Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Bắc Triều Tiên thắt chặt chính sách kiểm soát tư tưởng

2021-07-01

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ KBS

Ngày 29/6, báo Lao động, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Bắc Triều Tiên, đã đăng một bài xã luận với tiêu đề “Hệ tư tưởng là vũ khí uy lực nhất trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội”, kêu gọi người dân tham gia cuộc chiến về hệ tư tưởng trong bối cảnh tư tưởng quốc gia đang rơi vào “tình trạng trầm trọng”. Trên thực tế, truyền thông miền Bắc gần đây đang nhấn mạnh sự cần thiết phải thận trọng trước các luồng văn hóa tư bản nhằm thắt chặt kỷ luật tư tưởng trong nhân dân. Sau đây, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về chính sách kiểm soát tư tưởng của Bình Nhưỡng cùng nhà nghiên cứu Hong Min đến từ Phòng nghiên cứu Bắc Triều Tiên thuộc Viện nghiên cứu thống nhất.

 

Trong bối cảnh Bắc Triều Tiên gặp khó khăn kinh tế do chịu các lệnh trừng phạt quốc tế, thêm vào đó là dịch COVID-19 buộc nước này phải phong tỏa thành phố, hạn chế sự đi lại khiến người dân dễ rơi vào tình trạng mệt mỏi, lơ là kỷ luật và tư tưởng trong đời sống xã hội. Tình hình này đòi hỏi Bình Nhưỡng phải có chính sách vực dậy tinh thần đấu tranh của nhân dân. Trên thực tế, nếu muốn nắm quyền ít nhất 20, 30 năm nữa,  Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un cần song hành cùng thế hệ những người được trải qua hoặc sinh ra sau khi nền kinh tế thị trường được thành lập từ nửa cuối thế kỷ XIX, vốn là nhóm tuổi chiếm phần lớn dân số và hoạt động xã hội sôi nổi, cũng là đối tượng cần thiết lập kỷ luật tư tưởng ngay từ giai đoạn đầu.

 

Kể từ sau khi Chủ tịch Kim Jong-un lên nắm quyền, miền Bắc đã thắt chặt chính sách kiểm soát tư tưởng để phù hợp với sự chuyển giao các thế hệ trong xã hội, nhằm ngăn chặn sự khao khát thế giới bên ngoài và mất lòng tin vào chế độ của người dân. Các phương tiện truyền thông miền Bắc cũng đã nhấn mạnh chính sách này với bài báo "Thế hệ chủ lực mới chưa được tôi rèn qua thử thách cách mạng đã xuất hiện."

 

Tương tự người dân nhiều nước trên khắp thế giới, thanh thiếu niên Bắc Triều Tiên cũng rất yêu thích làn sóng văn hóa Hàn Quốc Hallyu, vốn được truyền bá qua các thiết bị lưu trữ nhỏ như USB. Hình ảnh, lối nói chuyện trong phim, hoặc đơn giản chỉ là đồ đạc và đồ trang trí nội thất trong các sản phẩm giải trí Hàn Quốc, khiến giới trẻ miền Bắc bị sốc khi nhận ra sự khác biệt với những gì được nghe trước đây. Tuy bị cấm, hàng hóa Hàn Quốc vẫn được người dân miền Bắc mua bất hợp pháp với giá cao vì có chất lượng tốt. Dưới góc nhìn của Chủ tịch Kim Jong-un, lòng tin vào chất lượng hàng hóa sẽ đi cùng lòng tin vào quốc gia sản xuất ra nó, điều này có thể dẫn đến rạn nứt lòng tin vào chế độ của người dân.

 

Tháng 12/2020, phiên họp toàn thể Ủy ban thường trực Hội đồng nhân dân tối cao miền Bắc đã thông qua 4 luật mới, trong đó có Luật chống tư tưởng văn hóa phản động, với mục đích ngăn chặn sự xâm nhập văn hóa ngoại lai, trong đó có văn hóa Hàn Quốc, cũng như làn sóng văn hóa tư bản đang lan rộng trong nước, đồng thời tăng cường đoàn kết nội bộ.

Trên thực tế, chính sách kiểm soát tư tưởng đã được duy trì tại Bắc Triều Tiên xuyên suốt dưới ba đời cầm quyền của gia tộc họ Kim. Theo đó, người dân miền Bắc được giáo dục tư tưởng chính trị ngay từ khi còn nhỏ và phải chịu kiểm soát về mặt tư tưởng suốt đời.

