Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Động thái bắn thử tên lửa của Bắc Triều Tiên

2021-09-30

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ YONHAP News

Hai tuần sau khi các đường dây liên lạc liên Triều được khôi phục vào ngày 27/7, Bắc Triều Tiên đơn phương không trả lời các cuộc điện thoại của Hàn Quốc, khiến quan hệ giữa hai miền Nam-Bắc lại rơi vào bế tắc. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Ủy ban Tuyên truyền đảng Lao động Bắc Triều Tiên Kim Yo-jong ngày 25/9 đã ra một tuyên bố tích cực trước lời kêu gọi của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại khóa họp lần thứ 76 của Đại hội đồng Liên hợp quốc về việc chính thức chấm dứt chiến tranh Triều Tiên(1950-1053). Song thay vì nối lại đường dây liên lạc liên Triều, Bình Nhưỡng lại phóng thử tên lửa vào ngày 28/9 để phô trương sức mạnh. Sau đây, giáo sư Park Won-gon thuộc Khoa Bắc Triều Tiên học trường Đại học nữ Ewha sẽ phân tích cho về  thời điểm và ý đồ của động thái này.

 

Trong tuyên bố ngày 25/8, tuy Phó Chủ tịch Kim Yo-jong thể hiện mong muốn cải thiện quan hệ với miền Nam và thậm chí để ngỏ khả năng tổ chức Hội nghị thượng đỉnh liên Triều với điều kiện tiên quyết là Seoul phải từ bỏ các tiêu chuẩn kép, tức là Hàn Quốc không được gọi các động thái phát triển và phóng tên lửa của miền Bắc là hành động khiêu khích trong khi bản thân cũng đang phát triển hệ thống vũ khí. Theo đó, lần bắn tên lửa này của Bình Nhưỡng là nhằm quan sát xem Seoul có gọi đây là một hành động khiêu khích hay không.

 

Quan hệ liên Triều đang bị đình trệ bắt đầu có chuyển biến sau khi Tổng thống Moon Jae-in đề xuất ba bên Hàn-Triều-Mỹ hoặc 4 bên Hàn-Triều-Mỹ-Trung cùng tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên tại khóa họp lần thứ 76 của Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 21/9. Trong buổi họp báo sau sự kiện, ông Moon nhấn mạnh lời kêu gọi chấm dứt chiến tranh và đàm phán hòa bình là một tuyên bố chính trị.

 

Chính phủ Tổng thống Moon Jae-in đã liên tiếp kêu gọi chấm dứt chiến tranh tại Liên hợp quốc, thậm chí còn đưa nội dung này vào Tuyên bố Bàn Môn Điếm tại Hội nghị thượng đỉnh liên Triều đầu tiên vào tháng 4/2018. Tôi cho rằng động thái này là nhằm cải thiện tình trạng bế tắc trong quan hệ với miền Bắc, cũng như kích hoạt lại tiến trình hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc, mở ra cánh cửa cho việc phi hạt nhân hóa hoặc nối lại đàm phán hạt nhân với Bình Nhưỡng thay vì chờ đợi nước này đưa ra đề xuất hay hành động trước. Khác với năm ngoái, lần này Tổng thống Moon đã cụ thể hóa đối tượng được nhắc đến khi chỉ gói gọn vấn đề với ba bên Hàn-Triều-Mỹ hoặc 4 bên Hàn-Triều-Mỹ-Trung. Cùng với đó là thể hiện mong muốn thúc đẩy tổ chức một sự kiện ngoại giao cấp thượng đỉnh có sự tham gia của ba hay 4 nước trên, áp dụng cách tiếp cận từ trên xuống của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.

 

Miền Bắc đã ngay lập tức đưa ra phản ứng trước đề xuất chấm dứt chiến tranh Triều Tiên của Tổng thống Moon Jae-in. Sáng sớm ngày 24/9, Thứ trưởng Ngoại giao Bắc Triều Tiên Ri Thae-song đã có phát ngôn cho biết tuyên bố chấm dứt chiến tranh chỉ là ảo tưởng khi Washington vẫn giữ chính sách thù địch đối với Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, trong tuyên bố được công bố 7 giờ sau đó, Phó Chủ tịch Ủy ban Tuyên truyền đảng Lao động Kim Yo-jong lại cho rằng đây là một đề xuất thú vị, một khởi đầu tốt nếu Hàn Quốc rút lại chính sách thù địch. Ngày 25/9, bà Kim Yo-jong lại đưa ra một tuyên bố khác, để ngỏ khả năng tổ chức Hội nghị thượng đỉnh liên Triều, khôi phục lại Văn phòng liên lạc liên Triều và thảo luận về đề xuất tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên nếu hai nước duy trì thái độ tôn trọng lẫn nhau. Phản ứng mang tính nước đôi và mơ hồ này được cho là một chiến thuật của miền Bắc nhằm giành ưu thế trong mối quan hệ với Hàn Quốc trong tương lai, bất chấp đối thoại liên Triều có được nối lại hay không.

