. Do đó, Đặc phái viên Mỹ về nhân quyền Bắc Triều Tiên, Luật nhân quyền Bắc Triều Tiên và các nghị quyết của Liên hợp quốc liên quan đến vấn đề nhân quyền đã trở thành một chủ đề nhạy cảm và tiêu cực với miền Bắc. Bình Nhưỡng khả năng cao sẽ phản ứng gay gắt nếu Washington bổ nhiệm tân Đặc phái viên về nhân quyền Bắc Triều Tiên.

 

Tại Hội nghị thượng đỉnh G7 tổ chức tại Cornwall, Anh, từ ngày 11-13/6 với 4 khách mời là Hàn Quốc, Úc, Nam Phi và Ấn Độ, các nước tham gia đã thảo luận nhiều vấn đề cấp thiết đang chờ giải quyết, như phương án khắc phục đại dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu. Đáng chú ý, những quan ngại liên quan đến vấn đề nhân quyền tại Bắc Triều Tiên cũng được nêu trong tuyên bố chung sau hội nghị.

 

Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ vào tháng 5 đã giải quyết cơ bản vấn đề nhân quyền của Bắc Triều Tiên, đồng thời đề cập đến “phi hạt nhân hóa bán đảo Hàn Quốc”, một thuật ngữ mà Bắc Triều Tiên có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, các vấn đề này đã được đề cập cụ thể hơn trong tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh G7, vốn có nội dung thúc giục miền Bắc phi hạt nhân hóa bán đảo Hàn Quốc một cách toàn diện, từ bỏ chương trình tên lửa đạn đạo và vũ khí hủy diệt hàng loạt một cách có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược. Hội nghị thượng đỉnh G7 với sự tham dự của lãnh đạo các nền kinh tế toàn cầu đã đề cập đến vấn đề nhân quyền tại Bắc Triều Tiên, kêu gọi nước này tôn trọng nhân quyền của người dân, một thông điệp khó có thể nhận được phản ứng tích cực từ miền Bắc. Chúng ta cần chờ xem Bắc Triều Tiên sẽ có động thái gì trước diễn biến mới này.

Lựa chọn của ban biên tập