Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Truyện “Người con gái hiếu thảo Shim Cheong” ở Bắc Triều Tiên

2021-07-15

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ Getty Images Bank

Ở Hàn Quốc, có lẽ không ai là không biết đến truyện “Người con gái hiếu thảo Shim Cheong”, truyện dân gian ca ngợi tấm lòng hiếu thảo tiêu biểu trên bán đảo Hàn Quốc lấy bối cảnh thời Joseon (thế kỷ XVI đến XIX), vốn là thời đại coi trọng chữ hiếu. Kể từ sau chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), truyện dân gian vốn được yêu thích trên cả nước này đã dần mang ý nghĩa khác nhau ở hai miền Nam-Bắc. Hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu về cách diễn giải truyện “Người con gái hiếu thảo Shim Cheong” ở Bắc Triều Tiên cùng tiến sĩ Yee Ji-sun đến từ Viện nghiên cứu thống nhất.


Bối cảnh của việc cải biên truyện tại Bắc Triều Tiên

Ngay sau khi giải phóng khỏi ách đô hộ của thực dân Nhật, Bắc Triều Tiên đã thành lập một số đoàn nghệ thuật nhằm tạo ra một nền văn hóa dân tộc mới phù hợp với xã hội chủ nghĩa. Được thành lập vào thời điểm đó, Đoàn kịch quốc gia đã dàn dựng nhiều vở diễn khác nhau nhằm kế thừa văn hóa dân tộc. Để phù hợp với chế độ xã hội chủ nghĩa, nhiều truyền thuyết và truyện dân gian, trong đó có “Người con gái hiếu thảo Shim Cheong”, đã được chuyển thể thành Changgeuk (Xướng kịch), một thể loại nhạc kịch truyền thống. Năm 1988, truyện “Người con gái hiếu thảo Shim Cheong” đã được cải biên theo phong cách tương tự tác phẩm nhạc kịch “Bể máu” nổi tiếng của miền Bắc, vốn là thể loại kết hợp các yếu tố truyền thống với chủ nghĩa xã hội, đồng thời thay đổi hành vi và tư tưởng của nhân vật để đề cao tinh thần chủ nghĩa xã hội.


Sự thay đổi của chi tiết bi kịch trong truyện tại Bắc Triều Tiên

Trong bản Pansori gốc, phân cảnh người cha mù phải đi xin sữa cho con sau khi vợ qua đời rất buồn và u ám. Tuy nhiên, trong phiên bản Bắc Triều Tiên, người dân đã cùng nhau giúp đỡ và nuôi dạy đứa trẻ vì cảm động trước tình yêu dành cho con của ông Shim và thương xót cho hai cha con, thể hiện sự đề cao sức mạnh tập thể. Khác với tình tiết bi kịch trong bản Pansori, phiên bản của miền Bắc kể lại việc mọi người cùng nhau nuôi dạy đứa bé lớn lên thành một cô gái ngoan và lạc quan để chăm sóc người cha mù.


Yếu tốc giai cấp trong phiên bản Bắc Triều Tiên của truyện

Trong truyện gốc, để có được 300 đấu gạo cúng thần đem chữa mắt cho người cha già, Shim Cheong đã từ chối sự giúp đỡ của phu nhân Jang Seung-sang, người coi cô như con gái, và bán mình làm vật tế cho các ngư dân rồi gieo mình xuống biển. Phiên bản truyện của Bắc Triều Tiên chỉ trích việc một người thuộc tầng lớp quý tộc như phu nhân Jang Seung-sang giúp đỡ Shim Cheong, nhân vật đại diện cho người dân thường, là phóng đại và không thực tế. Miền Bắc diễn giải việc Shim Cheong từ chối lời đề nghị của phu nhân Jang là để giữ lời hứa với các thủy thủ, đề cao đạo đức và lương tâm con người bên cạnh lòng hiếu thảo.

Bắc Triều Tiên nhấn mạnh đến sự xung đột giữa giai cấp thống trị và giai cấp bị trị, nên không đề cao một kết thúc có hậu cho các nhân vật chính thuộc tầng lớp quý tộc. Vì vậy, miền Bắc đã bỏ đi thân phận quý tộc của Shim Cheong và cha trong truyện, mà giải thích họ phải chịu khốn khổ là do những hạn chế của chế độ phong kiến. Được ca ngợi như một biểu tượng của lòng hiếu thảo và là một nhân vật mà người dân noi theo, Shim Cheong cần trở thành đại diện của người dân chứ không phải tầng lớp thượng lưu.


Các yếu tốc xã hội chủ nghĩa trong phiên bản Bắc Triều Tiên của truyện

Tương tự Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên cũng đơn giản hóa các tác phẩm văn học cổ cho đối tượng độc giả là trẻ em, nhưng đồng thời cũng đưa vào truyện các yếu tố xã hội chủ nghĩa. Không miêu tả ngoại hình xinh đẹp của Shim Cheong như phiên bản Hàn Quốc, truyện của miền Bắc nhấn mạnh lòng tốt bụng và siêng năng của nhân vật chính, khắc họa nàng là một người con hiếu thảo, có đạo đức và lương tâm, một hình mẫu mà người dân nên noi theo. Về tổng thể, truyện “Người con gái hiếu thảo Shim Cheong” ở Bắc Triều Tiên có cốt truyện không thay đổi nhưng được diễn giải lại để phản ánh các yếu tố xã hội chủ nghĩa trong khuôn khổ truyền thống.

Văn học phản ánh tư tưởng và chuẩn mực của thời đại. Có thể thấy truyện “Người con gái hiếu thảo Shim Cheong” đã được điều chỉnh và bổ sung cho phù hợp với các chính sách và dụng ý của đảng Lao động Bắc Triều Tiên. Trong số tiếp theo của “Cận cảnh Bắc Triều Tiên”, chúng ta sẽ tìm hiểu những câu chuyện về cáo trong văn học miền Bắc.

Lựa chọn của ban biên tập