 

Chính sách kiểm soát tư tưởng đã được thực hiện tinh vi và chặt chẽ hơn 70 năm kể từ khi Chính phủ Bắc Triều Tiên thành lập, từ chương trình giáo dục bắt buộc kéo dài 11 năm, chính sách thần tượng hóa gia tộc họ Kim, các khóa học về tư tưởng cần thiết cho đảng và quốc gia, cho đến các nội dung đăng trên các phương tiện truyền thông như báo Lao động, hay các tổ chức xã hội. Trên thực tế, tôi nghĩ rằng rất khó thay đổi cơ bản cách chính quyền miền Bắc kiểm soát tư tưởng người dân, vốn là một hệ thống đã tồn tại hơn 70 năm.

 

Vào đầu tháng 3 năm nay, Chủ tịch Kim Jong-un đã gây chú ý khi đích thân tham dự Hội nghị tập huấn Bí thư đảng cấp huyện, thành phố, vốn là sự kiện nhằm truyền đạt lại các quyết định được đưa ra tại Hội nghị toàn thể Ủy ban trung ương đảng trước đó.

 

Các sự kiện cho lãnh đạo cấp thấp ít khi được tổ chức dưới thời hai cố Chủ tịch Kim Nhật Thành và Kim Jong-il. Do đó, Hội nghị tập huấn Bí thư đảng cấp huyện, thành phố với sự tham gia của Chủ tịch Kim Jong-un lần này được coi là một động thái bất thường của miền Bắc. Là những quan chức quyền lực nhất tại địa phương do chính ông Kim bổ nhiệm, vai trò của Bí thư huyện, thành phố trong công tác giáo dục tư tưởng là rất quan trọng. Đây là lý do ông Kim Jong-un tổ chức Hội nghị tập huấn lần này, phản ánh sự cấp bách trong chính sách kiểm soát tư tưởng của Bình Nhưỡng, đồng thời phản ánh sự lo ngại về việc giáo dục thế hệ trẻ không đúng cách có thể gây ra vết nứt trong cấu trúc xã hội.

 

Tại Hội nghị Bí thư chi bộ đảng Lao động vào tháng 4, Chủ tịch Kim Jong-un phát biểu không thể bàng quan trước tình trạng tư tưởng của thế hệ thanh niên thêm nữa, và nhấn mạnh sự cần thiết phải chấn chỉnh tư tưởng người dân. Nhân kỷ niệm ba năm Tuyên bố Bàn Môn Điếm 27/4 vừa qua, Bắc Triều Tiên đã tổ chức Đại hội Đoàn thanh niên sau 5 năm và kêu gọi ý thức tự trang bị tư tưởng trong thế hệ trẻ, đối tượng chính của chính sách kiểm soát tư tưởng.

 

Giới trẻ Bắc Triều Tiên nhận thấy vai trò và sự cần thiết phải phụ thuộc vào Nhà nước. Chứng kiến cha mẹ kiếm sống ở chợ tư nhân, thanh thiếu niên miền Bắc quan tâm nhiều hơn đến cách kiếm tiền, cũng như xuất hiện tâm lý mệt mỏi, bất an với việc phải sống lâu dài trong chế độ hiện tại. Thế hệ trẻ, trung tâm của tháp dân số, đang làm các nhà chức trách miền Bắc phải đau đầu vì những tài liệu và phương pháp giáo dục cũ đã trở nên lạc hậu, không còn hiệu quả. Ông Kim Jong-un gần đây đã nhấn mạnh phương án tận dụng các phương tiện truyền thông để thuyết phục giới trẻ. Việc bổ nhiệm ngôi sao Hyon Song-wol, một người nổi tiếng được thế hệ trẻ yêu mến, làm Phó Chủ tịch Ủy ban tuyên truyền là minh chứng cho thấy nỗ lực của Bình Nhưỡng trong việc áp dụng các phương pháp tuyên truyền hiệu quả hơn nhằm chiếm được cảm tình của giới trẻ.

 

Trong bối cảnh miền Bắc đang phải chịu những khó khăn kinh tế nghiêm trọng, việc kiểm soát thế hệ trẻ, hay còn gọi là thế hệ chợ tư nhân, đã trở thành một yếu tố quan trọng để duy trì chế độ. Tuy nhiên, chúng ta hãy cùng chờ xem chính sách kiểm soát tư tưởng đối với thế hệ trẻ có thể hiệu quả trong bao lâu khi các luồng thông tin và văn hóa bên ngoài tuy bị hạn chế nhưng vẫn đang được truyền bá ngày càng nhiều trong xã hội Bắc Triều Tiên.

Lựa chọn của ban biên tập