Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Cuộc sống của phụ nữ Bắc Triều Tiên

2021-10-07

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ KBS

Năm nay là tròn 75 năm Bắc Triều Tiên ban hành Luật bình đẳng giới. Bộ Ngoại giao miền Bắc ngày 30/7 vừa qua ra bình luận, tuyên bố xã hội chủ nghĩa là thiên đường của phụ nữ với nền chính trị coi trọng và tôn trọng nữ giới, trong khi chủ nghĩa tư bản có xu hướng coi thường và phân biệt, là địa ngục của phụ nữ. Có thể thấy, Bắc Triều Tiên đang ca ngợi mức độ bình đẳng giới cao của nước này. Hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu về cuộc sống của phụ nữ miền Bắc cùng nhà nghiên cứu cấp cao Kim Young-hui đến từ Trung tâm kinh tế mới bán đảo Hàn Quốc thuộc Ngân hàng phát triển Hàn Quốc (KDB).

 

Tình trạng bất bình đẳng giới tại Bắc Triều Tiên

Theo "Sách trắng Nhân quyền Bắc Triều Tiên 2021" do Viện nghiên cứu thống nhất Hàn Quốc công bố năm 2021, phụ nữ miền Bắc phải chịu sự phân biệt đối xử gián tiếp do phải gánh vác vai trò mang đầy định kiến về giới, bị hạn chế con đường thăng tiến trong xã hội và chịu gánh nặng “giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Trong các bức ảnh tại các sự kiện lớn của Bắc Triều Tiên như Đại hội đảng Lao động lần thứ 8 và kỳ họp của Hội đồng nhân dân tối cao khóa XIV hồi tháng 1 năm nay, khó có thể bắt gặp bóng dáng của những người phụ nữ trong vai trò cán bộ đảng hay ủy viên Hội đồng nhân dân. Bức ảnh tại Hội nghị tập huấn Bí thư đảng cấp huyện, thành phố được nước này tổ chức hồi tháng 3 cũng hầu như không có phụ nữ. Phụ nữ có địa vị chính trị vẫn còn thấp, không được cân nhắc vào các vị trí quan trọng, và tình trạng bất bình đẳng giới vẫn còn phổ biến ở miền Bắc.

 

Luật bình đẳng giới của Bắc Triều Tiên

Ngày 30/7/1946, Bắc Triều Tiên ban hành Luật bình đẳng giới để làm cơ sở cho bình đẳng giới tại nước này. Luật bình đẳng giới miền Bắc quy định nam giới và nữ giới có quyền bình đẳng trong mọi lĩnh vực, gồm cả chính trị, kinh tế và văn hóa. Ngoài ra, để người phụ nữ có thể tham gia các hoạt động xã hội, miền Bắc đã áp dụng các chế độ đa dạng nhằm giảm bớt các công việc gia đình cho nữ giới. Chẳng hạn như mở các nhà máy sản xuất kimchi, cơm để phụ nữ có thể mua mang về trên đường tan sở.

 

Hệ thống hỗ trợ phụ nữ đi làm tại Bắc Triều Tiên

Trước giai đoạn khó khăn kinh tế giữa những năm 1990, Bắc Triều Tiên có các trung tâm chăm sóc trẻ em ở gần các công ty. Phụ nữ miền Bắc cũng được nghỉ thai sản hai tháng trước khi sinh và ba tháng sau khi sinh. Khi trẻ được ba tháng tuổi, người mẹ có thể đưa con đến trung tâm chăm sóc trẻ em, nơi các cán bộ y tế tốt nghiệp trường y sẽ chăm sóc và kiểm tra sức khỏe miễn phí cho trẻ. Các bà mẹ Bắc Triều Tiên đều nuôi con bằng sữa mẹ nên được phép làm việc 6 giờ một ngày, ít hơn hai giờ so với bình thường. Nhưng hệ thống chăm sóc trẻ em miễn phí đã bị sụp đổ vào thời kỳ khó khăn kinh tế cuối những năm 1990. Hiện nay, các bà mẹ miền Bắc phải trả tiền hoặc hối lộ nếu muốn gửi con vào các trung tâm chăm sóc trẻ em.

 

Hội Liên hiệp phụ nữ xã hội chủ nghĩa Bắc Triều Tiên

Phụ nữ Bắc Triều Tiên trước khi kết hôn đều phải đi làm và chỉ có thể bỏ việc khi đã kết hôn và sinh con. Sau khi nghỉ việc, phụ nữ miền Bắc sẽ gia nhập Hội Liên hiệp phụ nữ xã hội chủ nghĩa, một tổ chức chỉ dành cho phụ nữ. Với mục đích ngăn chặn phụ nữ có tư tưởng lệch lạc, Hội Liên hiệp phụ nữ vận động hội viên tham gia các sự kiện quan trọng hay các dịp cần lao động, như chiến dịch thu gom phân chuồng vào đầu năm, hỗ trợ nông dân trồng lúa vào tháng 5, hỗ trợ thu hoạch vụ thu hay giúp đỡ tại các công trường xây dựng. Họ cũng được huy động cho các sự kiện như sinh nhật cố Chủ tịch Kim Nhật Thành và Kim Jong-il, Ngày thành lập quân đội 25/4, Ngày thành lập đảng Lao động 10/10 và các ngày lễ quốc gia. Hội Liên hiệp phụ nữ miền Bắc cũng tổ chức các cuộc thi hát cho các hội viên để tỏ lòng trung thành.

 

Sự thay đổi trong địa vị của phụ nữ Bắc Triều Tiên

Trong thời kỳ kinh tế khó khăn mang tên “cuộc hành quân gian khổ”, phụ nữ Bắc Triều Tiên coi nghỉ việc là một cơ hội tốt vì có thể tự kinh doanh để trang trải kinh tế gia đình. Có trường hợp người vợ buôn bán ở chợ kiếm thu nhập gấp hàng chục lần so với chồng làm việc tại các công ty Nhà nước. Quyền lực kinh tế lớn hơn cũng giúp cho tiếng nói và địa vị của người phụ nữ trong gia đình được nâng cao. Khác với trước đây, ngày càng có nhiều phụ nữ miền Bắc muốn ly hôn do được tiếp xúc nhiều hơn với văn hóa phẩm nước ngoài, trong đó có phim trình truyền hình Hàn Quốc. Cùng với sự thay đổi của môi trường xã hội và kinh tế trong nước, địa vị của phụ nữ miền Bắc đang dần dần thay đổi.

Lựa chọn của ban biên tập