Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Bình Nhưỡng và Bắc Kinh kỷ niệm 60 năm Hiệp ước hữu nghị, hợp tác và tương trợ Trung-Triều

2021-07-15

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ Getty Images Bank

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Hiệp ước hữu nghị, hợp tác và tương trợ Trung-Triều 11/7, Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã trao đổi thư từ thể hiện quyết tâm tăng cường quan hệ song phương. Ngày 9/7, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ miền Bắc Choe Ryong-hae đã chủ trì một bữa tiệc thiết đãi Đại sứ Trung Quốc tại Bình Nhưỡng Lý Tiến Quân, khẳng định mối quan hệ bền chặt giữa hai nước. Sau đây, nhà bình luận chính trị Lee Jong-hoon sẽ giải thích ý nghĩa của sự kiện kỷ niệm này.


Trong bối cảnh xung đột Mỹ-Trung leo thang, và Bắc Triều Tiên đang nỗ lực giành ưu thế trong các cuộc đàm phán trong tương lai với Mỹ, cả Bình Nhưỡng và Bắc Kinh đều hy vọng có thể làm nổi bật tình hữu nghị song phương nhân dịp kỷ niệm này nhằm tạo đòn bẩy cho nhau trong quá trình đàm phán với Washington. Đây là lý do lãnh đạo hai nước trao đổi thư từ và tổ chức tiệc kỷ niệm tại Bình Nhưỡng.


Theo toàn văn thông điệp trao đổi giữa lãnh đạo Trung-Triều được Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) công bố, Trung Quốc và miền Bắc có chung mong muốn về tăng cường hợp tác, nhưng lại khác biệt về chính sách đối ngoại. Thông điệp của Bắc Triều Tiên sử dụng những cách diễn đạt mạnh mẽ như “các động thái thách thức và cản trở của thế lực thù địch” hay “tình hình quốc tế phức tạp chưa từng có”. Trong khi đó, thông điệp của Trung Quốc tập trung nhiều hơn vào các mối quan hệ thiết thực khi sử dụng các thuật ngữ như “giao tiếp chiến lược” hay “phát triển kinh tế và cuộc sống cho người dân”.


Bắc Triều Tiên và Trung Quốc đồng quan điểm trong việc cần phát triển quan hệ hữu nghị và ứng phó với môi trường hợp tác đang thay đổi, cho thấy hai bên đều coi Mỹ là mối đe dọa chung. Tuy nhiên, trong khi Bắc Kinh kiềm chế không trực tiếp chỉ trích Washington, Bình Nhưỡng lại nhấn mạnh chủ nghĩa xã hội và phong trào tự chủ chống đế quốc, khẳng định sự tương đồng trong ý thức hệ với Trung Quốc cũng như thể hiện sự bất mãn với Mỹ. Lý do cho sự khác biệt này là vì các chiến tuyến Trung Quốc đang phải đối đầu đã được mở rộng, khi eo biển Đài Loan được đặt trong tình trạng báo động cao do các hoạt động quân sự của Mỹ, hơn nữa hai nước cũng đang cạnh tranh khốc liệt về kinh tế và xung đột liên quan đến trách nhiệm cho đại dịch COVID-19. Nhưng do không thể từ bỏ trao đổi thương mại với Washington, Bắc Kinh không muốn phải mở rộng xung đột về vấn đề Bắc Triều Tiên. Ngược lại, do cần tối đa hóa khả năng thương lượng trước khi ngồi vào bàn đàm phán, miền Bắc đã lợi dụng dịp kỷ niệm này để gây sức ép với Mỹ, áp dụng chiến thuật “Bên miệng hố chiến tranh”, tức đẩy căng thẳng đến bờ vực xung đột trực tiếp.


Quan hệ hữu nghị Trung-Triều bắt đầu từ những năm 1940. Bắc Triều Tiên hỗ trợ quân sự cho quân cộng sản của Mao Trạch Đông trong Nội chiến Trung Quốc (1927-1949), Trung Quốc sau đó cũng tham gia vào chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) để hỗ trợ miền Bắc. Từ đó, hai nước trở thành đồng minh máu thịt trên cả danh nghĩa và thực tế. Quan hệ Trung-Triều đã được thắt chặt hơn nữa vào ngày 11/7/1961, khi Chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Nhật Thành cùng Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai ký Hiệp ước hữu nghị, hợp tác và tương trợ Trung-Triều, được đánh giá là hiệp ước hợp tác ở mức độ cao nhất giữa hai nước.


Điều 2 của hiệp ước này quy định Trung Quốc và Bắc Triều Tiên có nghĩa vụ cùng nhau ngăn chặn nếu một trong hai nước bị xâm lược, đồng thời phải cung cấp quân đội và các viện trợ khác ngay lập tức, khẳng định mối quan hệ đồng minh máu thịt giữa hai nước. Khác với Hiệp ước hữu nghị mà miền Bắc ký với Liên Xô trước đó, Hiệp ước hữu nghị, hợp tác và tương trợ Trung-Triều có điều khoản gia hạn tự động. Hiệp ước với Liên Xô đã bị hủy vào năm 1995, ngay sau khi Liên Xô giải thể. Bắc Triều Tiên sau đó đã ký thêm một hiệp ước với Nga vào năm 2000, nhưng hiệp ước này cũng không có điều khoản tự động can thiệp quân sự, cho thấy sự khác biệt rõ ràng trong cách đối xử của Bình Nhưỡng với Bắc Kinh và Matxcơva.