Nhưng chỉ ba ngày sau khi Phó chủ tịch Kim Yo-jong đưa ra tuyên bố tích cực trên, Bắc Triều Tiên đã có động thái phóng thử tên lửa. Khoảng 20 phút sau đó, tại phiên thảo luận chung của khóa họp lần thứ 76 Đại hội đồng Liên hợp quốc, Đại sứ Bắc Triều Tiên tại Liên hợp quốc Kim Song phát biểu nếu Mỹ thực sự mong muốn hòa bình và hòa giải thì phải từ bỏ chính sách thù địch với miền Bắc, bắt đầu bằng việc dừng vĩnh viễn tập trận chung, huy động vũ khí chiến lược tới bán đảo Hàn Quốc và khu vực lân cận. Phát biểu này phù hợp với yêu cầu rút lại chính sách thù địch và tiêu chuẩn kép mà bà Kim Yo-jong đã tuyên bố trước đó.

 

Sau thất bại của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội vào tháng 2/2019 và cuộc họp cấp chuyên viên Mỹ-Triều cuối cùng tại Thụy Điển vào tháng 10/2019, Bắc Triều Tiên đã tuyên bố một lộ trình đột phá vào tháng 12 cùng năm với trọng tâm là đối đầu với các lệnh trừng phạt của Mỹ. Lập trường này đã một lần nữa được khẳng định tại Đại hội đảng Lao động Bắc Triều Tiên lần thứ 8 vào tháng 1 năm nay và được duy trì cho đến nay với chủ trương Mỹ và Hàn Quốc rút lại chính sách thù địch. Cụ thể, lần này Đại sứ Kim Song đã nhấn mạnh đến việc dừng các cuộc tập trận quân sự chung Hàn-Mỹ và chính sách phát triển tài sản chiến lược, vốn vẫn được Bình Nhưỡng đưa ra như một điều kiện tiên quyết để nối lại đối thoại Mỹ-Triều kể từ khi Chính phủ Tổng thống Joe Biden ra mắt.

 

Trong khi đó, các chuyên gia phân tích phản ứng tích cực bất thường của Bắc Triều Tiên trước đề xuất mới đây của Tổng thống Moon Jae-in là một động thái chiến lược của nước này nhằm giảm nhẹ các lệnh trừng phạt, cũng như để được công nhận là một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân. Cho dù có thành công hay không, đây vẫn được coi là một phương án có lợi cho miền Bắc.

 

Mỹ coi Bắc Triều Tiên là một quốc gia tài trợ khủng bố và đang áp đặt các lệnh trừng phạt lên nước này theo luật pháp trong nước. Nếu tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên được thực hiện, miền Bắc sẽ không còn là nước thù địch với Mỹ và có thể danh chính ngôn thuận yêu cầu Washington hoặc Liên hợp quốc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, và theo đó vai trò của quân đội Mỹ tại Hàn Quốc và liên minh Hàn-Mỹ cũng sẽ bị suy yếu. Tuy nhiên, dựa vào các chính sách đối ngoại của Washington hiện tại, tôi không nghĩ đề xuất này sẽ được thực hiện vì tuyên bố kết thúc chiến tranh sẽ đặt ra một gánh nặng ngoại giao đáng kể lên Mỹ. Ngay cả khi Bắc Triều Tiên và Trung Quốc chấp nhận để xuất của Hàn Quốc nhưng Mỹ lại từ chối, miền Bắc cũng không phải chịu tổn thất gì.

 

Việc Bắc Triều Tiên bắn thử tên lửa ba lần và ra ba tuyên bố nhắm vào Hàn Quốc và Mỹ chỉ riêng trong tháng này đã khiến tình hình ngoại giao khu vực trở nên bất ổn. Vừa phô trương sức mạnh vừa đưa ra điều kiện nối lại đối thoại, miền Bắc đang áp dụng chiến thuật “vừa cứng rắn vừa ôn hòa”, khiến nhiều người quan tâm đến các động thái tiếp theo của nước này.

 

Nếu nhìn vào toàn cảnh, có thể thấy Bắc Triều Tiên đang thực hiện một cuộc công kích nhắm vào Hàn Quốc và Mỹ. Trong tuyên bố ngày 15/9, sau khi miền Bắc bắn thử tên lửa hành trình, Phó Chủ tịch Kim Yo-jong đã tiết lộ về kế hoạch 5 năm phát triển khoa học quốc phòng và hệ thống vũ khí. Tại Đại hội đảng Lao động lần thứ 8, Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải phát triển vũ khí mới, cho thấy khả năng cao Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục chính sách này. Trong bối cảnh này, Hàn Quốc cần phải xem xét xem miền Bắc có thực sự hướng tới một mối quan hệ liên Triều tốt đẹp hơn hay có đồng ý tham gia vào đối thoại vô điều kiện hay không. Trong tình hình đại dịch COVID-19, việc nối lại các cuộc đàm phán liên Triều cũng như Mỹ-Triều là không hề dễ dàng. Trong năm sau, Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh sẽ được tổ chức vào tháng 2 và cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc sẽ diễn ra vào tháng 3, nên miền Bắc có khả năng sẽ chuyển sang công kích theo hướng hòa bình vào thời điểm đó.

 

Các nước trên thế giới như Mỹ, Anh và Đức đã lên án động thái bắn thử tên lửa của Bắc Triều Tiên, đồng thời hối thúc nước này quay trở lại bàn đàm phán. Nhiệm vụ cấp bách hiện tại là phải đưa ra các biện pháp thiết thực để nối lại đối thoại. Ngoài ra, miền Bắc cũng cần thể hiện thiện chí trong việc phi hạt nhân hóa và đối thoại.

Lựa chọn của ban biên tập