Kể từ khi ký Hiệp ước hữu nghị, hợp tác và tương trợ Trung-Triều vào năm 1961, quan hệ giữa hai bên đã có những bước tiến và lùi do những thay đổi của tình hình chính trị toàn cầu. Quan hệ Trung-Triều lâm vào khủng hoảng vào tháng 8/1992 khi Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc. Ngoài ra, sự ra đi của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành vào năm 1994 đã chấm dứt thân hữu giữa lãnh đạo hai nước, vốn là nền móng cho quan hệ song phương Trung-Triều.


Trong bối cảnh Liên Xô cũ sụp đổ làm tổng thể khối xã hội chủ nghĩa bị phá vỡ và Trung Quốc lại nghiêm túc thực hiện chính sách cải cách và mở cửa, Bắc Triều Tiên đã gặp áp lực vì vẫn duy trì hệ thống xã hội chủ nghĩa. Sau khi Chủ tịch Kim Nhật Thành qua đời, người kế nhiệm là Chủ tịch Kim Jong-il đã chọn phát triển vũ khí hạt nhân làm phương tiện đảm bảo độc lập, một động thái làm Trung Quốc không hài lòng, thậm chí còn hợp tác với các cường quốc khác gây áp lực lên miền Bắc. Kết quả là quan hệ Trung-Triều bước vào giai đoạn căng thẳng và xung đột, việc nhận viện trợ từ Bắc Kinh không được suôn sẻ. Do đó Bình Nhưỡng đã áp dụng chính sách “tự lực cánh sinh”, dẫn đến thời kỳ khó khăn kinh tế cùng cực mang tên “cuộc hành quân gian khổ”. Bắt đầu từ những năm 2000, quan hệ Trung-Triều mới được khôi phục. Cố Chủ tịch Kim Jong-il cho rằng cần phải có được sự công nhận của Trung Quốc để người kế nhiệm có thể điều hành đất nước một cách ổn định hơn.


Sau khi Chủ tịch Kim Jong-un lên nắm quyền, quan hệ Trung-Triều rơi vào tình trạng tồi tệ nhất từ trước đến nay. Miền Bắc đã tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ ba vào năm 2013 ngay sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình nhậm chức, Bình Nhưỡng còn xử tử quan chức thân Trung Quốc là ông Jang Song-thaek. Theo đó, Trung Quốc đã thể hiện thái độ tích cực trong các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ đối với Bắc Triều Tiên. Thêm vào đó, Chủ tịch Tập đã có động thái bất ngờ khi đến thăm Hàn Quốc trước Bắc Triều Tiên. Năm 2017, quan hệ Trung-Triều bắt đầu được cải thiện trở lại sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố đã hoàn tất chương trình hạt nhân.


Bất kể Bắc Triều Tiên có thực sự hoàn tất phát triển vũ khí hạt nhân hay không, Trung Quốc cũng phải công nhận mục tiêu mạnh mẽ và nhất quán của miền Bắc và bắt đầu thể hiện tầm ảnh hưởng của mình đến nước này. Chủ tịch Kim Jong-un đã có 4 chuyến thăm tới Trung Quốc từ tháng 3/2018 đến tháng 1/2019. Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đã thăm Bắc Triều Tiên vào tháng 6/2019, đánh dấu chuyến thăm miền Bắc đầu tiên của một nhà lãnh đạo Trung Quốc trong 14 năm. Mặc dù không hoàn toàn hài lòng với Bình Nhưỡng, Bắc Kinh vẫn cần phải duy trì quan hệ chặt chẽ với nước này nhằm làm đòn bẩy trong các cuộc đàm phán với Washington. Đây là lý do mà Trung Quốc sẽ can thiệp khi quan hệ liên Triều hay Mỹ-Triều có dấu hiệu tích cực.


Trong bối cảnh Trung Quốc tìm cách nắm bắt Bắc Triều Tiên vì giá trị chiến lược của miền Bắc đã tăng lên, còn Bình Nhưỡng có ý định lợi dụng Bắc Kinh để chống lại Washington, quan hệ Trung-Triều giờ đây lấy lợi ích chiến lược làm nền tảng thay vì tình đồng minh máu thịt. Điều này đồng nghĩa với việc Mỹ và Hàn Quốc phải cân nhắc nhiều yếu tố hơn, do đó các cuộc đàm phán dự kiến sẽ phức tạp hơn. Trên cương vị là một cường quốc kinh tế và quân sự, Hàn Quốc cần phải tận dụng tối đa các lợi thế của chính mình để có một cách tiếp cận chiến lược khôn ngoan. Đó là bởi quan hệ Trung-Triều không chỉ là chuyện của riêng hai nước này mà còn là vấn đề cần được đặt trong bối cảnh chính trị quốc tế phức tạp, và ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình ngoại giao trên bán đảo Hàn Quốc.

Lựa chọn của ban biên tập